Trong buổi gặp gỡ các nhà phân tích Quý 1, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) – thừa nhận: Chiến lược đưa Bách Hóa Xanh thọc sâu vào các khu dân cư là việc "hơi vội vàng".
"Đó là chủ đích hơi vội vàng khi thương hiệu chưa đủ mạnh mà bạn phủ quá sớm", ông Tài chia sẻ.
"Trước đây, với Thế giới Di động, khi mở các shop đầu tiên chọn những vị trí rất retail, đến khi thương hiệu đủ mạnh mới thọc sâu vào những huyện, xã nhỏ. Khi đến đó không cần phải nói "Tôi là ai", bởi người ta đã biết rồi, mình đến nơi thì người ta đến thôi. Còn bây giờ Bách Hóa Xanh thọc sâu vào các khu dân cư hơi sớm".
Với chiến lược thọc sâu vào các khu dân cư, doanh thu của Bách Hóa Xanh không đạt mức kỳ vọng là 1 tỷ đồng/tháng.
Kết thúc Quý 1/2018, Bách Hóa Xanh lỗ EBITDA (thu nhập trước lãi vay và khấu hao) ở mức 60 tỷ đồng, phải đóng cửa 3 cửa hàng, ngưng kế hoạch triển khai 7 cửa hàng.
Chiến lược mở rộng cũng đã giảm từ 1.000 cửa hàng xuống chỉ còn 500 cửa hàng.
Theo cập nhật trên website bachhoaxanh.com, số lượng cửa hàng mang thương hiệu này hiện ở mức 370 cửa hàng.
Chiến lược mở rộng Bách Hóa Xanh cũng thay đổi, thay vì đặt nặng việc mở rộng với số lượng lớn như trước, giờ ưu tiên của ông chủ Thế giới Di động là mở đúng vị trí. Thay vì lựa chọn thọc sâu vào khu dân cư, các cửa hàng Bách Hóa Xanh mới sẽ được dịch chuyển ra trục đường lớn đi vào khu dân cư.
Với mảng điện thoại, 3 nhà cung cấp lớn nhất đã cung cấp tới 80% số lượng hàng. Với mảng thực phẩm, ông Tài đã phải làm việc với rất rất nhiều người mới xây được mạng lưới cung cấp cho vài trăm shop.
Tuy nhiên, ông Tài vẫn cho rằng vài năm nữa, khi Bách Hóa Xanh đã có thương hiệu, đấy sẽ là thời điểm đúng đắn để mở các điểm bán của Bách Hóa Xanh thọc sâu vào các khu dân cư.
Đơn cử cho chiến lược này là chuỗi Thế giới Di động hiện số lượng đã lên gần 1.800 cửa hàng. Ông Tài cho biết: Có những con đường vắng vẻ, đầy ổ gà, ổ voi, nhưng doanh thu đem lại lại rất lớn. Lý do ông Tài đưa ra là thương hiệu Thế giới Di động đã đủ mạnh, và người mua sẽ tìm đến. Còn với Bách Hóa Xanh hiện giờ, mở ra mà chỉ có 20% người nhận diện còn 80% người qua đường thờ ơ thì rõ ràng doanh thu không thể "ngon lành" được.
Một vấn đề đau đầu và khác biệt hoàn toàn giữa Bách Hóa Xanh và Thế giới Di động là các nhà cung cấp. Trong khi với mảng điện thoại, 3 nhà cung cấp lớn nhất đã cung cấp tới 80% số lượng hàng, trong đó Samsung chiếm tới 45%, thì với việc bán rau, bán thịt, ông Tài đã phải làm việc với rất rất nhiều người mới xây dựng nên mạng lưới cung cấp cho vài trăm shop.
"Việc này rất phức tạp. Càng nhiều người sự phức tạp càng tăng lên. Hôm nay vườn đó bạn mua được cam của họ, hôm sau cam thu hoạch hết thì lấy đâu? Sang vườn khác, bạn có đảm bảo loại cam vườn này giống với loại cam mình vừa test? Cực phức tạp. Trong khi với điện thoại, những chiếc điện thoại của cùng một hãng khi ra khỏi nhà máy thì chất lượng như nhau", ông Tài bộc bạch.
Trước đó, tại ĐHCĐ MWG diễn ra hồi tháng 3/2018, MWG trình mục tiêu mở rộng chuỗi Bách Hóa Xanh lên 1.000 điểm bán, nhưng lãnh đạo MWG cũng thừa nhận doanh nghiệp này đang "đau đầu" với 2 khó khăn của Bách Hóa Xanh: Hệ thống quản trị và Doanh thu trung bình/cửa hàng khá thấp, rớt xuống còn 400 – 600 triệu đồng/cửa hàng.