Tại hội nghị sơ kết 1 năm việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 và Quyết định số 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ liên quan tới cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu sáng 28/8, ông Nguyễn Tiến Đông chủ tịch VAMC cho biết sau 1 năm triển khai Nghị quyết 42 có thể khẳng định Nghị quyết 42 đã hỗ trợ tích cực cho VAMC nói riêng, các TCTD nói chung trong hoạt động xử lý nợ xấu.
Những tích cực ấy thể hiện ở 4 điểm nhấn. Một là, thông qua Nghị quyết 42, quyền chủ nợ của VAMC, TCTD được khẳng định và bảo vệ thông qua các quy định rõ ràng về quyền thu giữ tài sản; quyền ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ khi xử lý TSBĐ của khách hàng, bên bảo đảm để thu hồi nợ, quan hệ của chủ thể là đối tượng đi vay và người đi vay trở về đúng bản chất của giao dịch dân sự kinh tế, có vay phải có trả. Qua đó, VAMC và các TCTD đã tự tin hơn trong hoạt động xử lý nợ xấu, nợ xấu được xử lý nhanh chóng, thực chất và hiệu quả hơn.
Ông Đông cập nhật, lũy kế đến hết 15/8/2018, VAMC phối hợp với các TCTD xử lý nợ đạt 98.976 tỷ đồng trên 309,711 tỷ đồng đối với các khoản nợ mua bằng TPĐB. Đặc biệt sau khi có Nghị quyết 42, riêng năm 2017 và 8 tháng đầu năm 2018, VAMC đã thu hồi được 48.017 tỷ đồng tức gần bằng tổng giá trị thu hồi nợ của cả 4 năm trước đó.
Hai là, kể từ khi có Nghị quyết 42, sự phối hợp giữa VAMC, các TCTD với các cấp các ngành, từ trung ương đến địa phương trong hoạt động xử lý nợ xấu có chiều hướng tích cực và hiệu quả hơn, đặc biệt trong công tác thu giữ, xử lý, chuyển nhượng TSBĐ. Ngay sau khi NQ 42 có hiệu lực, VAMC đã tiến hành thu giữ thành công nhiều TSBĐ trong đó phải kể đến TSBĐ đối với khoản nợ của nhóm khách hàng liên quan dự án Saigon One Tower tại TP HCM, TSBĐ của Công ty Thuận Kiều tại Dĩ An, Bình Dương.
Ba là, Nghị quyết 42 đã góp phần nâng cao ý thức của khách hàng trong việc trả nợ, ý thức chấp hành pháp luật và thái độ hợp tác của khách hàng với VAMC, các TCTD trong việc xử lý TSBĐ để thu hồi nợ cũng tích cực hơn. Có nhiều khoản nợ trước đây khách hàng chây ỳ, không trả nợ cho TCTD nhưng khi chuyển khoản nợ sang VAMC theo giá trị thị trường và VAMC áp dụng các biện pháp xử lý, khách hàng đã có động thái hợp tác trả nợ.
Bốn là, Nghị quyết 42 đã tạo động lực khuyến khích các TCTD bán nợ xấu cho VAMC theo giá trị thị trường. Doanh số mua nợ thị trường của VAMC đến 15/8/2018 đạt 3.523 tỷ đồng, đến nay đã thu hồi được 3.408 tỷ đồng, tương ứng với 98% tổng giá mua nợ của các khoản nợ đã mua theo giá trị thị trường. Đồng thời, VAMC đã tổ chức đấu giá thành công nhiều khoản nợ như khoản nợ của Công ty TNHH Việt Thuận Thành với số tiền 301,15 tỷ đồng; khoản nợ của Công ty Kim Sơn - BIDV, số tiền 9,4 tỷ đồng. Điều đó chứng tỏ quy định cho phép các tổ chức, cá nhân được mua khoản nợ xấu theo quy định tại Nghị quyết 42 đã đi vào cuộc sống, thu hút rộng rãi nguồn lực xã hội tham gia xử lý nợ xấu.
Mặc dù đạt kết quả tích cực, nhưng theo chủ tịch VAMC, trong quá trình triển khai thực hiện, VAMC nhận thấy có một số quy định pháp lý cần tiếp tục được nghiên cứu, điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu thực tiễn phát sinh như quyền thu giữ tài sản bảo đảm; Vướng mắc trong việc áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp theo Điều 8 Nghị quyết 42; Thủ tục đăng ký, thay đổi giao dịch bảo đảm từ TCTD sang VAMC chưa được hướng dẫn và áp dụng thống nhất tại các địa phương; Việc xử lý tài sản bảo đảm đối với các khoản nợ xấu bảo đảm bằng dự án bất động sản dở dang cũng gặp nhiều vướng mắc do Bộ Tài nguyên môi trường chưa có hướng dẫn cụ thể...
Về phía VAMC, để tiếp tục phát huy vai trò của VAMC trong công tác xử lý nợ xấu nhằm triển khai có hiệu quả Nghị quyết 42 của Quốc hội và Quyết định 1058 của Thủ tướng chính phủ, VAMC kiến nghị Chính phủ, NHNN và các Bộ ngành:
Một là, để xử lý nợ xấu nhanh, thực chất và hiệu quả cần nguồn lực rất lớn cả về vốn, con người và cơ chế chính sách, trong đó đặc biệt về vốn. Từ năm 2018, với định hướng tập trung đẩy mạnh hoạt động mua bán nợ xấu theo giá thị trường, các TCTD đã đăng ký bán nợ thị trường cho VAMC với tổng số nợ dự kiến bán khoảng 20.000 tỷ đồng. Trong khi với vốn điều lệ hiện có của VAMC là 2.000 tỷ đồng thì chưa đáp ứng được một phần nhu cầu bán nợ của các TCTD. Vì vậy, VAMC đề nghị Chính phủ, NHNN cấp bổ sung đủ vốn điều lệ cho VAMC đạt mức 5.000 tỷ đồng đến hết năm 2018 và mức 10.000 tỷ đồng đến hết năm 2020. Qua đó đẩy nhanh công tác xử lý nợ xấu thực chất và hiệu quả hơn, góp phần thực hiện thành công Đề án Cơ cấu lại các hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 đã được TTCP phê duyệt tại Quyết định 1058.
Hai là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về xử lý nợ xấu, đặc biệt là khuôn khổ pháp lý nhằm vận hành và phát triển thị trường mua bán nợ, trong đó VAMC đóng vai trò là trung tâm của thị trường. Cho phép VAMC mua nợ theo lô, và các TCTD cùng chia sẻ rủi ro với VAMC nhằm thúc đẩy mua bán nợ theo giá trị thị trường.
Và ba là, cho phép VAMC xây dựng hệ thống công nghệ thông tin kết nối với hệ thống công nghệ thông tin của CIC và các AMC của các TCTD nhằm chia sẻ thông tin, phân loại danh mục các khoản nợ xấu/TSBĐ để tạo lập hàng hóa cho thị trường mua bán nợ.