Theo báo cáo ngành ngân hàng vừa được Công ty chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VISecurities) công bố cho biết, trong 9 tháng đầu năm nay hoạt động tín dụng vẫn đem lại nguồn thu lớn nhất cho các ngân hàng, với tỷ trọng thu nhập lãi thuần chiếm hơn 76%.
Tính toán của chúng tôi cho thấy, tổng lợi nhuận của 18 ngân hàng đã lên sàn (tính cả OCB chuẩn bị niêm yết) đạt hơn 51.000 tỷ đồng, tăng trên 40% so với cùng kỳ năm trước. Còn nếu tính cả 28 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý 3 tới thời điểm này thì tổng lợi nhuận trước thuế đã đạt trên 67.000 tỷ đồng, tăng hơn 41% so với cùng kỳ.
Một trong các chỉ tiêu đánh giá về khả năng sinh lời quan trọng của ngân hàng đó là tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM). Trong 9 tháng qua, các ngân hàng nhỏ hay trong giai đoạn cơ cấu xử lý nợ xấu vẫn có tỷ lệ NIM thấp nhất trong hệ thống như Eximbank, Sacombank, NCB, SHB, trong đó Sacombank đang có sự tăng trưởng dần về NIM từ 2% cuối năm lên 2,3%. Nhóm ngân hàng quốc doanh BIDV, VietinBank có NIM khoảng 2,5% trong đó BIDV sau 9 tháng đạt gần 2,8%. Vietcombank tăng mạnh từ 2,4% cuối năm 2017 lên 3,1%. Trong khi đó MB nổi bật với NIM lên đến 4,3% nhưng bù lại tỷ lệ nợ xấu có phần tăng lên.
Nổi bật nhất là 3 ngân hàng OCB, VIB, TPBank khi NIM từ mức dưới 3% vào cuối 2017 đã có sự tăng tốc mạnh trong năm nay. OCB đã đạt NIM gần 4% nhờ thu nhập lãi thuần tăng gần 50% so với cùng kỳ.
VPBank vẫn dẫn đầu trong nhóm ngân hàng thương mại với NIM vượt trội trên 8,5%. Dù trong thời gian vừa qua có sự kiểm soát hoạt động tín dụng tiêu dùng nhưng với vị thế là ngân hàng dẫn đầu trong lĩnh vực này thì VPBank tiếp tục duy trì mức lãi suất rất cao và chấp nhận hy sinh nợ xấu (với tỷ lệ nợ xấu đang ở mức cao nhất trong nhóm các NHTM không tham gia tái cơ cấu).
Một chỉ tiêu nữa đánh giá hiệu quả hoạt động của ngân hàng không kém phần quan trọng chính là chỉ số ROE (khả năng sinh lời trên vốn chủ sở hữu). Năm nay là năm đỉnh cao của việc tăng vốn cấp 1 thông qua các hình thức bán vốn cho nước ngoài như Vietcombank, BIDV; hay trả cổ tức bằng cổ phiếu như ACB, Techcombank, VPBank. Tổng vốn chủ sở hữu các nhà băng hiện tại lên mức 442.000 tỷ đồng, tăng 16,5% so với hồi đầu năm. Riêng Vốn điều lệ đã tăng 17% lên trên 291.000 tỷ đồng.
Thời gian qua hệ số ROE đã thay đổi đáng kể trong các ngân hàng. Do việc chia cổ tức quá lớn đã làm ROE của Techcombank giảm mạnh từ 24% xuống còn 17,7% năm nay. Trong khi đó các ngân hàng quốc doanh lớn BIDV, MBB, Vietcombank có ROE từ 10% - 15%. Vietcombank vẫn là đàn anh dẫn đầu với ROE dù không tăng nhiều nhưng vẫn ở mức cao 20%.
Song đáng chú ý, OCB, ACB, và VIB có ROE chỉ khoảng 13% vào đầu năm nhưng đã đạt mức 20% tính đến cuối tháng 9. Đây là một số trong những ngân hàng nổi bật nhất trong báo cáo ngân hàng năm nay, trong đó VIB đã gia nhập câu lạc bộ lãi nghìn tỷ 9 tháng cùng với các "đàn anh" khác.
Đứng dưới cùng về ROE, theo tính toán của công ty chứng khoán, vẫn là nhóm Eximbank, Sacombank. Song đây là giai đoạn cao điểm của xử lý nợ xấu vì vậy không bất ngờ khi Sacombank không đạt lợi nhuận cao như năng lực vốn có của ngân hàng và các chuyên gia cho rằng chỉ tiêu ROE không đánh giá nhiều ở thời điểm hiện tại với nhà băng này.