Khách hàng đã quá dễ tính với VietJet (Ảnh: IT)
"Khách hàng tẩy chay sẽ khác ngay"
VietJet Air rất nhiều lần sử dụng hình ảnh người đẹp mặt bikini tại sân bay, trên máy bay đã làm cho nhiều người thiếu thiện cảm. Trong lần này là chuyến bay đón Đội tuyển U23 Việt Nam toàn những thanh niên trẻ tuổi càng khiến cho dư luận và cộng đồng mạng xã hội bức xúc, đặc biệt là trong bối cảnh tinh thần dân tộc ủng hộ đội tuyển U23 đang lên cao. Việc doanh nghiệp này tiếp tục dựa vào chiến thắng lịch sử của U23 Việt Nam để quảng bá cho thương hiệu của mình một cách phản cảm, bà Vũ Kim Oanh – Giám đốc chi nhánh, Công ty truyền thông FLP YOMIKO (một công ty truyền thông lớn của Nhật Bản) cho biết: Câu chuyện này xuất phát từ mục đích doanh nghiệp muốn làm gì. Ở góc độ truyền thông, quảng bá thương hiệu thường nhằm vào mục đích làm tăng sự yêu mến, lòng tin, sự trung thành với nhãn hàng ấy và kích thích người ta mua hàng.
“Điều tôi thấy đáng tiếc là VietJet đã trở thành một doanh nghiệp có thương hiệu thì không cần phải làm “rùm beng” lên để cho mọi người biết đến nữa. Thực chất là có rất nhiều người biết tới thương hiệu của VietJet rồi, còn nếu quảng bá kiểu này để nhằm mục đích là tăng tương tác, tăng lòng yêu mến của khách hàng để bán hàng được nhiều hơn thì nó đã xảy ra tác dụng ngược”, bà Oanh cho biết.
Bà Oanh cũng cho rằng, cách làm của VietJet đã không đạt được mục đích thậm chí là còn xảy ra tác dụng ngược khi lòng tự hào về đội tuyển Việt Nam, lòng tự tôn dân tộc đang lên rất cao.
“Ở đây có thể thấy, VietJet đã sử dụng các chiêu trò, “sốc, sex, sến” nhằm gây sự chú ý, làm cộng đồng nhận dạng thương hiệu nhưng theo tôi VietJet không cần làm như thế vì đã có thương hiệu rồi. Cái nên làm là cần giúp cho khách hàng tin tưởng và yêu mến hơn thì lại không làm”, bà Oanh nói.
Bà Oanh cũng phân tích thêm, ngay từ đầu VietJet cho rằng bikini là tự do sáng tạo, tự do bay, không bị ràng buộc. Do đó, đây không phải là lần đầu tiên VietJet sử dụng dàn người đẹp mặc bikini để làm thương hiệu. Tuy nhiên, những lần trước cộng đồng đã phản ứng dữ dội nhưng lần này không hiểu sao lại vẫn làm như thế.
“Tôi cho rằng, hiệu ứng của những lần trước khi VietJet quảng bá thương hiệu bằng dàn chân dài mặc bikini lúc đầu người tiêu dùng rất bức xúc nhưng sau đó cũng dễ tính và bỏ qua. Thậm chí, các hình ảnh bị chê bai nhưng lại được lan tỏa và chia sẻ mạnh mẽ, sau đó vẫn đi máy bay, vẫn sử dụng dịch vụ của VietJet nhiều hơn nên họ chẳng bị thiệt hại gì về doanh thu khiến cho họ tiếp tục sử dụng “chiêu bài” cũ này để làm thương hiệu”, bà Oanh phân tích.
Theo bà Oanh, ở một số hãng hàng không của các nước khác cũng từng xảy ra khủng hoảng, khách hàng họ đã tuyên bố tẩy chay khi không hài lòng với dịch vụ, không dễ tính như khách hàng của Việt Nam thì sẽ khác ngay.
Hình ảnh trên chuyến bay gây phản cảm khiến người hâm mộ Đội tuyển U23 Việt Nam vô cùng bức xúc (Ảnh: IT)
Cần có lời xin lỗi thực sự chân thành
Cùng chung nhận định như bà Oanh, một chuyên gia thương hiệu nổi tiếng tại Việt Nam trao đổi với Dân Việt ( xin giấu tên) cũng cho biết: “Tôi cho rằng đây là sự việc đáng tiếc trong hoạt động truyền thông của hãng Viettjet. Họ đã sử dụng cái cách mà họ đã từng làm từ khi mới ra đời, đó là sử dụng người mẫu bikini trên máy bay.
Ở giai đoạn mới ra đời, khi chưa có nhiều người biết về thương hiệu thì đây có thể là một cách hay để thu hút sự chú ý cũng như tạo ra những tranh cãi để nhiều người biết đến tên tuổi của hãng. Nhưng tại thời điểm này thì mức độ nhận biết về họ đã tương đối cao thì cách này hoàn toàn không phù hợp nữa. Thật tiếc là họ đã phần nào phá hỏng cảm xúc đang rất thăng hoa tuyệt vời của hàng chục triệu trái tim Việt Nam bằng màn trình diễn phản cảm này”.
Không phải đây là lần đầu tiên VJC sử dụng hình ảnh bikini (Ảnh: IT)
Vị chuyên gia thương hiệu này cũng cho biết, dù ít hay nhiều, sự kiện này sẽ ảnh hưởng đến cảm xúc của khách hàng khi lựa chọn VietJet. Nếu hiệu ứng phản tác dụng xảy ra và khách hàng tẩy chay thì chắc chắn giá trị thương hiệu của hãng sẽ bị ảnh hưởng theo chiều hướng không có lợi. Nếu mục tiêu của hãng là tạo sự tranh cãi để tăng nhận biết thì đó là một mục tiêu sai lầm tại thời điểm này .
Vị chuyên gia thương hiệu này cũng cho rằng, có lẽ một lời xin lỗi chân thành tới hàng chục triệu trái tim người hâm mộ bóng đá nói chung và đội tuyển U23 Việt Nam nói riêng là rất cần thiết. Những chàng trai U23 vốn được người hâm mộ cả nước dành cho những tình cảm trìu mến đặc biệt vì các em đang ở lứa tuổi rất nhỏ, đã bị đưa vào một tình huống hoàn toàn không phù hợp. Nhưng nếu là một lời xin lỗi thì nhất định phải là một lời xin lỗi chân thành thực sự.
Cùng quan điểm về việc làm thế nào để xử lý “khủng hoảng” truyền thông trong tình huống này, bà Oanh cho rằng: Chủ nhân của thương hiệu VietJet và cả ekip thực hiện màn bikini phản cảm này cần phải có lời xin lỗi tới Đội tuyển U23 và những người hâm mộ một cách chân thành nhất.
Trước đó, vào cuối ngày 28.1, sau khi cộng đồng mạng phản ứng gay gắt hình ảnh phản cảm của VJC sử dụng dàn người mẫu bikini trên máy bay đón Đội tuyển U23 Việt Nam, tỉ phú đô la Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng Giám đốc Vietjet đã chính thức đưa ra lời xin lỗi. “VietjetAir xin có đôi lời cùng Đoàn bóng đá U23 Việt Nam, với quý vị và các bạn: Trên chuyến bay đón Đoàn bóng đá U23 Việt Nam từ Trung Quốc về nước, do một diễn viên tham gia tiết mục múa đã tự ý rời vị trí quy định đến xin chữ ký của HLV và cầu thủ U23 VN. Sự việc này càng đáng tiếc hơn khi bị một số người trên chuyến bay chụp hình bằng điện thoại di động và đưa lên mạng xã hội. Hình ảnh thuộc phạm vi của không gian múa trước đó nhưng khi diễn viên tự ý xin chữ ký và bị chụp hình đưa lên mạng xã hội, sự việc đã đi quá đà, tạo bức xúc cho nhiều người. Dù những lý do vừa nêu, xuất phát từ hành vi bột phát của cá nhân thì Ban lãnh đạo VJA cũng thấy rất lấy làm đáng tiếc và day dứt. Ban lãnh đạo VJA xin nghiêm khắc kiểm điểm, chân thành nhận lỗi cùng Đoàn Bóng đá U23 Việt Nam cùng quý vị và các bạn.Một lần nữa xin cáo lỗi và mong được sự lượng thứ của quý vị và các bạn”. |