Ngày 17/6, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam. Phiên họp toàn thể với chủ đề “Phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và dịch bệnh”.
Đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức về đô thị hóa
Trên cơ sở Đề án do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp các bộ, ngành và cơ quan liên quan xây dựng, ngày 24/01/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 06-NQ/TW về "Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Đây là nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Đảng về đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững.
Tại Diễn đàn, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế chia sẻ các mô hình, kinh nghiệm, cách làm hay trong đô thị hóa và phát triển đô thị cũng như cung cấp thêm luận cứ cho việc triển khai thể chế hóa, cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối, định hướng chính sách lớn của Đảng nêu tại Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị, góp phần thực hiện mục tiêu của Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Trước Diễn đàn cấp cao, chuỗi hội thảo chuyên đề tập trung vào 4 chủ đề chính bao gồm: Xây dựng đô thị, chuỗi đô thị thông minh kết nối trong nước và quốc tế; chuyển đổi số và xây dựng hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu trong tiến trình phát triển đô thị bền vững; hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững; phát triển các mô hình đô thị mới và thúc đẩy chuyển dịch kinh tế khu vực đô thị.
Một số vấn đề được đề cập và bàn thảo sâu tại diễn đàn: Tháo gỡ các rào cản, vướng mắc để đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hoá, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực và thế giới; khuyến khích phát triển các mô hình đô thị mới theo hướng xanh, thông minh, bền vững; hoàn thiện cơ chế, chính sách gắn kết quá trình chuyển đổi số với xây dựng đô thị thông minh, xây dựng chính quyền số; đề xuất cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, nâng cao tỷ trọng kinh tế số tại các đô thị, hiện đại hóa các dịch vụ đô thị, phát triển thị trường bất động sản…
Phát biểu kết luận diễn đàn, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đề nghị các bộ, ngành tiếp thu các ý kiến mà các đại biểu đặt ra.
Trưởng Ban Kinh tế Trung cho rằng, cần đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức về đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững. Theo đó, nhận thức rõ đô thị hoá là tất yếu khách quan, là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững trong thời gian tới; gắn liền với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện kết hợp đồng bộ và hài hoà giữa cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị với phát triển các đô thị mới; phát triển mạnh mẽ liên kết ngành, liên kết vùng và lợi thế kết nối đa chiều của các đô thị; chú trọng tổ chức lại đời sống dân cư và phát triển kinh tế trong quá trình tái thiết và phát triển đô thị.
Kiên quyết xoá bỏ tình trạng quy hoạch treo, lợi ích nhóm gắn với tư duy nhiệm kỳ
Ông Trần Tuấn Anh cho rằng, cần chọn khâu đột phá quan trọng nhất để xây dựng và phát triển đô thị bền vững là đổi mới toàn diện về phương pháp, quy trình, nội dung và sản phẩm quy hoạch đô thị. Quy hoạch đô thị phải có cách tiếp cận đa ngành, bao trùm với tầm nhìn dài hạn, toàn diện, có tính chiến lược, tôn trọng quy luật thị trường và nguyên tắc phát triển bền vững, với triết lý lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm, văn hoá, văn minh đô thị làm nền tảng.
"Quy hoạch đô thị cần bảo đảm tính tầng bậc, liên tục, thống nhất, đầy đủ, tích hợp của hệ thống quy hoạch, gắn kết chặt chẽ quy hoạch đô thị với quy hoạch nông thôn; tiến hành phân định rõ các vùng trong nội dung quy hoạch đô thị và áp dụng các công cụ kiểm soát chặt chẽ quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị, khuyến khích tạo việc làm tại chỗ để hạn chế di dân quá lớn vào các đô thị lớn; gắn đồng bộ quy hoạch đô thị với nguồn lực thực hiện"-ông Trần Tuấn Anh cho hay.
Từ đó, Trưởng ban kinh tế yêu cầu, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và công nghệ cần ưu tiên triển khai một số nhiệm vụ khoa học cũng như phối hợp các tổ chức quốc tế triển khai các dự án hỗ trợ kỹ thuật để cung cấp luận cứ cho đổi mới toàn diện lý luận về quy hoạch và phát triển đô thị trong điều kiện thực tế của Việt Nam, phù hợp với các vùng, miền trên địa bàn cả nước, đảm bảo phát triển không gian hợp lý, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng đất đai, dân số, lao động và nguồn nước nhằm tăng cường chất lượng, tính hiệu quả, khả thi và bền vững của đô thị trong các đồ án quy hoạch; chú ý về quy hoạch quản lý sử dụng không gian nổi, không gian ngầm và hệ thống công trình ngầm đô thị.
Đặc biệt, các cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ cần ban hành các chính sách, chế tài, công cụ để kiên quyết xoá bỏ tình trạng quy hoạch treo, cơ chế "xin-cho", lợi ích nhóm gắn với tư duy nhiệm kỳ và xử lý nghiêm minh đối với các sai phạm trong thực hiện quy định pháp luật về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị.
Ông Trần Tuấn Anh nêu giải pháp, cần sớm đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị bảo đảm tính tương thích, đồng bộ giữa quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính và quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị; nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn riêng cho xây dựng và lựa chọn mô hình phát triển đô thị bền vững, phù hợp cho từng vùng, miền, đặc điểm các đô thị có tính đặc thù. Cần khắc phục triệt để tình trạng nâng loại đô thị khi chưa đủ tiêu chí. Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, đầu tư, quy hoạch, kiến trúc, xây dựng, kinh doanh bất động sản, nhà ở. Sớm hoàn thiện đồng bộ khung pháp lý cho phát triển đô thị thông minh, quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị và không gian ngầm đô thị.
"Chính phủ và các bộ, ngành và địa phương quan tâm bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước tương xứng để bảo đảm thực hiện các mục tiêu của chính sách an sinh nhà ở; sớm ban hành các chính sách ưu đãi, khuyến khích đủ mạnh để thu hút nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng nhà ở, nhà cho thuê đối với người thu nhập thấp, thu nhập trung bình, cải tạo, chỉnh trang đô thị, xoá bỏ nhà tạm, khu ở phi chính thức, lụp xụp tại các đô thị"- ông Trần Tuấn Anh nói.