Gia Lâm là huyện nằm ở phía đông của thủ đô Hà Nội. Huyện có diện tích 116,71 km2. Dân số 286.000 người. Trong giai đoạn 2015-2020, Gia Lâm đã có bước phát triển vượt bậc khi giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu thuộc huyện quản lý tăng bình quân hàng năm 11,52% , cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch mạnh theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, công nghiệp - xây dựng tăng, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp - thủy sản giảm mạnh. từ 13,2% xuống còn 8% năm 2020. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 62,5 triệu đồng/người/năm - tăng 29,3 triệu đồng/người/năm so với năm 2015.
Trong năm 2021, dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, các ngành kinh tế chủ yếu do huyện quản lý vẫn tăng trưởng ở mức 4,61%. Đến nay, Gia Lâm đã đạt 26/27 tiêu chí để lên quận, chỉ còn thiếu tiêu chí về số giường bệnh bình quân trên một nghìn dân. Tuy nhiên, có bệnh viện quốc tế quy mô 1000 giường đang sắp hoàn thành. Khi bệnh viện này được đưa vào sử dụng, huyện này sẽ đạt đủ tiêu chí.
Vì thế, Hà Nội đang dồn lực để Gia Lâm là một trong 2 huyện lên quận sớm, có thể trong năm 2022 hoặc 2023.
Hiện huyện Gia Lâm có nhiều khu đô thị lớn, tiêu biểu là Vinhome Ocean Park có diện tích 420 ha, bằng 80% diện tích quận Hoàn Kiếm. Nơi đây có hàng chục nghìn căn hộ với các trung tâm thương mại, khu văn phòng, sân thể thao...
Trong khu đô thị có hệ thống trường liên cấp từ mầm non đến đại học quốc tế. Trong ảnh là trường đại học Quốc tế được xây dựng trên khu đất rộng 23 ha, với kinh phí lên đến 6.500 tỷ đồng. Trường được cam kết có chất lượng đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế và có mức học phí lên tới 800 triệu đồng mỗi năm.
Điểm nhấn của siêu đô thị là biển nhân tạo rộng 6,1 ha với cát tự nhiên được vận chuyển từ Nha Trang cùng hàng nghìn cây dừa xanh mát.
Diện mạo lột xác của huyện ngoại thành Hà Nội sắp lên quận. Video: Thiên Sơn
Trước đó, huyện Gia Lâm đã có những khu đô thị lớn như khu đô thị Đặng Xá, diện tích 30,6 ha và đã được đưa vào sử dụng từ năm 2013.
Hiện nay, huyện Gia Lâm đang sôi động với nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, khu đô thị để đáp ứng nhu cầu nhà ở ngày càng cao của một quận tương lai. Trong ảnh là dự án Blue Star ở thị trấn Trâu Quỳ, có quy mô hơn 8.000 m2.
Cùng với việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng tỷ trọng công nghiệp- xây dựng, các khu công nghiệp ngày càng được phát triển ở Gia Lâm. Trong ảnh là khu công nghiệp Phú Thị với quy mô hơn 32 ha.
Gia Lâm còn có làng gốm Bát Tràng, hình thành từ khi vua Lý Công Uẩn rời đô ra Thăng Long. Đã 1000 năm trôi qua, lò gốm nơi đây chưa bao giờ ngừng đỏ lửa. Ngày nay,, bên cạnh sản xuất gốm, làng Bát Tràng còn phát triển du lịch, trải nghiệm.
Hiện huyện Gia Lâm còn khoảng 8% tỷ trọng kinh tế đến từ nông nghiệp. Năm 2021, toàn huyện có 2248 ha sản xuất rau, quả (trong đó diện tích cây ăn quả là 1682 ha, diện tích sản xuất rau 565 ha). Bình quân hàng năm huyện Gia Lâm đưa ra thị trường bình quân 69.000 tấn rau và 65.000 tấn quả. Một số sản phẩm đã được bảo hộ nhãn hiệu tập thể và có thương hiệu trên thị trường như ổi Đông Dư, cam Báo Đáp, chuối Kim Sơn.
UBND huyện Gia Lâm khuyến khích thanh niên tham gia làm du lịch, chuyển đổi cơ cấu cây trồng ứng dụng công nghệ cao và có kênh hỗ trợ về vốn để thanh niên tha gia phát triển kinh tế; đẩy mạnh phát triển du lịch, tận dụng ưu thế của địa phương. Trong ảnh là cánh đồng hoa cải ở Trâu Quỳ được người dân trồng thu phí chụp ảnh. Việc này mang lại nguồn thu gấp nhiều lần so với bán hạt giống.
Với lợi thế có quốc lộ 5 và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chạy qua, huyện Gia Lâm đã đầu tư nhiều tuyến đường kết nối để thúc đẩy giao thông thuận tiện, vận chuyển hàng hoá dễ dàng.
Cụ thể, trong giai đoạn 2015-2020, huyện Gia Lâm đầu tư 7.100 tỷ đồng xây dựng 80 km đường giao thông, cây xanh, hệ thống chiếu sáng. Đến cuối năm 2021, huyện đã đạt chỉ tiêu 10 km đường giao thông trên mỗi km2. Trong ảnh là đường Lý Thánh Tông mới được gắn biển đầu năm 2021. Con đường có kinh phí đầu tư 200 tỷ đồng, rộng 40 m với 6 làn xe.
Huyện Gia Lâm còn là nơi đặt nhiều trường đại học, học viện như học viện Nông nghiệp, học viện Toà án, đại học Công nghiệp Dệt may. Trong ảnh là khu nhà hiệu bộ của học viện Nông nghiệp.
Gia Lâm còn là vùng đất giàu truyền thống, là nơi sinh ra của Thánh Gióng, nơi ở thủa hàn vi của Chử Đồng Tử. Trong ảnh là bức tượng Nguyên phi Ỷ Lan ở Dương Xá, Gia Lâm.