Sau những thành công của các hội nghị xúc tiến đầu tư tài chính của Việt Nam tại Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, năm nay Vương quốc Anh là quốc gia được chọn là điểm đến để thúc đẩy mạnh hơn nữa các dòng vốn chuyên nghiệp từ các trung tâm tài chính lớn của thế giới chảy góp vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Hội trường 250 ghế ngồi của toà nhà Haberdashers, nơi diễn ra Hội nghị xúc tiến đầu tư tài chính đã không còn chỗ trống. Hơn 200 nhà đầu tư Vương quốc Anh đã đến dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tài chính ngày 4/7/2019 tại London và dành nhiều thời gian để tìm hiểu các thông tin trực tiếp từ lãnh đạo ngành tài chính, chứng khoán, bảo hiểm tại Việt Nam.
Sự kiện do Bộ Tài chính Việt Nam phối hợp với các đối tác Anh quốc tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư nhằm tạo một kênh đối thoại thực chất giúp cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư Anh quốc hiểu rõ hơn tình hình Việt Nam, hiểu rõ hơn chủ trương và quyết tâm đổi mới của Chính phủ Việt Nam, và quan trọng nhất là củng cố lòng tin của nhà đầu tư Anh quốc đối với tiềm năng phát triển của thị trường Việt Nam.
Bắc nhịp cầu tới thị trường vốn
Nói trước đông đảo cộng đồng nhà đầu tư quốc tế, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: Việt Nam là quốc gia có độ mở cửa nền kinh tế cao và sẽ kiên định chính sách chủ động hội nhập quốc tế. Chúng tôi đang dần hiện thực hóa duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 GDP bình quân 6,5 - 7%/năm (trong đó năm 2019 là 6,6-6,8%), phát triển bền vững, ổn định, xanh và sạch. Qua đó, tiếp tục giữ vị thế là quốc gia năng động, điểm đến đầu tư hấp dẫn trong khu vực ASEAN và tham gia sâu hơn, vươn lên cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Tính đến 20/6/2019 Vương quốc Anh có 365 dự án còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký là 3,61 tỷ USD, đứng thứ 15/132 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.
Đầu tư của Vương quốc Anh tại Việt Nam tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp chế biến chế tạo, với 116 dự án, tổng số vốn 1,38 tỷ USD chiếm 38,3% tổng vốn đầu tư; lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với 884,7 triệu USD chiếm 24,5% tổng vốn đầu tư; lĩnh vực khai khoáng đứng thứ 3 với 701,4 triệu USD chiếm 19,4% tổng vốn đầu tư.
Trên thị trường tài chính, số tài khoản nhà đầu tư Vương quốc Anh mở tại Việt Nam chiếm khoảng 30% trong tổng số các tài khoản vốn ngoại trên thị trường. Tại hội nghị lần này, sự quan tâm của họ tập trung vào các cơ hội của Việt Nam, đặc biệt là lộ trình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước đang được thúc đẩy mạnh mẽ và những dự án đầu tư công.
Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài. Từ năm 2016 đến nay, vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài liên tục vào ròng ở mức khá cao, trung bình 1,98 tỷ USD/năm. Các nhà đầu tư Anh quốc đã đầu tư gián tiếp trên thị trường chứng khoán Việt Nam khoảng 944 triệu USD tập trung vào mua chứng chỉ quỹ, cổ phiếu, trái phiếu.
"Chúng tôi mong rằng sau diễn đàn này, các doanh nghiệp hai nước sẽ có thêm nhiều ý tưởng và dự án hợp tác mới để làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế cũng như quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Vương quốc Anh. Bộ Tài chính Việt Nam cam kết đồng hành và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hai nước, thành công của các bạn cũng là thành công của chúng tôi", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Cơ hội từ cổ phần hoá
Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, cho biết: danh mục các doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hoá và thoái vốn đến năm 2020 có quy mô lớn và để thị trường có thể hấp thụ hết phải có lộ trình.
"Chúng tôi muốn các tập đoàn phải cải tiến sự minh bạch, thực hiện quản trị công ty tốt trước khi thực hiện thu hút vốn. Bởi nếu làm tốt mới huy động được vốn từ các tập đoàn, tổng công ty tham gia", ông Tiến cho biết.
Ông Tiến cũng nhắc tới Agribank, Vinaphone là những doanh nghiệp lớn dự kiến sẽ triển khai cổ phần hoá và thoái vốn đến 2020. Tuy nhiên để trả lời cho câu hỏi của một nhà đầu tư rằng liệu có đảm bảo hoàn thành trước năm 2021, ông Tiến cho biết, sự thành công của tiến trình cổ phần hoá trông đợi nhiều vào nhà đầu tư Anh và châu Âu.
Nếu không, Việt Nam vẫn cổ phần hóa được nhưng doanh nghiệp sau cổ phần hoá đạt tỷ lệ cổ phần nhà nước lớn (80-90%) do thị trường không hấp thụ được hết một lượng lớn cổ phần được bán ra. "Mong nhà đầu tư đề xuất giải pháp và chúng tôi sẽ chọn món theo khẩu vị cho nhà đầu tư ở Anh", ông Tiến cho hay.
Chủ tịch SCIC Nguyễn Đức Chi cũng nhận được nhiều những câu hỏi trong phần thảo luận "Từ chính sách đến thực tế".
Theo các quyết định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự kiến trong giai đoạn 2017 - 2020, SCIC tiến hành cổ phần hóa 5 doanh nghiệp và bán vốn nhà nước tại 132 doanh nghiệp.
SCIC đã chào bán nhiều thương vụ thu hút đông đảo các nhà đầu tư quốc tế và trong nước tham gia. Chẳng hạn, hai đợt chào bán cổ phiếu VNM năm 2016 và 2017 với tổng cộng 8,73% vốn, thu về 20.276 tỷ đồng (tương đương 800 triệu USD); bán thành công 29,49% vốn điều lệ Nhựa Bình Minh thu về 2.329,6 tỷ đồng (khoảng 100 triệu USD); bán thành công 57% vốn Vinaconex thu về gần 300 triệu USD.
"Tới đây, chúng tôi sẽ thoái vốn tại FPT, Bảo hiểm Bảo Minh, Xuất nhập khẩu Sa Giang, Nhựa Tiền Phong, Dược Domesco...", Chủ tịch SCIC Nguyễn Đức Chi cho hay.
Giải pháp thúc đẩy mạnh hơn
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết ông hài lòng khi hội nghị năm nay tiếp tục nhận được sự quan tâm của đông đảo các nhà đầu tư lớn. Dòng vốn đầu tư từ Vương quốc Anh là rất đáng trân trọng, nhưng vẫn còn nhỏ so với tiềm năng.
Từ nay đến năm 2020, Việt Nam phải cổ phần hóa hàng trăm doanh nghiệp nhà nước, đồng thời phải thoái vốn nhà nước tại nhiều doanh nghiệp. Cùng với đó, thị trường chứng khoán Việt Nam vừa mở cửa sàn giao dịch chứng khoán phái sinh với nhiều sản phẩm ngày càng đa đạng, đang mở ra những cơ hội lớn cho nhà đầu tư nước ngoài.
Bộ trưởng cho biết: Sẽ làm hết sức mình để thúc đẩy các dòng vốn chuyên nghiệp, vốn từ Vương quốc Anh vào Việt Nam.
Về triển vọng chính sách trong lĩnh vực chứng khoán, trong thời gian tới Bộ trưởng cho biết, sẽ tập trung vào nhiều nội dung quan trọng.
Thứ nhất, sửa đổi Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư hướng tới tạo nền tảng pháp lý thống nhất, thông thoáng.
Thứ hai, đẩy mạnh quá trình hợp nhất 2 Sở Giao dịch Chứng khoán, thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam gắn liền với phân bảng niêm yết và hình thành các mảng thị trường khác nhau: thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán phái sinh nhằm chuyên nghiệp hóa hoạt động của thị trường chứng khoán, từ đó thúc đẩy luân chuyển dòng vốn giữa các nước được thuận lợi.
Thứ ba, khơi thông dòng vốn trong nước và nước ngoài thông qua các giải pháp chính sách về nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ hạng thị trường cận biên lên hạng thị trường mới nổi trên bảng xếp hạng MSCI; xây dựng chính sách hướng dẫn các doanh nghiệp FDI lên niêm yết và huy động vốn trên thị trường chứng khoán, đơn giản các thủ tục thu hút các nhà đầu tư có tổ chức lớn tham gia thị trường; thu hút các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước gắn với việc niêm yết và đăng ký giao dịch; áp dụng phương thức dựng sổ trong thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước; tăng cường kiểm tra, giám sát về tính minh bạch các thông tin trong báo cáo tài chính của các công ty đại chúng về vấn đề sử dụng vốn, công bố thông tin và quản trị công ty.
Thứ năm, triển khai đề án phát triển trái phiếu doanh nghiệp; hoàn thiện phương án tổ chức thị trường trái phiếu doanh nghiệp và công tác chuẩn bị để có thể đưa thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp vào hoạt động trong năm 2020...
Giải đáp cho những quan ngại của các nhà đầu tư về vấn đề khá nóng của thị trường chứng khoán tại Việt Nam, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết: Thị trường chứng khoán Việt Nam hoạt động theo nguyên tắc công khai, công bằng, bảo vệ lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư.
Thông qua hội nghị lần này, Việt Nam mong muốn được lắng nghe các ý kiến từ cộng đồng đầu tư Vương quốc Anh và mong muốn được thu hút, kêu gọi đầu tư từ phía trung tâm tài chính số 1 của thế giới vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
"Tôi cũng tin tưởng và khẳng định: với tiềm năng và thế mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh của một thị trường năng động, bên cạnh chủ trương của Chính phủ Việt Nam đang tạo điều kiện hết sức thuận lợi để thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển thành một thị trường tầm cỡ ở khu vực, Việt Nam hứa hẹn sẽ là địa điểm đầu tư, kinh doanh hấp dẫn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Hiện chúng tôi đang xây dựng văn bản Luật Chứng khoán. Đây là cơ hội để chúng tôi đưa ra hành lang pháp lý có khả năng giám sát, củng cố và giữ gìn kỷ cương thị trường", Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cam kết.