Trong vài năm trở lại đây, các chương trình vay mua nhà với lãi suất 0% được nhiều chủ đầu tư dự án liên kết với các ngân hàng áp dụng trong vài năm trở lại đây.
Có thể hiểu vay mua nhà với lãi suất 0% là hình thức tín dụng thanh toán trả góp không lãi suất, thường là từ thời điểm đặt cọc cho tới thời điểm nhận nhà (có thể từ 12-24 tháng tùy theo chính sách của từng chủ đầu tư dự án và ngân hàng cho vay vốn liên kết). Sau thời gian đó, người vay phải trả lãi suất vay như khoản vay thông thường.
Phần hỗ trợ lãi suất ngân hàng được các chủ đầu tư bất động sản chi trả thay cho khách hàng với ngân hàng.
Trong khoảng thời gian được vay với mức lãi suất 0%, người mua nhà có thể xem là khá được lợi. Ví dụ với một căn hộ chung cư có giá tầm 2 tỷ đồng, nếu khách hàng vay tối đa tới 70% giá trị căn hộ (khoảng 1,4 tỷ đồng) mà được vay lãi suất 0% trong khoảng 15 tháng thì sẽ bớt được khoảng hơn 210 triệu đồng tiền lãi ngân hàng (nếu tính lãi cho vay thông thường khoảng 10%/năm). Ngoài ra, chính sách này cũng giúp khách hàng giảm thiểu rủi ro của việc phải gánh lãi ngân hàng khi chưa có nhà ở.
Tuy nhiên sau quãng thời gian được chủ đầu tư hỗ trợ lãi suất, khách hàng sẽ chịu khoản lãi suất thả nổi khá cao. Trong chương trình Landshow mới đây, một khán giả tên Trương Văn Tùng chia sẻ câu chuyện nhiều người bạn mình phải bán nhà vì không có khả năng để tiếp tục trả khoản vay này. Điều này ảnh hưởng khá nhiều đến cuộc sống hàng ngày. Thậm chí lãi suất thả nổi của các khoản vay này theo anh chia sẻ lên tới 12%.
“Liệu Ngân hàng Nhà nước có thể áp dụng chính sách trần lãi suất cho khoản vay mua nhà được hay không?”, anh Hoàng đưa ra câu hỏi với các chuyên gia.
Giải đáp cho câu hỏi này, ông Phạm Xuân Hoè, nguyên Phó Viện trưởng Viện chiến lược Ngân hàng Nhà nước cho rằng, hiện nay trên thị trường về mặt chính sách có 2 dạng lãi suất. Thứ nhất là cho vay nhà ở đối với người thu nhập thấp, cho vay nhà ở xã hội. Trong gói được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đưa ra, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ công bố mức lãi suất hàng năm, trên dưới 5%. Gói cho vay này áp dụng với những người thu nhập thấp theo những tiêu chí do cơ quan quản lý đưa ra. Thứ hai là nghiệp vụ cho vay nhà của các Ngân hàng thương mại.
Ông Phạm Xuân Hoè, nguyên phó viện trưởng viện chiến lược Ngân hàng nhà nước
“Thực ra đây là thuận mua vừa bán giữa anh và Ngân hàng thương mại (NHTM) thôi. Tôi cũng nói luôn là NHTM cũng là đơn vị kinh doanh, người ta phải thả nổi lãi suất để hạn chế rủi ro lãi suất. Khi lãi suất lên, đầu vào tiền gửi lãi suất cao thì người ta phải cho vay giá cao. Tôi từng làm giám đốc NHTM rồi, thì phải ký thả nổi 3 tháng, 6 tháng 1 lần. NHTM sẽ căn cứ vào lãi suất tiết kiệm 12 tháng cộng với một mức biên nhất định. Ngân hàng Nhà nước không bao giờ khống chế trần lãi suất đấy cả. Lãi suất dựa trên cơ sở thoả thuận theo điều 91 Luật các TCTD”, ông Hòe phân tích.
Vị chuyên gia này cũng đưa ra lời khuyên với trường hợp những người đang có ý định mua nhà cần tính toán bài toán tài chính cá nhân, tìm hiểu đầy đủ thông tin từ phía ngân hàng. Nếu mức lãi suất thả nổi cao quá không lường trước được thì có 2 cách. Một là tăng vốn tự có của mình lên, giảm mức đi vay từ ngân hàng. Thứ hai là chưa nên vay, có thể chọn phương án đi thuê nhà nếu hợp lý hơn. Mấu chốt là mỗi người phải giải bài toán cá nhân của mình vì sẽ không có chính sách trần lãi suất cho vay mua nhà đối với NHTM.