Từ vừa trồng lan rừng cho vui, vừa túc tắc học trồng lan rừng trên mạng, tự chế thứ phân đặc biệt bón cho lan rừng, ai ngờ bác Đỗ Văn Sâm có thu nhập 300 triệu đồng mỗi năm.
Học trồng lan rừng trên mạng xã hội
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử DANVIET.VN, bác Đỗ Văn Sâm cho biết: “Từ lâu tôi đã có niềm đam mê với hoa lan, nhất là phong lan rừng. Từ hồi còn trai trẻ, mỗi chuyến có việc về miền ngược tôi đều mang theo những giò phong lan rừng về trồng. Ban đầu, tôi chỉ sưu tầm vài chậu trồng chơi cho vui, rồi càng chơi phong lan rừng càng thấy thích, thấy mê. Từ 4 năm nay, tôi tập trung vào công việc làm vườn lan, trồng lan rừng như vừa là thỏa thú đam mê vừa kiếm được thu nhập...”.
Bác Đỗ Văn Sâm cho biết, bác đam mê trồng hoa lan rừng từ lâu. Ban đầu chỉ trồng vài chậu cho vui, càng chơi, càng thấy thích.
Thời gian đầu, bác Sâm trồng phong lan gặp không ít khó khăn. Với niềm đam mê trồng hoa lan rừng từ lâu, bác Sâm không chùn bước. “Mỗi khi gặp khúc mắc, tôi lại lần "mò" vào các trang mạng xem hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc hoa lan. Lúc đầu, tôi tìm hiểu về các loại hoa lan có giá trị kinh tế cao phù hợp với quê mình. Sau đó, tôi xem các clip hướng dẫn cách trồng, chăm sóc hoa lan rừng trên các kênh Youtube, Facebook… tôi mua về tập trồng theo”.
Hiện bác Sâm trồng vườn phong lan với hơn 400 loại hoa lan khác nhau, trong đó có nhiều loại phong lan rừng, hoa lan rừng có giá trị kinh tế cao như phi điệp, đai trâu, giả hạc, trầm tím....
Theo bác Sâm: Khi mới bắt tay vào trồng hoa lan, việc lan rừng bị bệnh thối nhũn chết hàng loạt hoặc lan không nở hoa là chuyện bình thường và phải chấp nhận nhiều rủi ro vì đây là nghề cần sự công phu, tỉ mẩn. Bởi loài hoa phong lan này thuộc diện khó tính, kén người trồng, người chơi.
“Để có được những chậu lan rừng, giò phong lan rừng đẹp, nở đúng độ, giữ được sắc và tươi lâu, mùi thơm dễ chịu tôi đã tự tìm hiểu kỹ thuật trồng lan qua sách, báo, internet để học tập những phương pháp đối với từng loại hoa. Sau thời gian 3 năm trồng phong lan, từ 50m2 trồng lan ban đầu, đến nay, tôi đã mở rộng vườn lan rừng lên 200m2 diện tích với hơn 400 loại hoa khác nhau có giá trị kinh tế cao như phi điệp, đai trâu, giả hạc, trầm tím....” - bác Sâm cho phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN biết.
Không chỉ trồng lan rừng và bán lan rừng theo cách truyền thống, bác Sâm còn đăng bán, trao đổi, giao lưu kinh nghiệm trồng lan trên mạng internet; mạng xã hội như Facebook, Zalo.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, bác Sâm cho biết: Hoa lan rừng có 2 loại chính là lan đơn thân và phong lan thân thòng. Phong lan đơn thân gồm: đai trâu, quế, cáo, chồn…Còn phong lan rừng thân thòng gồm phi điệp tím, phi điệp vàng và một số loài phi điệp đột biến 5 cánh trắng Hoà Bình, phi điệp đột biến 5 cánh trắng Phú Thọ (trong Nam gọi là giả hạc đột biến 5 cánh trắng Hòa Bình; giả hạc đột biến 5 cánh trắng Phú Thọ)…
Hiện khách hàng mua, trao đổi lan rừng của bác Sâm là những người quen từ khắp các huyện trong tỉnh Nam Định và các tỉnh, thành lân cận …đến đặt mua, trao đổi số lượng lan rừng khá lớn. Từ trồng và bán lan rừng, hiện nay, gia đình bác Sâm có thu nhập tầm 200-300 triệu đồng/năm. "Có tuổi rồi, trồng, chăm sóc lan rừng kể ra cũng giúp tôi có cái nghề lại mang về thu nhập", bác Sâm tâm sự.
Hiện bác Đỗ Văn Sâm cũng đang sở hữu nhiều giò hoa lan giả hạc đột biến có giá trị kinh tế cao như: lan giả hạc đột biến 5ct Phú Thọ; lan giả hạc đột biến 5ct Hà Tĩnh; lan giả hạc đột biến 5ct Hải Dương; lan giả hạc đột biến 5ct bệt...
“Tùy vào độ quý hiếm và mặt hoa đẹp mà các loại hoa lan rừng có giá trị kinh tế khác nhau. Đôi khi có loại lan rừng bán cả cân cũng chỉ vài trăm nghìn đồng, nhưng có loại lan như phi điệp hay còn gọi là giả hạc đột biến 5 cánh trắng bán chỉ một nhánh bé tí thôi cũng đã hàng triệu đồng, thậm chí hàng chục triệu đồng”, bác Sâm tiết lộ với phóng viên Báo Điện tử DANVIET.
Mặt hoa một loài lan giả hạc đột biến 5 cánh trắng quý hiếm mà bác Đỗ Văn Sâm đang sở hữu.
Tự nấu chuối làm “phân bón thần thánh” cho lan "ăn"
Không chỉ tự mày mò học trồng hoa lan rừng trên mạng, bác Sâm còn tự chế biến “phân bón thần thánh” từ quả chuối để bón cho hoa lan.
“Nếu biết chế biến, chuối có thể trở thành một loại “phân bón thần thánh”, bón cho lan rất hiệu quả, giúp cây lan sinh trưởng tốt, hoa nở đúng độ và giữ được sắc và tươi lâu. Sở dĩ gọi là phân bón thần thánh là vì chi phí phân bón làm từ chuối cho hoa lan này vô cùng rẻ tiền, tiết kiệm và hiệu quả bất ngờ. Hay hơn nữa là bảo vệ môi trường...” - bác Sâm tiết lộ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.
Hết giờ làm việc ở xã, bác Sâm lại về nhà chăm chút cho vườn hoa lan của mình.
Bác Sâm cho biết, bác học cách chế biến phân bón cho lan rừng từ quả chuối ở trên mạng. Trong quá trình thực hành, bác có điều chỉnh liều lượng chuối để phù hợp với mô hình trồng hoa lan của gia đình. Nói kỹ thêm về cách chế biến dung dịch chuối bón cho hoa lan, bác Sâm cho biết:
Bước 1: Lấy 1kg chuối đổ thêm 5 lít nước cho vào nồi nấu chín, đun cho nhừ tơi ra, nên dùng nồi áp suất nấu cho chuối nhanh nhừ.
Bước 2: Sau khi nấu chín thì cho chuối vào cối xay sinh tố xay thật nhuyễn, xay xong cho thêm 1 lít nước vào dung dịch trên để bì lại lượng nước đã hao hụt trong quá trình nấu chuối. Sau đó, dùng vải để lọc lấy phần nước chuối, tách riêng bã và để qua đêm trước khi tưới.
Bước 3: Cách tưới phân bón chuối cho lan: Nên tưới phun phân bón chuối cho hoa lan, tưới ướt đẫm lá và giá thể hoa lan. Khoảng 5-7 ngày thì tưới phân bón chuối cho hoa lan một lần. Nên tưới vào buổi chiều, tầm 5 giờ chiều là tốt nhất.
Mô hình trồng hoa lan của bác Đỗ Văn Sâm thu hút được nhiều hội viên, nông dân và đông đảo người chơi lan rừng trong vùng đến thăm quan và học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trồng lan rừng...
Bác Sâm cũng tiết lộ thêm với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN: "Đối với giai đoạn cây lan sinh trưởng từ tháng 1 đến tháng 3 thì nên dùng quả chuối xanh để làm phân bón cho hoa phong lan. Còn giai đoạn lan ra hoa thì nên dùng quả chuối chín để bón cho cây...".
"Ngoài ra, tôi tự chế biến phân bón khác ngoài phân chuối cho hoa lan, tự làm hệ thống tưới nước phun sương tự động điều khiển qua ứng dụng phần mềm trên điện thoại; thiết kế nhiều tầng để treo các giò lan rừng, trong đó có các giò lan giả hạc đột biến 5 cánh trắng để tiện chăm sóc. Tất cả đều được tôi tự học hỏi trên mạng internet, học, trao đổi kinh nghiệm trồng lan từ mạng xã hội Facebook, Zalo...
Bác Đỗ Văn Sâm cho biết, dùng chuối nấu làm phân bón cho hoa lan rất tốt, hiệu quả và lại tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường...
“Hiện tôi đang tham gia làm công an viên ở xã Phương Định, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định . Với hệ thống tưới phun tự động này, ngồi làm việc ở xã tôi vẫn bấm điện thoại di động "ra lệnh" cho hệ thống tưới nước cho lan được. Chỉ cần bấm điện thoại là ở nhà hệ thống tự động tưới 2 lần sáng, chiều mỗi ngày”, bác Sâm vui vẻ nói.