Huyện Đông Anh thành lập năm 1876 trên cơ sở làng xã thuộc các huyện: Đông Ngàn (phủ Từ Sơn), Kim Anh (phủ Bắc Hà) của tỉnh Bắc Ninh, Yên Lãng (phủ Tam Đới, tỉnh Sơn Tây). Hiện huyện nằm ở phía bắc Thủ đô Hà Nội.
Huyện Đông Anh rộng gần 186 km2 và có dân số là 406 nghìn người (số liệu năm 2019). Trong giai đoạn 2015-2020, huyện Đông Anh có tốc độ tăng trưởng bình quân lên tới 10,2% vượt 1,7% so với chỉ tiêu đề ra (8,5%) và cao hơn mức tăng trưởng bình quân của thành phố (7,37%). Năm 2020, dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, huyện Đông Anh vẫn tăng trưởng 7,6%.
Tỷ trọng của nhóm ngành công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ chiếm đến gần 99% và vẫn đang tăng trưởng tốt. Trong các huyện ngoại thành thì chỉ có Đông Anh và Gia Lâm dư trong cân đối thu chi ngân sách. Vì thế, Đông Anh là một trong 2 huyện được thủ đô Hà Nội tập trung đưa lên quận trước.
Bên cạnh đó, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy đã "bật mí" những định hướng lớn trong việc điều chỉnh tổng thể quy hoạch xây dựng Thủ đô. Trong đó đáng chú ý là việc Hà Nội sẽ nghiên cứu khả năng phát triển mô hình "Thành phố trong thành phố" tại khu vực phía Bắc (gồm các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn). Việc xây dựng thành phố mới tạo cơ chế cho chính quyền linh hoạt trong việc kêu gọi đầu tư phát triển đô thị nhờ tính độc lập tương đối so với đô thị trung tâm; giảm áp lực về việc phải đảm bảo trong thời gian ngắn đáp ứng các tiêu chí đối với đô thị đặc biệt.
Phương án này được nhiều chuyên gia đồng tình vì đó là nhu cầu phát triển tất yếu, giúp giảm áp lực giao thông, ô nhiễm môi trường, giáo dục, y tế cho thành phố trung tâm. Tuy nhiên, phương án này cũng có bất lợi khiến cho vùng lõi thủ đô thiếu trung tâm tài chính, triển lãm và đặc biệt là không còn trực tiếp quản lý sân bay Nội Bài.
Dù thực hiện theo phương án trở thành quận hay thành phố thì huyện Đông Anh chắc chắn cũng sẽ có nhiều thay đổi tích cực. Hiện Đông Anh đang tập trung hoàn thiện các tiêu chí còn thiếu để lên quận trước năm 2025. Tại thị trấn Đông Anh hiện tại, công tác xây dựng hạ tầng đang được thực hiện khẩn trương. Trong các công trình mới, tiêu biểu nhất là khu cây xanh thể dục thể thao huyện Đông Anh. Dự án được xây dựng trên ô đất có diện tích khoảng 33ha với tổng mức đầu tư là 672 tỷ đồng.
Dự án gồm nhiều hạng mục chính như: Nhà thi đấu đa năng, cung thể thao dưới nước, bến thuyền, quảng trường trung tâm, các tuyến giao thông kết nối... Trong đó, hạng mục Nhà thi đấu đa năng sức chứa 2.650 chỗ ngồi với chi phí đầu tư 270 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong tháng 12/2021.
Khi đưa vào sử dụng, công trình có thể đáp ứng nhu cầu tổ chức các sự kiện thể thao của SEA Games 31 và các môn thể thao trong nhà mang tầm quốc gia.
Bên cạnh nhà thi đấu đa năng là trường chính trị huyện Đông Anh được khánh thành tháng 1/2020. Trường có tổng diện tích 3.479m2 với tổng mức đầu tư: 44,9 tỷ đồng.
Tại trung tâm thị trấn Đông Anh có nhiều khách sạn, nhà hàng, trung tâm tiệc cưới, siêu thị khiến cuộc sống nơi đây ngày càng trở nên sôi động.
Huyện Đông Anh có nhiều dự án quy mô lớn. Trong đó tiêu biểu nhất là "siêu dự án" Thành phố thông minh (Smart city Đông Anh) rộng 272 ha nằm trên địa bàn xã Vĩnh Ngọc, Hải Bối, Kim Nỗ, thị trấn Đông Anh. Dự án có tổng vốn đầu tư lên tới 93.000 tỷ đồng được khởi công từ tháng 10/2019. Khi hoàn thành, nơi đây sẽ là khu văn phòng, căn hộ cao cấp, trung tâm thương mại, tài chính với điểm nhấn là tháp Phương Trạch cao 108 tầng. Nó sẽ làm biến đổi hoàn toàn bộ mặt của trục đường Võ Nguyên Giáp. Đồ hoạ: Tuệ Nhật.
Hiện huyện Đông Anh cũng xây dựng nhiều dự án hạ tầng, làm tăng tỷ lệ đường xá trên 10 km2 để sớm đạt tiêu chí trở thành quận. Nhiều con đường hiện có cũng được trồng cây xanh, trải thảm cỏ đẹp mắt.
Hiện huyện Đông Anh kết nối khá tốt với nội thành Hà Nội qua 3 cây cầu lớn là Nhật Tân, Thăng Long, Đông Trù.
Huyện Đông Anh cũng chú trọng phát triển công nghiệp. Bên cạnh khu công nghiệp Thăng Long, huyện đang xây dựng thêm 3 khu công nghiệp mới là Liên Hà 2, Dục Tú, Thuỵ Lâm.
Đông Anh còn là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hoá. Nơi đây có di tích thành Cổ Loa, nơi đây là kinh đô của nhà nước Âu Lạc dưới thời An Dương Vương.
Đây là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Tại đây, các nhà khoa học đã khai quật được nhiều mộ cổ, hàng vạn mũi tên đồng, khuôn đúc mũi tên, rìu lưỡi xéo bằng đồng, trống đồng và thậm chí cả ngói ống bằng gốm