Ngày 8/8, TMT Motors – đơn vị lắp ráp và kinh doanh mẫu xe Wuling Mini EV tại thị trường Việt Nam công bố điều chỉnh giá bán cho 2 phiên bản gồm LV2-120 và LV2-170.
Theo đó, bản LV2-120 được điều chỉnh giảm 58 triệu đồng, từ 255 xuống còn 197 triệu đồng (tương đương 22,7% giá bán) trong khi bản LV2-170 giảm 48 triệu đồng, từ 279 xuống 231 triệu đồng (tương đương 17,2%).
Đây được xem là động thái thích ứng cần thiết với diễn biến thị trường của TMT Motors và đối tác là liên doanh SGMW nhằm giúp những chiếc xe điện mini này có giá bán tốt hơn, dễ tiếp cận với người dùng Việt hơn nhằm thúc đẩy doanh số bán hàng trong giai đoạn cuối năm.
Tuy nhiên, cách làm này không phải không gây ra những hiệu ứng tiêu cực. Với nhóm người đã sở hữu xe trước đó đây rõ ràng là tin không vui khi chiếc xe họ mua cách đây không lâu lập tức mất đi vài chục % giá trị - số tiền bỏ ra mua xe lớn trong khi giá trị thực tế của xe thời điểm hiện tại là thấp.
Đó là chưa kể nếu muốn bán lại, giá xe sẽ còn xuống thấp hơn nữa bởi nhà sản xuất đã thiết lập một mặt bằng giá mới cho sản phẩm theo hướng giảm sâu.
Trong khi đó, với những khách đã có ý mua sản phẩm, chưa chắc họ đã “mạnh tay” xuống tiền ngay lập tức bởi nhiều người có tâm lý chờ đợi thêm còn một số khác thậm chí “lung lay” niềm tin với sản phẩm.
Đáng chú ý, đây cũng chính là chiêu được một "ông lớn" sản xuất xe điện Trung Quốc khác là BYD sử dụng tại Trung Quốc và khiến người dùng nước này “nổi điên”.
Đầu tháng 7/2024, BYD công bố mức giá mới cho các mẫu xe điện kinh doanh tại thị trường Thái Lan. Theo đó, chiếc Atto 3 – mẫu xe chủ lực của hãng này tại Thái Lan được giảm 90.000 – 340.000 baht (57,8 – 218,2 triệu đồng). Một mẫu xe khác là Dolphin cũng được giảm liên tục khiến người mua “không biết đường nào mà lần”.
Người dùng tại thị trường này thậm chí bức xúc đến mức gửi đơn khiếu nại khiến chính phủ Thái Lan phải yêu cầu Văn phòng Uỷ ban Bảo vệ người tiêu dùng điều tra động thái giảm giá của BYD .
“Việc điều chỉnh giá bán trong mỗi giai đoạn nhất định là điều không hiếm gặp trên thị trường ô tô Việt, nhất là trong thời điểm doanh số khó khăn hoặc hãng cần chạy chỉ tiêu nhất định. Nhiều hãng sản xuất cũng đều có những chương trình như vậy. Tuy nhiên, việc liên tục tung các chương trình giảm giá mạnh, bất ngờ trong khi thương hiệu mới, cần gây dựng niềm tin với người tiêu dùng có thể khiến thương hiệu mất nhiều hơn được”, ông Hoàng Cường – chuyên gia về ô tô tại Việt Nam nhận định.
Theo ông Cường, chính những động thái này sẽ khiến niềm tin vốn chưa thực sự vững vàng của người dùng Việt với xe Trung Quốc càng thêm “lung lay”.
Wuling từng rất thành công tại thị trường Trung Quốc với Mini EV nhưng chào bán ở Việt Nam với giá được đánh giá là chưa thực sự hấp dẫn. Hãng sau đó phải giảm giá sản phẩm và giờ đây, BYD cũng có một màn chào giá ở mức “chưa dễ tiếp cận” – theo nhận xét của nhiều người.
BYD Atto 3 – SUV đô thị cỡ B+ có giá 766-886 triệu đồng, hatchback Dolphin có giá 659 triệu đồng trong khi sedan cỡ D Seal có giá 1,119 – 1,359 tỷ đồng.
Cú “đánh úp” người dùng tại Thái Lan của BYD có thể cũng khiến người dùng Việt – những người thực sự yêu thích xe điện – phải có vài phần cân nhắc.