Nhiều khách sạn rao bán
Do ảnh hưởng của Covid19, nhiều khách sạn đang rao bán vì khó khăn về nhân sự, tài chính.
Giữa tháng 3 vừa rồi, trong một group bất động sản, có thông tin rao bán khách sạn: "Do bên mình không sắp xếp được nhân lực để chuẩn bị cho đợt vào mùa vụ hè nên mình muốn sang nhượng lại khách sạn tại Cát Bà. Tọa lạc tại đường Núi Ngọc, thuận tiện đi lại, 5 phút đi bộ ra biển, 2 phút ra chợ hải sản. Khách sạn mới sửa chữa nên nội thất vẫn còn nguyên. Khách sạn 5 tầng và có tổng 20 phòng".
Một trường hợp rao khác như: Sang nhượng khách sạn 3 sao, 9 tầng, doanh thu 2,5 đến 3 tỷ mỗi tháng (trước dịch). Dịch vụ bên trong nhà hàng 3*, phòng gym, massage, xông hơi, quầy bar mini, phòng hội nghị…
Và rất nhiều rao bán khách sạn khác trên mạng xã hội.
Nhiều khách sản nhỏ đang phải đóng cửa dài hạn hoặc rao bán
Nhiều nhà đầu tư tranh thủ cơ hội, kỳ vọng lãi lớn sau dịch
Thấy được nguồn cung từ khác khách sạn rao bán, nhiều nhà đầu tư đã dồn tiền vào mua nhượng quyền với hy vọng lấy lại gốc và sinh lời sau dịch.
Anh Nghiêm Trọng Quỳnh, người vừa mua quyền điều hành của một khách sạn ở Đoàn Thị Điểm (Đà Lạt), cho biết anh bỏ ra số tiền 450 triệu đồng để được sang tên khách sạn trên.
"Trong khoảng thời gian này vì lí do dịch Covid-19 và do chính sách của chính phủ nên lượng khách du lịch giảm sút, ảnh hưởng không nhỏ tới vấn đề kinh doanh của khách sạn. Tuy nhiên, vì lượng khách quen và lượng khách du lịch sau đợt dịch, tôi nghĩ cũng tăng lên đáng kể. Do đó, chúng tôi chỉ cần PR thêm trên các trang đang kinh doanh sẵn có của khách sạn như : booking , travago, Facebook ... thì doanh thu sẽ tăng và việc thu hồi vốn cũng theo đà và nhanh hơn", anh Trọng Quỳnh chia sẻ.
Anh Quỳnh cho biết thêm, sang tên khách sạn vào thời điểm này giá cả phải chăng nên anh đã quyết định chi tiền để được sang tên.
Một trường hợp khác, theo Dân Trí, chị Lan mới mua lại quyền vận hành của khách sạn Coffee House tại Đà Lạt. Lý do chị không mua "đứt" khách sạn trên vì nếu như vậy thì số tiền quá lớn và phải đi vay nhiều. Rủi ro sẽ nhiều hơn.
"Do đó, tôi chỉ mua lại quyền vận hành khách sạn, nội thất. Hàng tháng, tôi trả tiền thuê cho chủ nhà và kinh doanh như bình thường. Việc mua lại thời điểm này rẻ và nhiều sự lựa chọn hơn so với lúc kinh doanh ổn định", chị Lan cho biết.
Hiện tại, do ảnh hưởng của dịch bệnh, khách không tới Đà Lạt du lịch, nên khách sạn chị Lan mới mua vẫn đang tạm thời chịu lỗ. Nhưng trước đây, khi hoạt động ổn định thì mỗi tháng doanh thu cũng lên tới trên 100 triệu đồng, dù chỉ có chưa đến 10 phòng nghỉ.
Với bài toán kinh doanh đầu tư dịp dịch này nên anh Quỳnh và chị Lan chi tiền để được sang tên khách sạn, với hy vọng sau dịch sẽ thu lại gốc và khách sạn sẽ mang lại lợi nhuận cao cho họ.