Là một thị trường cận biên (frontier market) tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam thường được nêu đích danh là một trong những nền kinh tế hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc tranh chấp thương mại Mỹ - Trung.
Trong hơn một năm qua, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã lần lượt áp thuế quan trừng phạt lên hàng tỉ USD hàng hóa của nhau, khiến mối quan hệ thương mại song phương suy sụp.
Do đó, Mỹ và Trung Quốc đều phải tìm nguồn cung hàng hóa thay thế từ các thị trường khác, trong khi nhiều nhà sản xuất từng "đóng đô" ở Trung Quốc phải chuyển hoạt động sang cơ sở mới để tránh thuế quan trừng phạt.
Việt Nam là một địa điểm yêu thích để doanh nghiệp nước ngoài dịch chuyển dòng chảy thương mại và chuỗi sản xuất như vậy.
Tuy nhiên, CNBC đã tổng hợp 4 tiêu chí cho thấy một số nút thắt nhất định hiện đã hình thành trong nền kinh tế và có thể hạn chế khả năng tiếp nhận nguồn vốn cũng như chuỗi sản xuất bổ sung từ Trung Quốc sang của Việt Nam, gồm: dòng đầu tư, sản lượng sản xuất, nút thắt vốn nhân lực và tăng trưởng GDP mạnh hơn.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung còn khiến doanh nghiệp bắt đầu hoặc mở rộng sản xuất tại Việt Nam, đẩy nhanh một xu hướng đã hình thành từ nhiều năm trước khi mà chi phí sản xuất ở Trung Quốc tăng cao, buộc doanh nghiệp phải tìm kiếm các cơ sở sản xuất rẻ hơn.
"Mặc dù không thể xảy ra trường hợp hàng loạt doanh nghiệp từ Trung Quốc ồ ạt di dời, các công ty đa quốc gia sẽ tiếp tục đa dạng hóa hoạt động sang các khu vực khác ở châu Á để giảm thiểu tác động của tranh chấp thương mại", Economist Intelligence Unit nêu ra trong một báo cáo tháng 10.
Sản lượng sản xuất
Một lý do tại sao các nhà sản xuất khó có thể rời khỏi Trung Quốc hoàn toàn là do quy mô lớn của ngành sản xuất và nền kinh tế Trung Quốc cho phép các công ty hoạt động hiệu quả hơn.
Việt Nam được nhiều người coi là một trong những địa điểm thay thế tốt nhất cho Trung Quốc, đã thấy những nút thắt xuất hiện trong nền kinh tế của mình mặc dù mới chỉ hấp thụ một tỷ lệ nhỏ sản lượng sản xuất của Trung Quốc.
Theo Fitch Solutions, một hạn chế lớn ở Việt Nam là thiếu vốn nhân lực (human capital), hay nói cách khác là giá trị kinh tế của lực lượng lao động gồm các yếu tố như trình độ học vấn, kĩ năng và sức khỏe.
Việt Nam sở hữu một lực lượng lao động trẻ và đang phát triển nhưng quy mô lại nhỏ hơn nhiều so với Trung Quốc.
“Nếu chúng ta nhìn vào Việt Nam, quốc gia này có dân số nhỏ hơn Trung Quốc 14 lần, điều đó cũng có nghĩa là nguy cơ thiếu hụt lao động cao hơn nhiều khi chúng ta so sánh hai nước”, chuyên gia phân tích của Fitch Solutions cho biết.
Tuy nhiên, sự gia tăng của dòng chảy thương mại và nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giúp Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế cao hơn, đi ngược với xu hướng tăng trưởng chững lại trên toàn cầu.
Nhìn chung, nền kinh tế Việt Nam nhỏ hơn nhiều so với Trung Quốc, vốn là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Điều đó tự đặt ra giới hạn cho khả năng của quốc gia này để nhân rộng quy mô sản xuất một cách thành công như Trung Quốc.