Như Dân Việt đã thông tin, "Khai thác cát biển làm đường cao tốc: Việt Nam e ngại, thế giới đã sử dụng" như một số nước trên thế giới gồm Đức, Anh, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc đã sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng cho các dự án giao thông.
Theo các chuyên gia đánh giá, việc sử dụng cát biển để thay thế cát sông làm dự án cao tốc Bắc – Nam là một "hướng đi", cần các phương án tháo gỡ khó khăn ở góc độ kỹ thuật đem lại hiệu quả kinh tế khi lấy cát biển làm nguyên liệu thay thế.
Trước tình hình thiếu cát sông đắp nền đường, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT phối hợp các Bộ ngành liên quan nghiên cứu các giải pháp vật liệu thay thế, trong đó có việc nghiên cứu sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường tại các khu vực phù hợp.
Sau khi hoàn thiện các thủ tục, Bộ GTVT đã mở rộng sử dụng cát biển đắp nền đường dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Hậu Giang - Cà Mau. Ngày 29/6/2024, Nhà thầu đã tổ chức khai thác và đến ngày 01/7/2024 sẽ thi công thí điểm đắp nền đường.
Liên quan tới quy chuẩn sử dụng cát biển làm đường cao tốc, Bộ Xây dựng đã ban hành danh mục các tiêu chuẩn, quy chuẩn hướng dẫn kỹ thuật và các định mức kinh tế - kỹ thuật về xử lý cát biển, sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu để sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng.
Đối với cát nhiễm mặn, Bộ Xây dựng đã ban hành tiêu chuẩn về cát nhiễm mặn cho bê tông và vữa (TCVN 13754:2023); cấp phối, tái chế chất thải rắn, xây dựng để làm móng đường giao thông, đô thị.
Theo kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), Bộ Xây dựng cũng đang xây dựng thêm 3 TCVN về cát nhiễm mặn bao gồm: Cát nhiễm mặn cho bê tông và vữa xây dựng - Yêu cầu kỹ thuật - Phần 1- Cát cho kết cấu bê tông; Cát nhiễm mặn cho bê tông và vữa xây dựng - Yêu cầu kỹ thuật - Phần 2 - Cát cho kết cấu bê tông cốt thép; Cát nhiễm mặn cho bê tông và vữa xây dựng - Yêu cầu kỹ thuật - Phần 3 - Cát cho vữa xây dựng.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, công trình hạ tầng giao thông nói chung và công trình đường bộ cao tốc nói riêng thường được cấu tạo với các lớp vật liệu nền, móng, mặt đường.
Việc sử dụng cát sông để đắp nền đường như hiện nay, trữ lượng của các mỏ cát đang được cấp phép khai thác sẽ không đáp ứng đủ yêu cầu, nguồn tài nguyên cát thiên nhiên sẽ sớm cạn kiệt.
"Quá trình khai thác cát sông gây ra tình trạng sói mòn, sạt lở bờ sông, thu hẹp đất liền, làm thay đổi dòng chảy tự nhiên, tác động xấu đến môi trường, an sinh xã hội", Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh chia sẻ.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, xuất phát từ yêu cầu thực tế, nhiều tổ chức, nhà khoa học đã tập trung nghiên cứu sử dụng các loại vật liệu thay thế cát sông trong công trình hạ tầng giao thông như cát biển, tro xỉ nhiệt điện hoặc nghiên cứu sử dụng cầu cạn bê tông cốt thép thay thế một phần đường đắp.
"Trường hợp khai thác cát biển quy mô lớn để làm đường cao tốc được tuân thủ các quy định của pháp luật rất nghiêm ngặt và phải được đánh giá tác động môi trường cẩn trọng mới được khai thác", Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nêu rõ.
Nói về các thủ tục khai thác cát biển và tiêu chuẩn kỹ thuật khi dùng cát biển làm đường cao tốc, chia sẻ với PV Dân Việt, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết: "Sau một thời gian thí điểm sử dụng cát biển trên phạm vi đoạn tuyến hoàn trả ĐT.978 (trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu) thuộc cao tốc Hậu Giang - Cà Mau. Kết quả thu về được đáp ứng tiêu chuẩn đối với vật liệu thi công nền đường".
Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho biết, các chỉ số cho thấy đều an toàn chưa thấy có biểu hiện tăng độ mặn đối với môi trường xung quanh và đủ điều kiện để mở rộng thi công thí điểm.
"Về mặt cơ lý, về mặt kỹ thuật thì cát biển hoàn toàn đáp ứng được để sử dụng làm đường cao tốc. Việc sử dụng cát biển không làm ảnh hưởng đến nguồn nước, cây trồng xung quanh", Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy thông tin.
Thực tế, trước khi nhà thầu tổ chức khai thác cát biển và tổ chức sử dụng cát biển đắp nền đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Hậu Giang - Cà Mau, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT); Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đều đã có đánh giá tác động môi trường biển và ban hành các quy chuẩn về độ nhiễm mặn khi sử dụng cát biển.
Cụ thể, Bộ TN&MT đã triển khai thực hiện dự án "Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long; hoàn thành đánh giá tài nguyên cát biển tại khu vực B1 tỉnh Sóc Trăng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện.
Trong đó, Bộ TN&MT đánh giá về cơ bản các chỉ tiêu cát biển vùng biển gần bờ của tỉnh Sóc Trăng đáp ứng các yêu cầu làm vật liệu đắp nền đường cao tốc theo quy định của TCVN 9436:2012; tài nguyên khoáng sản cát biển làm vật liệu san lấp cấp 222 là 145 triệu m3 cách bờ khoảng 20 km (cửa Định An tính đến biên gần nhất), có điều kiện khai thác khả thi, đã đủ điều kiện chuyển giao để khai thác.
Bộ TN&MT đã chuyển giao kết quả Dự án "Đánh giá tài nguyên cát biển phục vụ các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long" cho UBND tỉnh Sóc Trăng và Bộ GTVT để triển khai các thủ tục theo quy định.
Tương tự, Bộ NN&PTNT cũng đã rà soát, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn về độ nhiễm mặn của đất nông nghiệp, mặt nước nuôi trồng thủy sản làm cơ sở cho việc sử dụng cát biển cho các dự án giao thông.
Các tiêu chuẩn như" Tiêu chuẩn TCCS 01:2024/TT Cây trồng nông nghiệp - Ngưỡng chịu mặn của một số loài cây trồng (12 loài cây trồng bao gồm lúa, ngô, khoai tây, khoai lang, mía, bưởi, cam, nho, cà chua, dưa chuột, bắp cải, hành); các tiêu chuẩn về độ nhiễm mặn của nước nuôi trồng thủy sản đối với một số loài thuỷ sản: TCVN 13656:2023 cho tôm sú và tôm thẻ chân trắng; TCVN 13952:2024: Thủy sản thương phẩm nước ngọt (nuôi ao, nuôi lồng bè, nuôi cá ruộng và nuôi nước lạnh).