Ngày 15/4, tại Hà Nội đã diễn ra lễ công bố trực tuyến Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2020. Tại đây, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu: "16 năm về trước, ở nước ta, khu vực kinh tế tư nhân chưa được coi là động lực quan trọng. Khi đấy, VCCI đã khởi động hành trình PCI, nối nhịp cầu doanh nghiệp với chính quyền để thúc đẩy cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh ở cấp địa phương và cơ sở".
"Thời đó, PCI là chuyện lạ. Nhiều người phản đối PCI, có địa phương không chấp nhận kết quả PCI", ông Lộc chia sẻ.
Đến nay, sau 16 năm, 150 nghìn lượt doanh nghiệp đã gửi gắm niềm tin và kiến nghị của mình vào các cuộc khảo sát của PCI. Trong loạt các Nghị quyết số 19, Nghị quyết số 02, Chính phủ đã yêu cầu các địa phương nỗ lực cải thiện chỉ số PCI. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ của hầu hết các tỉnh, thành phố đã nêu yêu cầu cải thiện chỉ số PCI trong nhiệm kỳ 5 năm sắp tới.
Đáng chú ý, theo ông Lộc, PCI là thước đo hành động của chính quyền. PCI thúc đẩy những hoạt động thực chất nhằm cải thiện chất lượng điều hành và kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi dựa trên những thực chứng từ kết quả PCI.
Tại đây, đại diện VCCI cũng chúc mừng Quảng Ninh: "Năm nay một lần nữa, đã vượt qua chính mình và xác lập vững chắc vị trí quán quân trong bảng xếp hạng PCI trong 4 năm liên tiếp".
Quảng Ninh cũng là tỉnh duy nhất trong 63 tỉnh thành, thành phố vượt qua điểm mốc 75 điểm trong kết quả PCI từ năm 2010 trở lại đây. Xin chúc mừng các tỉnh, thành phố đã xuất sắc đứng trong top 10 của "cuộc đua" PCI 2020 là Đồng Tháp, Long An, Bình Dương, Đà Nẵng, Vĩnh Long, Hải Phòng, Bến Tre, Hà Nội và Bắc Ninh.
2020 cũng là năm thứ tư liên tiếp mà điểm số của tỉnh trung vị đại diện cho bảng xếp hạng PCI đạt trên 60 điểm, và ghi nhận xu hướng hội tụ mạnh mẽ hơn khi mà khoảng cách điểm số giữa tỉnh có kết quả PCI cao nhất và thấp nhất tiếp tục được thu hẹp lại.
Dù vậy, Báo cáo PCI 2020 cũng cho thấy những nỗ lực cải cách hành chính trong những năm qua còn "gập ghềnh". Bên cạnh những lĩnh vực có nhiều tiến bộ, hoạt động cải cách cần được chú trọng hơn ở một số lĩnh vực còn nhiều phiền hà như đất đai, thuế và bảo hiểm xã hội... Doanh nghiệp cũng kỳ vọng chính quyền các cấp cần tăng cường hơn nữa tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Đặc biệt, theo kết quả điều tra PCI, cứ trong 4 doanh nghiệp thì có 1 doanh nghiệp cho rằng địa phương ưu ái các doanh nghiệp Nhà nước, gây khó khăn cho doanh nghiệp tư nhân. Cứ trong 3 doanh nghiệp thì có gần 1 doanh nghiệp cho rằng Chính quyền còn ưu ái cho doanh nghiệp FDI.
Vẫn còn 40% doanh nghiệp chưa sẵn sàng sử dụng tòa án để giải quyết các tranh chấp về kinh tế. Gần 45% doanh nghiệp cho biết họ phải trả các chi phí không chính thức. 54% doanh nghiệp cho rằng hiện tượng nhũng nhiễu vẫn còn. 20% doanh nghiệp đánh giá cán bộ nhà nước trong xử lý công việc còn chưa hiệu quả, chưa thân thiện và cũng còn tới 3% doanh nghiệp phản ánh mỗi năm họ còn bị thanh, kiểm tra quá 5 lần...
Niềm tin kinh doanh do tác động của đại dịch Covid đã giảm mạnh tại thời điểm năm 2020. Chỉ có 41% doanh nghiệp cả tư nhân trong nước và FDI dự kiến sẽ mở rộng kinh doanh trong 2 năm tới, giảm hơn 10 điểm % so với năm 2019.
Điểm số PCI và PCI gốc năm 2020 cũng giảm nhẹ so với năm 2019 và các ngôi sao cải cách, các tỉnh dẫn đầu trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh đã ít có sự bứt phá hơn, cho thấy đà cải cách có phần chững lại đòi hỏi chúng ta phải có những nỗ lực hơn trong việc thúc đẩy cải cách một cách kiên trì và thực chất và mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Cuối cùng, Chủ tịch VCCI kết luận: "Chúng ta đã chuyển mình nhưng vẫn còn nhiều 'bậc thang' cải cách khác mà chính quyền các cấp cần nâng bước, để vươn tới những 'tầng cao' với những 'ô cửa mở' của tương lai".