Tiềm năng thị trường đồ ăn nhanh tại Việt Nam rất lớn, tuy nhiên, các thương hiệu như KFC, Lotteria và Jollibee vẫn khá chật vật trong việc tìm kiếm lợi nhuận.
Theo nghiên cứu của Vietnam Report, tỷ lệ tăng trưởng hàng năm của ngành F&B (thực phẩm và đồ uống) rơi vào khoảng 10% mỗi năm, vượt trội hơn so với mức tăng trưởng chung của các ngành kinh tế khác. Điều này chứng tỏ dư địa phát triển ngành này vẫn rất rộng, và Việt Nam là thị trường có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Miếng bánh béo bở là vậy, nhưng những đại gia ngoại như KFC, Lotteria, Jollibee, Burger King lại khá chật vật tại Việt Nam trong nhiều năm qua.
Ngày 17/4, tờ The Korea Times đưa tin Lotteria sẽ dừng hoạt động ở Việt Nam, tuy nhiên, đại diện Lotteria Việt Nam phủ nhận thông tin này với Zing. Ảnh: Lotteria. |
Đi đầu vào thị trường Việt Nam từ những năm 1996, KFC phải mất đến 7 năm để có đồng lợi nhuận đầu tiên. Trong các năm tiếp theo thì tình hình tài chính “phập phồng”, không đều.
Đến năm 2019, báo cáo tài chính của Công ty liên doanh TNHH KFC Việt Nam ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.498 tỷ đồng, chỉ tăng hơn 1% so với năm 2018. Mức tăng trưởng thấp hơn nhiều so với con số tăng 18% và 8% của năm 2017 và 2018.
Biên lợi nhuận gộp của KFC giai đoạn 2016-2019 cũng ở mức thấp, dao động 13-18% (giá vốn hàng bán cao). Tuy nhiên, do kiểm soát được chi phí bán hàng nên doanh nghiệp vẫn báo lãi 78 tỷ đồng trong năm 2019. Lợi nhuận sau thuế năm 2017 và 2018 lần lượt là 88 tỷ đồng và 94 tỷ.
Trong khi đó, chi phí thuê mặt bằng, trang thiết bị, nhân công và vận hành cao lại là vấn đề trọng yếu của Công ty TNHH Lotteria Việt Nam. Năm 2018, đơn vị vận hành thương hiệu Lotteria tại Việt Nam vẫn duy trì doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng/năm nhưng khoản lỗ lũy kế đã lên đến 400 tỷ.
Khoản lỗ của Lotteria Việt Nam trong 2 năm 2015 và 2016 lần lượt 118 tỷ và 135 tỷ đồng, nghĩa là doanh nghiệp này càng kinh doanh, càng mở rộng thì càng thua lỗ. Đến năm 2019, thương hiệu đến từ Hàn Quốc thu về 1.683 tỷ đồng (cao hơn KFC gần 200 tỷ đồng) với lợi nhuận gộp 987 tỷ, nhưng vẫn báo lỗ 22 tỷ.
Thậm chí, theo nguồn tin của tờ The Korea Times, năm 2020, Lotteria Việt Nam không tạo ra bất kỳ đồng lợi nhuận nào cho Lotte GRS - đơn vị kinh doanh nhà hàng của Tập đoàn Lotte.
Giá trị sổ sách của Lotteria Việt Nam được xác định ở mức 26,8 tỷ won (553 tỷ đồng) vào đầu năm 2020, nhưng đã giảm xuống còn 15,6 tỷ won (322 tỷ đồng) sau khi ghi nhận khoản lỗ 11,2 tỷ won (231 tỷ đồng) trong năm. Khoản lỗ ròng của công ty này cũng vượt mức 10 tỷ won (206 tỷ đồng) trong năm gần nhất.
Không riêng gì Lotteria, biên lợi nhuận gộp cao cùng việc phải chi rất đậm cho chi phí bán hàng cũng đang là điều mà Jollibee Việt Nam phải bận tâm trên con đường tìm ra công thức kinh doanh có lãi.
Vào Việt Nam từ năm 2005 nhưng đến nay Jollibee vẫn còn lỗ lũy kế 63 tỷ đồng, trong khi quy mô vốn điều lệ chỉ 409 tỷ. Trong năm 2019, Công ty TNHH Jollibee Việt Nam thu về 1.118 tỷ đồng, lợi nhuận gộp lên tới 604 tỷ và phải chịu lỗ 10 tỷ đồng.
Ngoài ra, có thể kể đến Burger King bắt đầu rót 40 triệu USD vào Việt Nam từ năm 2012, đặt mục tiêu mở 60 cửa hàng trước năm 2016 nhưng đến nay lượng cửa hàng thực tế là 9. Hay Mc Donald’s ra mắt khá rầm rộ vào năm 2014 với tham vọng có 100 cửa hàng vào năm 2022, tuy nhiên, hiện hãng này mới chỉ có 23 cửa hàng.
Một chuyên gia ngành F&B nhận định với Zing việc các chuỗi đua nhau mở rộng hệ thống ảnh hưởng rất lớn đến doanh số và lợi nhuận. Vị này cũng cho rằng các doanh nghiệp đồ ăn nhanh nước ngoài khi vào Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với sự tiện lợi của ẩm thực đường phố. Ngoài ra, giá bán của các mặt hàng đồ ăn nhanh được cho là rẻ ở nước ngoài nhưng lại là đắt đỏ ở Việt Nam.
(Theo Zing)