Cục Hàng không cho hay, trong tháng 7 vừa qua, các sân bay Việt Nam đã phục vụ gần 12 triệu lượt hành khách. Trong đó, khách bay nội địa hơn 10,5 triệu lượt, tăng gần 6% so với tháng 6 và tăng tới hơn 40% so với thời điểm chưa có dịch COVID-19 (tháng 7/2019).
Cục Hàng không cũng nhìn nhận, tình trạng chuyến bay bị chậm, huỷ trong tháng vừa qua nhiều thời điểm đã tăng cao đột biến, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ ngành hàng không. Nguyên nhân tình trạng này một phần do hạ tầng sân bay còn nhiều điểm nghẽn, biến động thời tiết bất thường… Đặc biệt, nhà chức trách hàng không chỉ ra nguyên nhân chủ quan từ hãng hàng không khi không đánh giá được nhu cầu đi lại của người dân tăng đột biến.
Trong tháng vừa qua, tỷ lệ chuyến bay chậm chuyến chiếm hơn 18% tổng số chuyến bay được cấp phép (với hơn 6 nghìn chuyến), tiếp tục tăng 16% so với cùng kỳ năm trước và tương đương tháng 6; trong tháng có 41 chuyến bay bị huỷ. Lý do chậm, huỷ chuyến chính vẫn do yếu tố kỹ thuật và máy bay về muộn. Cả tháng 7 vừa qua tỷ lệ chuyến bay đúng giờ chỉ đạt 81% trong tổng số hơn 33,2 nghìn chuyến bay được các hãng khai thác.
Tháng 7/2022 khách bay nội địa tiếp tục "bùng nổ", vượt tới hơn 40% so với thời kỳ chưa có dịch COVID-19 của năm 2019.
Để kéo giảm số lượng chuyến bay chậm, huỷ, Cục Hàng không vừa tiếp tục yêu cầu đơn vị liên quan, các hãng hàng không thực hiện giải pháp hiệu quả cho vấn đề này.
Về phía sân bay, Cục Hàng không yêu cầu sắp xếp, thu hẹp khu vực quầy dịch vụ phi hàng không để ưu tiên tối đa không gian phục vụ hoạt động bay và hành khách, đặc biệt tại nhà ga sân bay lớn luôn quá tải như sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM), Nội Bài (Hà Nội).
Đối với các hãng hàng không, nhà chức trách yêu cầu tăng bay đêm nhằm giảm áp lực đối với các sân bay trong khung giờ ban ngày; bố trí tàu bay, trang thiết bị, vật tư dự phòng để kịp thời bảo dưỡng, sửa chữa máy bay; thực hiện bay đúng giờ được cấp phép. Đặc biệt, các hãng phải bố trí đại diện có thẩm quyền giải quyết thắc mắc, khiếu nại của hành khách có mặt thường xuyên tại các sân bay để kịp thời xử lý khi có phát sinh.
Các cảng vụ hàng không được yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát công tác an ninh, an toàn và chất lượng hàng không để kịp thời xử lý vi phạm, đặc biệt là nghĩa vụ của các hãng hàng không với hành khách khi có chuyến bay bị huỷ, chậm kéo dài…
Nhờ lượng khách hàng không tăng mạnh dịp cao điểm hè năm nay, kết quả kinh doanh của các hãng hàng không Việt Nam dần được cải thiện. Vietjet cho hay, quý 2 vừa qua hãng này đạt doanh thu từ khách bay nội địa tăng hơn 30% so với giai đoạn năm 2019, nhờ đó hãng đạt lợi nhuận hợp nhất sau thuế 181 tỷ đồng. Luỹ kế 6 tháng đầu năm nay, Vietjet đạt lợi nhuận hợp nhất sau thuế 426 tỷ đồng.
Dù kết quả kinh doanh quý 2 và nửa đầu năm nay của Vietnam Airlines vẫn lỗ, nhưng mức lỗ đã giảm tới hơn 40% so với cùng kỳ năm trước và quý 1. Cụ thể, quý 2/2022 hãng này lỗ hợp nhất hơn 2,5 nghìn tỷ đồng, nửa đầu năm tổng lỗ hơn 4,6 nghìn tỷ đồng. Tổng kết tháng 7 vừa qua, hãng đã ghi nhận có lãi từ vận tải khách nhờ lượng khách nội địa “bùng nổ”, và dự báo kết quả kinh doanh tháng 8 tiếp tục khả quan khi cao điểm hè vẫn chưa kết thúc.
Hiện các hãng hàng không Việt Nam vẫn đối mặt nhiều khó khăn, đặc biệt khi thị trường bay quốc tế vẫn chưa phục hồi như kế hoạch, ảnh hưởng của xung đột Nga – Ukraine, căng thẳng tại khu vực đảo Đài Loan (Trung Quốc). Đặc biệt, giá nhiên liệu bay tăng cao khiến chi phí của các hãng tăng theo, tháng 7 giá nhiên liệu bay bình quân đã chạm ngưỡng 165 USD/thùng.