Khai thác cát biển cho dự án cao tốc Bắc - Nam
Trong những năm qua, Chính phủ, Bộ GTVT và các địa phương đang nỗ lực tháo gỡ các khó khăn về nguồn cung cấp vật liệu xây dựng phục vụ cho các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm. Đặc biệt, các dự án cao tốc Bắc - Nam đang triển khai thiếu nguồn cát đắp nền khiến cho tiến độ bị ảnh hưởng.
Ngày 28/5, UBND tỉnh Sóc Trăng đã có tờ trình tới HĐND tỉnh này, xem xét, thống nhất thông qua Nghị quyết về chủ trương khai thác cát biển thuộc khu B1 tỉnh Sóc Trăng để thực hiện các dự án theo cơ chế đặc thù tại Nghị quyết số 106/2023/QH15.
Theo đó, UBND tỉnh Sóc Trăng thống nhất chủ trương khai thác cát biển thuộc khu B1 tỉnh Sóc Trăng để thực hiện các dự án theo cơ chế đặc thù tại Nghị quyết số 106/2023/QH15.
Sau khi HĐND tỉnh Sóc Trăng thông qua Nghị quyết, UBND tỉnh Sóc Trăng sẽ chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức triển khai thực hiện theo tại Nghị quyết số 106/2023/QH15; Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2024 của Chính phủ; Các văn bản hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương và các quy định pháp luật có liên quan.
Cùng với đó, chịu trách nhiệm trong việc xác định vị trí, nhu cầu thổi lương đăng ký của các nhà thầu thi công các dự án đường cao tốc và lại bang giao thông đô thị theo cơ chế đặc thù tại Phụ lục IV kèm theo Nghị quyết số 106/2023/QH15.
Qua nghiên cứu Tờ trình về chủ trương khai thác cát biển để thực hiện các dự án theo cơ chế đặc thù, trao đổi với PV Dân Việt, TS. Trần Khắc Tâm, ĐBQH khóa 13, Đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng cho rằng: "Về chủ trương của tỉnh Sóc Trăng, Tôi không có ý kiến khác".
"Việc khai thác cát nhằm đảm bảo nguồn vật liệu phục vụ thi công các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông trong thời gian tới khi mà nguồn cát san lấp nền (cát sông) phục vụ thi công các tuyến đường giao thông trọng điểm quốc gia đang rất khan hiếm là chủ trương lớn của Đảng, của Nhà nước", TS. Trần Khắc Tâm cho biết.
Theo TS. Trần Khắc Tâm, các công trình giao thông trọng điểm này khi hoàn thành sẽ góp phần thúc đẩy nhanh sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung cũng như tỉnh Sóc Trăng nói riêng.
Tuy nhiên, hiện nay, chưa có địa phương nào triển khai việc khai thác cát biển để lấy nguồn vật liệu này phục vụ thi công các công trình làm đường giao thông. Đây có thể nói việc làm là chưa có tiền lệ và Sóc Trăng có thể nói là địa phương đi đầu.
"Chính vì chưa có tiền lệ nên sẽ khó để dự đoán được hết tất cả những khó khăn phát sinh. Cũng như hiệu quả sử dụng cát biển chưa thể khẳng định là đáp ứng hoàn toàn 100% để thay thế hoàn toàn cát sông", TS. Trần Khắc Tâm bày tỏ những lo ngại.
TS. Trần Khắc Tâm mong muốn UBND tỉnh Sóc Trăng sẽ có "biện pháp, giải pháp mới, đón đầu và hiệu quả" để có thể quản lý, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động khai thác cát biển. Cùng đó, đảm bảo việc khai thác này theo đúng chủ trương, đúng giấy phép.
Đồng thời, không để xảy ra tình trạng sạt lở bờ biển, gây mất an ninh, trật tự, ô nhiễm môi trường tại khu vực khai thác cũng như đảm bảo việc khai thác đúng, đủ, tránh lãng phí, thất thoát nguồn tài nguyên của Tỉnh Sóc Trăng.
Trước đó, Bộ GTVT vừa có thông báo một số kết quả, nội dung chính việc thí điểm sử dụng cát biển làm nền đường giao thông.
Kết quả cho thấy, cát biển sử dụng cho đoạn thí điểm có chỉ tiêu cơ lý đáp ứng yêu cầu vật liệu đắp nền đường theo TCVN 9436:2012 "Nền đường - thi công và nghiệm thu". Tại báo cáo tổng kết công tác thi công, kiểm định đánh giá chất lượng thi công, quan trắc môi trường cũng cho thấy đủ cơ sở để có thể sử dụng cát biển đắp nền đường ô tô trong các điều kiện tương tự như khu vực thử nghiệm của Dự án thí điểm.
Bộ GTVT cho biết, do việc thí điểm mới chỉ thực hiện với quy mô nhỏ, cấp thiết kế thấp hơn đường cao tốc, chất lượng cát biển mới chỉ được nghiên cứu cho một khu vực (mỏ cát biển tỉnh Trà Vinh), các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn về độ mặn đối với cây trồng vật nuôi chưa đầy đủ.
Vì vậy, việc sử dụng đại trà vật liệu cát biển để xây dựng đường ô tô cần được tiếp tục thí điểm mở rộng ở các dự án với cấp quy mô, cấp thiết kế cao hơn, cũng như thí điểm ở các điều kiện tự nhiên, điều kiện môi trường, nguồn vật liệu cát biển khác nhau để có cơ sở đánh giá một cách toàn diện.
Bộ GTVT cho biết là Hội đồng cấp Bộ thống nhất việc sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường ô tô cao tốc với một số điều kiện: chỉ sử dụng cát biển đáp ứng các tiêu chuẩn vật liệu theo TCVN 9436:2012, sử dụng cho nền đắp có độ chặt K≤ 95 tại các khu vực có điều kiện môi trường nhiễm mặn tương tự khu vực thử nghiệm của Dự án thí điểm. Trước mắt nên xem xét sử dụng cho khu vực hạ âm, nền đắp K95, khu vực nền đường nằm dưới khu vực chịu tác động của hoạt tải.
Bên cạnh đó, cần triển khai các giải pháp quan trắc môi trường để giám sát mức độ tác động trong quá trình thực hiện.
Bộ GTVT triển khai thí điểm sử dụng cát biển tại đoạn tuyến hoàn trả ĐT.978, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện Dự án đánh giá tài nguyên khoáng sản tại khu vực tỉnh Sóc Trăng, trong đó đánh giá về cơ bản các chỉ tiêu cát biển vùng biển gần bờ của tỉnh Sóc Trăng đáp ứng các yêu cầu làm vật liệu đắp nền đường theo TCVN 9436:20122.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chuyển giao cho UBND tỉnh Sóc Trăng tài liệu, hồ sơ để tiến hành các thủ tục để khai thác, cung cấp vật liệu cho các dự án theo cơ chế đặc thù quy định tại các Nghị quyết số 43/2022/QH15, Nghị quyết số 106/2023/QH15 của Quốc hội.