Thực phẩm đắt đỏ
Trứng cá muối từ lâu đã được gắn liền với khái niệm "quyền lực". Từ "caviar" được cho là có nguồn gốc từ "chav-jar" hoặc "khavyar" trong tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và tiếng Ba Tư, có nghĩa là "một phần quyền lực".
Trên thực tế, các tài liệu lịch sử cho thấy trứng cá muối đã được sử dụng làm thực phẩm sớm nhất từ năm 1240 khi Bạt Đô - cháu nội của Thành Cát Tư Hãn - thưởng thức món trứng cá này ở Nga.
Việc đánh bắt cá tầm quá đà cũng khiến các quốc gia cấm mọi hoạt động khai thác trứng cá muối trong những thập kỉ gần đây. Hiện tại, sản lượng trứng cá muối trên thế giới hầu hết đều tới từ các trang trại cá tầm ở 50 quốc gia, bao gồm Mỹ, Pháp, Italy và Iran. Tuy nhiên, chỉ có Trung Quốc có đủ khả năng để trở thành "thủ đô" trứng cá muối của thế giới.
Theo báo cáo từ SCMP, hơn một nửa nông trại sản xuất trứng cá muối thương mại đặt trụ sở ở Trung Quốc, nơi lượng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu đang bùng nổ mạnh mẽ.
Nhu cầu đối với loại trứng cá đắt đỏ - hay còn được các thương nhân gọi là "vàng đen" hoặc "ngọc trai đen" - đang tăng vọt tại Trung Quốc. Vì lẽ đó, quốc gia này đã trở thành một trong những nhà sản xuất và tiêu thụ trứng cá muối lớn nhất thế giới.
Ảnh minh họa: thecaviarco
Ngoài ra, ngày càng nhiều nhân vật thuộc giới giàu có ở Trung Quốc mong muốn ăn những thực phẩm nước ngoài cao cấp, bao gồm foie gras (gan ngỗng), nấm đen và pho mát làm thủ công. Rất nhiều sản phẩm trong số nói trên hiện đã được sản xuất ở Trung Quốc.
Hiệp hội Cá tầm Trung Quốc ước tính, tới năm 2020, Trung Quốc sẽ tiêu thụ 100 tấn trứng cá muối hàng năm. Hiện tại, mỗi năm cả thế giới sản xuất được 200 tấn trứng cá muối, điều đó có nghĩa là những "đại gia" Trung Quốc sẽ mua và sử dụng 1 nửa sản lượng trứng cá trên toàn thế giới.
Trung Quốc cũng là một nhà xuất khẩu trứng cá muối chủ chốt khi hàng loạt công ty địa phương mọc lên với niềm tin rằng nhu cầu sẽ ngày càng tăng cao. Từ năm 2012 tới năm 2017, nông dân Trung Quốc xuất khẩu được gần 150 tấn trứng cá muối.
Công ty nghiên cứu thị trường Technavio ở Anh dự báo rằng thị trường trứng cá muối toàn cầu sẽ trị giá 1,55 tỉ USD vào năm 2021, tăng gần 75% so với năm 2016 vì sự khan hiếm và giá trị cao khiến những người giàu có mong muốn tiêu thụ mặt hàng xa xỉ này nhiều hơn.
Rào cản khó vượt qua
Các nhà sản xuất ở Trung Quốc rất muốn đầu tư mạnh vào ngành sản xuất trứng cá muối, nhưng họ cũng thừa nhận rằng có nhiều rào cản.
Một trong những rào cản lớn nhất là vấn đề tâm lý. Các nhà cung cấp thực phẩm xa xỉ và người tiêu dùng thường không nghĩ tới Trung Quốc khi nhắc tới trứng cá muối. Những nhà xuất khẩu tiên phong, ví dụ như Kaluga Queen - công ty bắt đầu bán trứng cá muối do Trung Quốc sản xuất vào năm 2006 - đã gặp nhiều khó khăn bước đầu trong việc thuyết phục khách hàng mua sản phẩm của họ.
Xia Yongtao, Phó Giám đốc Kaluga Queen, trả lời trên China Daily hồi năm ngoái rằng: "Ban đầu, chúng tôi bị đối xử theo kiểu một khi khách hàng biết rằng đây là mặt hàng 'Made-in-China', họ phũ phàng từ chối ngay lập tức mà không buồn mở hộp và ăn thử".
Tuy nhiên, trong năm 2011, công ty Trung Quốc đã có hợp đồng cung cấp trứng cá muối cho khoang vé hạng thương gia của hãng hàng không Đức Lufthansa. Thành công của Kaluga Queen trong những năm qua đã tạo niềm cảm hứng cho nhiều công ty khác.
Các nhà thu mua trứng cá muối hàng đầu - ví dụ như Petrossian ở Paris - được cho là đã mua một lượng lớn trứng cá muối từ Trung Quốc, tuy nhiên, Petrossian thường không nhắc tới nguồn gốc của sản phẩm.
Caviar Colony, một công ty khai thác trứng cá muối khác ở Trung Quốc, tuyên bố sẽ thay đổi quan điểm và định kiến của cả thế giới.
Benjamin Goh, một nhà đầu tư Singapore, cho biết ông có nguyện vọng đưa "vàng đen" của Trung Quốc ra thị trường toàn cầu và xóa bỏ định kiến rằng trứng cá muối Trung Quốc không thể đương đầu với các loại trứng cá tuyệt vời nhất trên thế giới.
Ngoài ra, công ty này khẳng định cá tầm Trung Quốc còn được nuôi dưỡng bằng thực phẩm đặc biệt, trong đó có các loại thảo dược cổ truyền của Trung Quốc.