Nhiều diễn viên, nghệ sĩ trẻ bị cắt giảm
Ủy ban Văn hoá, Giáo dục vừa có báo cáo tác động của dịch COVID-19 đối với các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch. Về văn hóa, Ủy ban cho biết, việc áp dụng các biện pháp kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh đã khiến nhiều hoạt động văn hóa ngưng trệ. Nhiều hoạt động tập trung, trực tiếp tuyên truyền lưu động phục vụ các sự kiện chính trị và kỷ niệm lớn của đất nước, hội thi, hội diễn, triển lãm đã phải dừng hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương phải tạm thời đóng cửa các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, dừng tổ chức các sự kiện, lễ hội, các hoạt động văn hoá tập trung đông người, điển hình như Hà Nội không tổ chức bắn pháo hoa và dừng tổ chức phố đi bộ; TP. Hồ Chí Minh dừng bắn pháo hoa; Hải Phòng dừng lễ hội “Hoa Phượng đỏ 2021”…
Theo Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, thực tế trên không chỉ ảnh hưởng đến việc hưởng thụ văn hóa của người dân, quảng bá, xúc tiến giới thiệu các giá trị văn hóa mà còn giảm sút nghiêm trọng số lượng khách tham quan, gây thiệt hại về kinh tế, thất thu lớn cho ngân sách các địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng người dân địa phương.
“Nhiều nhà hát phải cắt giảm diễn viên hợp đồng vì không có doanh thu biểu diễn. Đây đều là nghệ sĩ trẻ, được tuyển chọn kỹ lưỡng và là nòng cốt về chuyên môn nghệ thuật và đã phục vụ cho nhà hát nhiều năm”, báo cáo nêu.
Khảo sát cũng cho thấy, ngành điện ảnh cũng đã chịu những tác động nặng nề do đại dịch COVID-19 gây ra. Tổng doanh thu ngành điện ảnh giảm mạnh. Doanh số toàn ngành 6 tháng đầu năm 2021 đạt 1.156 tỷ đồng, giảm gần 50% so với cùng kỳ năm 2019. Số lượng khán giả đến rạp và doanh thu hệ thống rạp chiếu phim đạt chưa đến 30% so với thời gian cùng kỳ năm 2019.
“Ngành điện ảnh không thể làm việc trực tuyến, các doanh nghiệp buộc phải dừng sản xuất, không có doanh thu nhưng vẫn phải chi trả nhiều kinh phí cố định như lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho nhân viên, mặt bằng, lãi vay ngân hàng, điện, nước, duy trì máy móc thiết bị. Nhiều dự án đang trong quá trình sản xuất phải tạm dừng hoạt động gây thiệt hại về kinh tế khá lớn. Các hoạt động hợp tác quốc tế về điện ảnh gặp nhiều khó khăn hoặc không thể triển khai”, Ủy ban cho hay.
Việc chuẩn bị vòng loại World Cup 2022 gặp nhiều thách thức
Trong lĩnh vực thể thao, Ủy ban Văn hoá, Giáo dục cho rằng, dịch COVID-19 đã làm hầu hết các hoạt động thể dục, thể thao ở trung ương và địa phương phải hủy bỏ, ảnh hưởng đến việc triển khai tổ chức Đại hội thể dục, thể thao các cấp và công tác chuẩn bị lực lượng vận động viên tham dự Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX vào năm sau. Việc không tổ chức được các giải thể thao quốc gia đã ảnh hưởng tới chất lượng chuyên môn của các đội tuyển thể thao quốc gia, đội tuyển thể thao tỉnh, thành, ngành. Nhiều vận động viên phải ngưng tập huấn, trở về địa phương.
Đặc biệt, việc dừng tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng chuyên môn của các đội bóng. Các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp gặp nhiều khó khăn, hầu như không có nguồn thu trong khi vẫn phải chi trả lương cho huấn luyện viên, cầu thủ. Công tác chuẩn bị cho tổ chức các trận thi đấu trong khuôn khổ vòng loại thứ 3 của vòng chung kết FIFA World Cup 2022 gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Bên cạnh đó, dịch bệnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến công tác chuẩn bị tổ chức SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11, nhiều công việc bị chậm tiến độ do thực hiện phong tỏa, giãn cách; kinh phí chi thường xuyên phục vụ công tác tổ chức chưa được cấp và còn đang chờ phương án lùi thời điểm tổ chức…
Khách quốc tế giảm 97,6%
Về Du lịch, khảo sát cho thấy, do tác động của dịch COVID-19, lượng khách du lịch sụt giảm, tác động tiêu cực đến hoạt động du lịch. Năm 2020 khách quốc tế đến Việt Nam giảm 80% so với năm 2019, khách du lịch nội địa giảm 34%, tổng thu từ khách du lịch giảm 59%.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 88,2 nghìn lượt người, giảm 97,6% so với cùng kỳ năm trước; khách du lịch nội địa tại Việt Nam ước đạt 30,5 triệu lượt, trong đó có 15,8 triệu lượt khách nghỉ đêm tại cơ sở lưu trú du lịch; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 134.000 tỷ đồng, giảm 24,2% so với cùng kỳ năm 2020.
“Dịch bệnh kéo dài đã khiến hàng nghìn doanh nghiệp và người lao động ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều doanh nghiệp buộc phải chuyển đổi mô hình kinh doanh hay cắt giảm nhân sự. Phần lớn doanh nghiệp đều có khoản nợ với ngân hàng, không có doanh thu, gần như mất khả năng trả nợ các khoản vay đã đến hạn trong giai đoạn hiện tại”, Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục cho hay.