"Lâu đài của Khaisilk" – khách sạn TajmaSago và tòa nhà Cham Charm sẽ chính thức thuộc sở hữu của Tập đoàn Chloe Hospitality và sẽ được đổi tên thành Chloe Gallery. Giá trị chuyển nhượng của thương vụ chưa được công bố. Sau chuyển nhượng, cả hai công trình này sẽ mang thương hiệu mới là Chloe Gallery với mô hình hoạt động có nhiều đổi mới so với trước đây, theo thông tin từ Một Thế Giới.
Theo kế hoạch, Chloe Gallery sẽ cung cấp nhiều loại hình dịch vụ như ẩm thực cho những sự kiện của giới kinh doanh, từ hội nghị, chiêu đãi, yến tiệc, du thuyền trên sông… đến trình diễn sản phẩm.
Đặc biệt, theo chủ mới của hai công trình này, nơi đây sẽ là điểm hẹn cho những đại tiệc về nghệ thuật - âm nhạc - thời trang - điện ảnh, là nơi kết nối các tài năng, giá trị văn hoá - tinh thần hiện đại với cộng đồng công chúng văn minh.
Chloe Gallery sẽ hoàn chỉnh toàn bộ diện mạo mới cho hai công trình, dự kiến hoàn thành cuối tháng 12/2018 và bắt đầu mở cửa đón khách sau giai đoạn chỉnh trang.
Được biết, tòa lâu đài màu trắng Tajmasago trị giá 15 triệu USD nằm tại bờ hồ bán nguyệt của khu đô thị Phú Mỹ Hưng, đã từng được nhắc đến trong tạp chí Forbes phiên bản tiếng Việt.
Toà lâu đài trắng Tamasago của ông chủ Khải Silk mang dấu ấn Ấn Độ rất đậm. Như Khải Silk nói, ông muốn mang màu sắc, không khí của Ấn Độ đến giữa Sài Gòn. Mọi chi tiết trong tòa lâu đài trắng đều được chú ý, không có sự trùng lặp nào. Ngay cả mùi hương trong tòa lâu đài cũng rất khác biệt.
Tọa lạc bên bờ hồ Bán Nguyệt, lâu đài trắng TajmaSago được lấy cảm hứng từ đền Taj Mahal ở Ấn Độ.
Tòa lâu đài nhìn ra hướng sông với 19 phòng, mỗi phòng được thiết kế hoàn toàn khác biệt, toàn bộ nội thất chỉ với hai gam màu chủ đạo trắng và đen, điểm xuyết một chút ánh đỏ từ những hoa văn trên chiếc khăn quàng của thiếu nữ Ấn Độ, hay một chút bạc kiêu sa từ bộ đồ ăn hoàn toàn của Versace. Đặc biệt, căn phòng Tổng thống có diện tích 260m2 là một không gian lộng lẫy và choáng ngợp.
Vẻ đẹp lộng lẫy của tòa lâu đài được bao phủ bởi những thảm cỏ, hồ nước trong vắt…
Lâu đài được thiết kế theo dáng dấp của ngôi đền cổ Taj Mahal, gồm 19 phòng, mỗi phòng được thiết kế hoàn toàn khác biệt nhưng vẫn tuân theo 2 gam màu chủ đạo là trắng và đen,. Điểm đặc biệt nữa của tòa lâu đài này là trong khuôn viên vườn chỉ trồng 1 loài cây duy nhất là huyết dụ.
Nội thất và vật dụng cho lâu đài cũng toàn hàng hiệu đắt tiền và xa xỉ.
Ông Khải từng tiết lộ, để hoàn thành tòa lâu đài này hơn 1.000 công nhân đã phải làm việc trong hai năm trời. Tôi đã xây rất nhiều nhà hàng, khách sạn, resort, nhưng đây là công trình đầu tiên tôi có thể tự hào. Lâu đài này tôi làm ra không phải cho mình, mà để cho mọi người cùng hưởng thụ", Khải Silk chia sẻ.
Còn tòa nhà Cham Charm tọa lạc tại số 2 Phạm Văn Chương, P. Tân Phú, Phú Mỹ Hưng, TP.HCM được xem như một trong những nhà hàng đẹp nhất thuộc chuỗi các nhà hàng triệu đô của Khaisilk, một tập đoàn có các thiết kế nhà hàng đều mang nét cung đình, từ Việt Nam (Nam Kha) đến Trung Hoa (Ming) và Chăm Pa (Cham Charm).
Lâu đài triệu đô Cham Charm có lối kiến trúc mô phỏng ngôi đền Ankor Wat. (Ảnh Onepas).
Ấn tượng đầu tiên về nhà hàng là màu trắng tinh khiết của một tòa lâu đài lộng lẫy nổi bật giữa hai hàng cây xanh dẫn lối bậc thang cao 4m uy quyền. Khi cánh cửa khép lại, không gian bên trong nhà hàng như lâu đài của một vị vua Chăm Pa với mảng tường gạch xếp so le phủ lớp ánh sáng đỏ kỳ bí, hàng cột đá ở Mỹ Sơn, tượng thần bằng đất nung, tượng Linga, các di vật cổ, tượng điêu khắc… Ánh sáng nóng ấm của hệ thống đèn càng khiến mỗi góc, mỗi tầng, mỗi khu vực càng kỳ bí, kiêu sa và đài các.
Nhà hàng lâu đài Cham Cham có diện tích 5.000m2 với sức chứa 600 khách. Đây cũng là địa điểm thường xuyên lui tới của rất nhiều sao Việt.
Cham Charm có diện tích 5.000m2, có thể chứa đến 600 khách. Không gian nhà hàng được chia làm 3 khu vực. Tầng trên cùng dành cho thực khách thưởng thức các món nướng trong không gian rộng rãi và thơ mộng. Khu vực tầng trệt có nhiều phòng riêng, dành cho những thực khách đặc biệt cần không gian yên tĩnh.
Nhà hàng còn được biết đến như một gallery ẩm thực đầu tiên của châu Á, nơi có tới hơn 1.300 loại rượu từ khắp thế giới.