Theo đơn vị này, phân khúc khách sạn tại châu Á có thể hồi phục theo hình chữ V và dự kiến từ năm 2023 sẽ quay về mức phát triển như năm 2019 .
Govinda Singh, Giám đốc điều hành mảng Khách sạn và Giải trí tại châu Á của Colliers, nhận định, kinh tế toàn cầu có thể sẽ cải thiện hơn vào quý 2/2021 và cần đến 3 năm nữa thì ngành du lịch mới có thể hồi phục về mức trước đại dịch. Một số tác động tích cực có thể đến trong ngắn hạn ví dụ như việc các đường biên giới sẽ được mở cửa trở lại cũng như kế hoạch hành động để tái khởi động du lịch cũng đã được nhiều chính phủ tích cực thúc đẩy.
Đơn vị này cũng chỉ ra các đặc trưng của phân khúc khách sạn ở các thị trường Châu Á ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phục hồi của phân khúc này trong thời gian tới.
Nguồn cung mới ở Melbourne (Úc) có thể ảnh hưởng đến khả năng hồi phục của phân khúc khách sạn
Năm 2019, mảng khách sạn của Melbourne có những chỉ số rất ấn tượng, ghi nhận tỷ lệ lấp đầy lên đến 84,2%. Tuy nhiên, năm 2020 do ảnh hưởng của Covid-19, tỷ lệ lấp đầy chỉ còn bằng một nửa so với chỉ số của năm trước và nhu cầu chủ yếu đến từ những khách lưu trú phải cách ly tập trung tại các khách sạn và chỉ một phần nhỏ từ khách địa phương có nhu cầu giải trí.
Nhiều khả năng sẽ có nguồn cung đáng kể trên thị trường vào năm 2021 này và ảnh hưởng đến sự hồi phục của phân khúc khách sạn. Thành phố Melbourne hiện đang có số dự án khách sạn nhiều nhất Australia, tổng cộng 19 dự án đang được tiến hành xây dựng với 4.800 phòng (11 khách sạn trong số này dự kiến sẽ khai trương ngay trong năm nay). Melbourne hiện đang có 130 khách sạn với khoảng 19.600 phòng. Một số dự án chưa hoàn thiện nhưng đã có kế hoạch tiếp tục thi công như Ritz Carlton, Shangri-La hay Next Melbourne.
Gus Moors, Giám đốc mảng Khách sạn, Dịch vụ Định giá và Tư vấn thị trường Australia, cho biết, Melbourne đã chứng tỏ khả năng khả năng "hấp thụ" các dự án mới tốt như thế nào trong quá khứ, và với việc thành phố luôn đầy ắp các sự kiện, nhu cầu nội địa cao cũng như nhiều dự án cơ sở hạ tầng quy mô sẽ giúp thành phố phát triển hơn nữa khi mà quá trình hồi phục bắt đầu.
Các hoạt động MICE "tiếp sức" phân khúc khách sạn Singapore
Chính phủ Singapore đã và đang triển khai nhiều sáng kiến để thu hút khách quốc tế trong năm 2021, bao gồm cả đường bay đặc biệt cho phép khách doanh nhân và ngoại giao có thể không cần phải cách ly khi đến nước này, hay chương trình "Air Travel Pass Program" cho phép du khách có thể du lịch Singapore mà không cần phải trải qua quá trình cách ly 14 ngày.
Thêm vào đó, Diễn đàn Kinh tế Thế giới vừa thông báo kế hoạch tổ chức cuộc họp thường niên tại Singapore vào tháng 8/2021 và có thể tác động tích cực đến phân khúc MICE (meetings, incentives, confrences, exhibitions) và Du lịch – Dịch vụ - Khách sạn – Nhà hàng của đảo quốc này.
Colliers cho rằng sức hấp dẫn của thị trường Hospitality tại Singapore vẫn khá cao và được "trợ lực" bởi cơ sở vật chất hiện đại. Nhiều dự án cũng đã được lên kế hoạch phát triển trong giai đoạn 2021 – 2030, bao gồm kế hoạch mở rộng 2 khu nghỉ dưỡng phức hợp (integrated resorts) và đại dự án Great Southern Waterfront, kết hợp với khả năng nguồn cung phòng khách sạn sẽ khá thấp trong thời gian tới, sẽ là những yếu tố tác động tích cực đến phân khúc này trong trung hạn. Một số dự án khách sạn được dự đoán sẽ tiếp tục hoàn thiện bao gồm Pullman Singapore, Banyan Tree Mandai, Artyzen Cuscaden, Mondrian Duxton Hill và Club Street.
Thị trường có mức đầu tư nội địa lớn tiếp tục nắm lợi thế
Trong bối cảnh các đường bay quốc tế đang dần mở lại dù chậm chạm, các nhà đầu tư vẫn tiếp tục tìm kiếm các tài sản giá trị lớn, nhất là các tài sản được niêm yết trên sàn giao dịch. Các thị trường thanh khoản (liquid market) nổi bật nhất gồm Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản, trong khi các thị trường như Singapore và Malaysia không có nhiều các giao dịch đầu tư trong quý vừa rồi.
Khi mà các hạn chế du lịch do đại dịch vẫn còn nguyên đó, các thị trường có đầu tư nội địa lớn như Tokyo và Seoul tiếp tục có lợi thế quan trọng trong giai đoạn mà đầu tư quốc tế đang gặp khó. Colliers tin rằng các hoạt động đầu tư sẽ dần trở nên năng động hơn trong vài tháng tới khi mà các nhà đầu tư cố gắng nắm bắt các cơ hội có thể, bất kể tâm lý thận trọng và thủ tục bảo lãnh khó khăn hơn do tác động từ Covid-19 cũng như các biến động kinh tế nói chung.
Khách nội địa quan trọng để ngành công nghiệp casino hồi phục
Kinh doanh casino là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất xét trên toàn thế giới. Mức độ hồi phục của các thị trường tại châu Á sẽ có khác biệt nhiều và một số thị trường sẽ bắt đầu hồi phục từ quý 3 năm 2021. Colliers đánh giá rằng thị trường Macau (Trung Quốc) và Cambodia sẽ hồi phục nhanh nhất trong khi thị trường Singapore, Philippines và Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
Những quốc gia có người chơi nội địa đông đảo sẽ có các điều kiện thuận lợi để quay lại quỹ đạo tăng trưởng. Phân khúc người chơi trung lưu đông đảo sẽ có vai trò quan trọng tại Macau (Trung Quốc) trong khi phân khúc khách thượng lưu sẽ ảnh hưởng mạnh nhất đến đà hồi phục tại thị trường Cambodia. Khi mà nhiều chính phủ đang phải giải quyết nhiều vấn đề nan giải do đại dịch Covid-19, không khó hiểu khi một số nước đã chú ý phát triển các khu nghỉ dưỡng phức hợp (có thể bao gồm casino) để tạo thêm doanh thu và việc làm – xu hướng được cho là sẽ tiếp tục. Ngay cả Thái Lan cũng đang xem xét phát triển ngành kinh doanh casino.