Việc “khai tử” hình thức hợp đồng BT, từng được quen gọi “đổi đất lấy hạ tầng” ra khỏi phương thức đối tác công tư (PPP) được đánh giá là biện pháp cứng rắn, kịp thời, nhất là trong tình hình tham nhũng còn diễn biến phức tạp, gay gắt.
“Luật mới có hiệu lực ngay thời điểm đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều dự án BT dang dở, thi công cầm chừng và tiếp tục trì hoãn tiến độ hoàn thành. Nếu không hối thúc khắc phục những sai sót, vi phạm đã phát hiện, không khẩn trương hoàn tất các thủ tục chuyển giao để tiếp tục hoàn thành những phần việc đang còn dang dở, sớm hoàn thành, đưa công trình thuộc dự án BT vào khai thác, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thì Nhà nước sẽ tiếp tục bị thiệt hại, doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Tôi nghĩ đây chính là thiệt hại kép”, TS Trần Khắc Tâm, Đại biểu Quốc hội Khoá XIII nói.
Bài học từ… “đầu tàu”
Sau dự án BT đầu tiên (Dự án giao thông Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài, nay là đường Phạm Văn Đồng) kéo dài (chủ trương từ 1997, đến 2016 mới thông xe toàn tuyến), ngân sách bị thiệt hại trên 44 triệu USD, cũng trên lĩnh vực hạ tầng giao thông, TP Hồ Chí Minh triển khai nhiều dự án BT “đình đám”, trong đó có đường dẫn cầu Phú Mỹ (dài khoảng 10,8km, tổng mức đầu tư gần 3.000 tỷ đồng), đường nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa – quốc lộ 1 (dài khoảng 2,7km, hơn 2.700 tỷ đồng); đường D3 kết nối vào cảng Sài Gòn - Hiệp Phước (2,4km, vốn 293 tỷ đồng); đường song hành từ đường Mai Chí Thọ qua KDC Nam Rạch Chiếc đến đường Vành đai 2 (3,4km, vốn 808 tỷ đồng).
Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vào cuộc, phát hiện nhiều vi phạm và đề nghị giảm hàng trăm tỷ đồng giá trị hợp đồng, chi phí thanh toán… cho nhà đầu tư (NĐT). Đáng chú ý là tại dự án đường dẫn cầu Phú Mỹ, hai năm sau khi chấp nhận duyệt quyết toán với NĐT, tháng 8-2020, lãnh đạo thành phố chỉ đạo thu hồi, nộp ngân sách hơn 355 tỷ đồng; đồng thời khẩn trương rà soát số tiền đã quyết toán giá trị hơn 646 tỷ đồng.
Đã có nhiều bài học “xương máu” được rút ra từ dự án BT tại địa phương được xem là “đầu tàu” kinh tế của cả nước. Thế nhưng, điều dư luận quan tâm hiện nay chính là mối nguy “thiệt đơn, thiệt kép”, nhất là giai đoạn dự án BT buộc phải chuyển đổi, hoàn tất đúng quy định pháp luật. Trước những ngày toàn thành phố giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, PV Báo CAND đã thực địa và nhận ra sự thật đáng ngại. Tại khu vực trung tâm, công trình được mong đợi hoàn thành nhất là cầu Thủ Thiêm 2, nối trung tâm thành phố với TP Thủ Đức. Dự án BT giá trị 3.082 tỷ đồng này ban đầu do Vinaconex đảm trách.
KTNN mới đây đã kiến nghị giảm trên 33 tỷ đồng cho các khoản thanh toán, giá trị hợp đồng và giảm giá trị dự toán. Từ mặt sông Sài Gòn, chụp được mấy tấm ảnh dầm cầu lớn vươn ra giữa dòng, tôi lân la tìm hiểu thì được biết thêm, khởi công từ 4/2017, dự kiến sẽ xong sau 1 năm nhưng thực tế công trình này đã trễ hẹn, lần gần nhất là dịp 30/4/2020. Tháng 9/2020, công trình tạm dừng cho đến giữa tháng 7 vừa qua, mới khởi động lại với dự kiến, quý 2/2022 sẽ thông xe.
Công trường các dự án BT khác như: 4 tuyến đường chính tại KĐTM Thủ Thiêm; tuyến nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - quốc lộ 1; đường D3 kết nối vào cảng Sài Gòn - Hiệp Phước; đường song hành (từ đường Mai Chí Thọ qua KDC Nam Rạch Chiếc đến đường Vành đai 2);… cũng bị chậm tiến độ tương tự.
Không phải chỉ dự án giao thông, ngày cuối tháng 7 vừa qua, qua một khe hở của bức tường tôn vây kín, ghé mắt nhìn vào khu “đất vàng” rộng khoảng 14.000m2 nằm giữa 4 đường Võ Văn Tần, Pasteur, Nguyễn Đình Chiểu và Nam Kỳ Khởi Nghĩa (cùng thuộc quận 3), chúng tôi không khỏi chạnh lòng bởi trước mắt chỉ toàn cỏ dại. Đây là khu đất dành để xây Trung tâm Thể dục thể thao Phan Đình Phùng, có chủ trương thực hiện từ 2008. Do chậm triển khai, dự án BT này liên tục đội giá, so với 10 năm trước nay đã hơn gấp đôi (1.953 tỷ đồng). Thành phố cũng đã dùng nhiều nhà, đất để thanh toán cho NĐT dự án.
Dự án chống ngập do triều cường có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu với tổng mức đầu tư lên đến 10.000 tỷ đồng, được khởi công giữa năm 2016, đã trễ hẹn hoàn thành hơn 2 năm… Tổng giá trị xây lắp đã đạt 90% nhưng cả 9 hạng mục đều phải tạm dừng.
Trao đổi với PV Báo CAND ngày 30-7, đại diện NĐT cho biết, với quy mô 6 cống ngăn triều lớn, 2 cống vừa và 12 cống nhỏ kết hợp đê kè, mục tiêu chính của dự án là ngăn triều xâm thực vào vùng nội đô TP Hồ Chí Minh, hỗ trợ bơm tiêu thoát nước từ kênh rạch ra sông lớn, giữ môi trường cảnh quang bên trong các kênh rạch và khả năng ngăn chặn sự xâm nhập mặn của nước biển trong trường hợp mực nước biển dâng cao.
“Khi dự án hoàn thành, hàng triệu người dân tại các quận 1, 4, 7, 8 và 2 huyện Nhà Bè, Bình Chánh sẽ hưởng lợi. Chính do vậy, bà con thành phố đang rất mong chờ dự án này. Có điều, dù đã được Thủ tướng Chính phủ quan tâm, ban hành nghị quyết chỉ đạo tháo gỡ các tồn tại, vướng mắc, nhưng hiện chúng tôi đang chờ UBND thành phố hoàn tất các thủ tục. Chỉ khi hoàn tất ký kết phụ lục hợp đồng, dụ án mới tiếp tục hoàn tất. Chúng tôi đang rất bị động do liên tục chờ đợi, trong khi trung bình mỗi ngày phải chịu các chi phí gần 200 triệu đồng cho công tác an ninh, bảo vệ, đặc biệt là duy trì lực lượng nhân sự cho dự án", ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Trungnam Group, cho biết.
Dự án BT chống ngập do triều cường được Thủ tướng Chính phủ ban hành nghị quyết riêng, chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc nhưng hiện vẫn đang tiếp tục trạng thái… chờ, tạm dừng thi công. |
Không để Nhà nước và người dân chịu thiệt
“Qua theo dõi kỳ hợp thứ nhất Quốc hội Khoá XV vừa qua, tôi thấy KTNN có báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2020 chỉ ra nhiều hạn chế, sai sót trong quá trình đầu tư, công tác quản lý dự án đầu tư theo hình thức BT. Chỉ mới soi tại 10 dự án, KTNN kiến nghị xử lý tài chính lên tới gần 1.802 tỷ đồng. Đáng lưu ý là dự án đầu tư xây dựng đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ), tỷ lệ xử lý lên đến trên 49% giá trị được kiểm toán, gần 843 tỷ đồng”, TS Trần Khắc Tâm cho biết.
Tại dự án vừa kể, KTNN phát hiện NĐT góp vốn không đủ, chỉ 165/608 tỷ đồng (hơn 27%); dự án mới bố trí 2.429/6.076 tỷ đồng, còn thiếu đến 3.647 tỷ đồng. “Thật khó hiểu khi Hà Nội cho dừng không thi công 21,5km đường còn lại (tương đương 2.448 tỷ đồng) nhưng không nêu lý do, thời gian và phương án xử lý. Một dự án quy mô như vậy mà địa phương không có kế hoạch chi tiết giám sát dự án, thiếu sự kiểm tra việc góp vốn, huy động vốn của NĐT; việc ký phụ lục hợp đồng BT chưa phù hợp thẩm quyền”, TS Trần Khắc Tâm lo ngại.
Thực tế, trước khi Quốc hội Khoá XIV ấn nút để thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), đồng thời “khai tử” hình thức hợp đồng BT, từ thực tế thực hiện hợp đồng BT, đã có quá nhiều sai phạm, thiếu sót, tồn tại, kể cả các lỗ hổng “chết người”,… được chỉ ra. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu không sớm “khai tử” hình thức này, nguy cơ gây thất thoát ngân sách lại tiếp tục. Sự lỏng lẻo của pháp luật đối với hình thức BT đã làm tăng thêm sự phức tạp trên lĩnh vực đất đai. TS Trần Khắc Tâm nói, thực chất, khi xem xét thấu đáo câu chuyện BT, ông không thấy rõ yếu tố “hợp tác” theo đúng nghĩa tích cực mà ngược lại, rất dễ làm phát sinh cho những cái “bắt tay”, đẻ ra các DN “sân sau” của nhóm lợi ích.
Điều cần lưu ý hiện nay đó là việc không áp dụng hình thức hợp đồng BT không có nghĩa là những bất cập, hệ lụy đã và đang tồn tại sẽ được xử lý rốt ráo. Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư có hiệu lực từ 1/1/2021, nên từ nay đến hết 2021, các địa phương phải sớm thanh toán quỹ đất hoàn vốn cho các dự án BT được ký trước ngày 1/1/2018 (theo quy định tại Nghị định số 69/2019/NĐ-CP), giúp NĐT được giải ngân vốn, tiếp tục thi công. Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ ngày 1/7, nhấn mạnh yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương chủ động, nỗ lực giải quyết các nhiệm vụ tồn đọng, kéo dài theo tinh thần “làm việc nào dứt điểm việc đó”, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhắc tới một số dự án, trong đó có dự án chống ngập do triều tại TP Hồ Chí Minh…
“Tôi được biết, bên cạnh việc xem xét chuyển đổi các dự án BT đã có chủ trương nhưng chưa giao NĐT sang hình thức đầu tư phù hợp, các địa phương nhất là những nơi có nhiều dự án BT như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng như rất nhiều DN hiện đang rất trông chờ một quy định, hướng dẫn chung để xử lý đồng loạt các dự án BT đang dang dở. Việc giải quyết các vấn đề liên quan đến dự án BT ngay lúc này một cách khẩn trương, thấu đáo, đúng pháp luật,… cũng là giải pháp tốt nhất để kéo giảm đến mức thấp nhất thiệt đơn, thiệt kép nhất là trong tình hình đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến đặc biệt phức tạp như hiện nay”, TS Trần Khắc Tâm nêu quan điểm.
Quan tâm đến giải quyết các phát sinh liên quan đến hợp đồng BT, luật sư Phan Đình Hưng, Đoàn luật sư TP Cần Thơ cho biết, khi giải quyết các tranh chấp, cả cơ quan Nhà nước và nhà đầu tư BT đều phải tôn trọng các nội dung mà hai bên tự giác, tự nguyện thỏa thuận trong hợp đồng BT trước đó. “Nguyên tắc pháp luật sẽ không hồi tố, tức quy định mới sẽ không có hiệu lực… ngược đối các giao dịch đã hoàn tất. Tuy nhiên, nếu như phát hiện có sai phạm và thiệt hại tài sản ngân sách Nhà nước khi lập và triển khai dự án BT, tức có hành vi vi phạm pháp luật thì cần xem lỗi, trách nhiệm thuộc về ai. Căn cứ vào đó mà nghĩ đến khả năng hợp đồng có thể được Tòa án tuyên vô hiệu một phần hoặc toàn bộ. Một khi hợp đồng vô hiệu, chắc chắn phát sinh trách nhiệm bồi thường vật chất của bên có lỗi. Nếu lỗi thuộc cơ quan nhà nước, cần cá thể hóa và xem xét trách nhiệm (cả hành chính lẫn hình sự) người đứng đầu”,luật sư Phan Đình Hưng chia sẻ. |
(Theo Công An Nhân Dân)