Sau nhiều thông báo và tuyên bố, hôm 8/3 Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức ký sắc lệnh áp mức thuế mới lên thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ, từ 0% trước đây lên 25% đối với thép và 10% đối với nhôm. Động thái này đã nhận phải sự phản đối quyết liệt từ nhiều nước, trong đó có cả những đối tác thương mại lớn và đồng minh truyền thống của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã có thư gửi Bộ Công thương đề nghị có phản ứng về quyết định của Mỹ, đồng thời đang tìm kiếm hợp tác với một số nước có hoàn cảnh tương tự để tham vấn và phối hợp, thậm chí đệ đơn kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới WTO.
Thông báo của Nhà Trắng cho biết biểu thuế mới đối với thép và nhôm chưa có hiệu lực ngay mà sẽ có thời hạn 15 ngày để các quốc gia và doanh nghiệp đàm phán lại với Mỹ về vấn đề được miễn thuế hay không. "Tôi vẫn kiên quyết mức thuế đề xuất ban đầu là 10% và 25%. Nhưng tôi có quyền tăng thuế hoặc giảm thuế, tùy xem đó là quốc gia nào. Tôi cũng đủ khả năng thêm vào hoặc bớt ra các quốc gia (thuộc danh sách áp dụng thuế)", ông Trump nói.
Trước đó, ngày 5/3, Chủ tịch VSA Hồ Nghĩa Dũng đã cho biết trong trường hợp Mỹ tăng thuế nhập khẩu quá cao, Hiệp hội sẽ đề nghị Bộ Công Thương có phản ứng kịp thời, và sau đó gửi thư cho Chính phủ đề nghị có biện pháp hỗ trợ. VSA cũng sẽ tìm kiếm và phối hợp với các nước có hoàn cảnh tương tự nhằm tham vấn giải pháp và đang cân nhắc việc kiện Mỹ ra WTO nếu tham vấn và hòa giải về mức thuế mới không thành công.
"Hiệp hội Thép Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi các động thái mới nhất từ Mỹ để có hành động kịp thời nhằm giúp ngành thép bớt thiệt hại khi bị một thị trường lớn như Mỹ ngăn chặn", ông Dũng nói.
Như vậy, VSA đang thực hiện những bước đi cần thiết để bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp thép Việt Nam theo đúng chức năng và nhiệm vụ của Hiệp hội. Tình huống Việt Nam khởi kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại WTO cũng có thể xảy ra. Điều gì diễn ra tiếp theo?
Thứ nhất, việc đệ đơn kiện lên WTO sẽ gây ra nhiều tổn thất về thời gian và chi phí cho Việt Nam. Trong lịch sử thương mại quốc tế, việc hai quốc gia vấp phải kiện tụng lên tòa án quốc tế là điều không bất ngờ. Tuy nhiên, không phải lúc nào đệ đơn kiện cũng là một quá trình dễ dàng.
Tháng 2/2010 khi Việt Nam chính thức đệ đơn khiếu nại Mỹ lên WTO liên quan đến vụ kiện tôm, phải trải qua 7 năm trời kể từ khi Mỹ bắt đầu áp thuế chống bán phá giá lên tôm Việt Nam thì quyết định khởi kiện này mới được thực hiện, bởi bối cảnh trong nước lúc bấy giờ tồn tại nhiều ý kiến trái triều.
Thứ hai, xét về tính tuân thủ luật pháp quốc tế, có thể thấy Mỹ đang thể hiện rằng sắc thuế mới này không vi phạm các điều khoản đã cam kết trong WTO. Quyết định áp thuế ngoài vì lí do bảo vệ ngành công nghiệp nội địa Mỹ vốn được xem là xương sống của đất nước, Tổng thống Donald Trump còn cho rằng công nghiệp thép và nhôm là yếu tố vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo an ninh quốc gia.
Ông Trump từng nói: "Nếu không có thép, chúng ta không có một quốc gia". Theo quy định của WTO, một quốc gia có thể áp thuế khi nhận thấy sự cần thiết của việc phòng vệ thương mại (chống trợ cấp, chống bán phá giá, tự vệ thương mại) hay khi hàng hóa nhập khẩu đó ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng nước sở tại.
Thế nhưng, trên thực tế, lượng thép – nhôm nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với các nước như Canada, Brazil, Hàn Quốc, Nga ... Thép Việt Nam cũng chủ yếu phục vụ các mục đích dân sự (như xây dựng), không liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia của Mỹ. Tuy nhiên, làm thế nào để chứng thực và diễn giải điều này tại Tòa thì cần căn cứ vào nhiều điều kiện thực tế.
Trao đổi với báo Trí thức trẻ, một chuyên gia có kinh nghiệm nhiều năm về đàm phán các hiệp định thương mại quốc tế cho biết: "Việc kiện Mỹ ra WTO cũng là cách mà rất nhiều quốc gia đã thực hiện. Tuy nhiên, kết quả ra sao thì phải phụ thuộc vào hồ sơ và tranh cãi tại tòa quốc tế chứ không thể dựa vào các phân tích kiểu: mình đúng, người khác sai được. Phía sau câu chuyện về áp thuế nhập khẩu với thép và nhôm của Tổng thống Donald Trump là cuộc chiến thương mại mà Tổng thống Mỹ đã cảnh báo khi họ bị nhập siêu nhiều và gây khó khăn cho sản xuất trong nước".