Những nền kinh tế giàu dầu mỏ tại Vùng Vịnh vốn vẫn được biết đến là nhà đầu tư lớn, đổ tiền vào rất nhiều các quốc gia và tập đoàn trên thế giới. Nhưng nay, khi những nền kinh tế nơi đây đang phải chịu một cơn chấn động kép từ ảnh hưởng của dịch COVID-19 lẫn cuộc chiến giá dầu, các quỹ đầu tư đang được lệnh rút vốn khẩn cấp.
Trang mạng Arabian Business cảnh báo, những nền kinh tế vùng Vịnh sẽ phải chuyển một khoản tiền lớn trở về nước để đối phó với cuộc suy thoái thời gian tới. Năm 2015, khi giá dầu tụt dốc, các nền kinh tế tại đây đã phải rút khoảng 1,2 nghìn tỷ USD các khoảng đầu tư tại nước ngoài. Lần nay, theo tờ báo, những khoản đầu tư phải rút về là bao nhiêu sẽ còn phụ thuộc vào tình hình của dịch COVID-19 cũng như diễn biến của cuộc chiến giá dầu.
Rút vốn đầu tư về bây giờ, với các nền kinh tế vùng Vịnh, không chỉ là để giải quyết vấn đề thanh khoản trong nước mà còn để cắt lỗ. Theo báo Daily Sabah (Thổ Nhĩ Kỳ), thị trường chứng khoán thế giới chao đảo chỉ mấy tuần qua đã khiến nhiều quỹ đầu tư tại Vùng Vịnh mất khoảng 100 - 150 tỷ USD. Không chủ động trong lúc này, rất có thể sẽ phải nhận những thiệt hại còn đắng hơn về sau.
Chủ động cũng là lời cảnh báo được dành cho những quốc gia, tập đoàn hay dự án đang hưởng các nguồn đầu tư từ vùng Vịnh. Một bức tranh ảm đạm nhất trong 3 thập kỷ đang được cảnh báo tới các nền kinh tế Vùng Vịnh.
Báo Gulf News (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất) cho biết, tăng trưởng của các nền kinh tế vùng Vịnh năm nay dự kiến chỉ đạt khoảng 0,6%. Nếu chỉ tạm dự báo giá dầu ở mức 40 USD/thùng thì 9 nền kinh tế xuất khẩu dầu tại Trung Đông, Bắc Phi, trong đó đa phần là các nền kinh tế vùng Vịnh cũng sẽ bị mất gần 200 tỷ USD.
Trong một tình trạng kinh tế thông thường, để bù đắp khó khăn ngân sách, các nền kinh tế sẽ tăng cường vay mượn. Nhưng dịch COVID-19 lại đang mang đến một tình thế rất khác. Tất cả đều khó khăn. Và khi ấy, nhu cầu rút vốn đầu tư nước ngoài của các nền kinh tế vùng Vịnh càng rõ hơn bao giờ hết.
Báo Khaleej Times (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất) cho rằng, các chính phủ đang cố gắng giảm thiểu thiệt hại kinh tế bằng các gói kích thích nhưng không thể phủ nhận, các nền kinh tế tại đây đang ở một vị thế rất yếu.