Thoạt nghe chắc hẳn nhiều người sẽ không tin loài cá nổi tiếng, thường sống ở các bờ biển Bắc của châu Âu và châu Mỹ, lại có thể sinh tồn ở một thị xã vùng cao với địa hình nhiều núi như ở Sa Pa (Lào Cai).
Về nguyên lý, cá hồi sống trong môi trường "nước động", nhiệt độ thấp, thường tự chết sau khi ngược dòng để đẻ trứng, nên sự có mặt của loài cá này ở Sa Pa khiến du khách không khỏi ngạc nhiên.
Loại cá được nuôi tại Sa Pa chủ yếu là cá hồi vân. Dù được nuôi ở nhiều nơi nhưng để mục sở thị cảnh nuôi cá hồi, khách du lịch thường chọn khu Thác Bạc, bởi nơi đây gần điểm du lịch và nằm ngay dưới chân Fansipan nên rất tiện để dừng chân tham quan và thưởng thức món cá hồi tươi sống này.
Ở độ cao hơn 1.800 m so với mực nước biển, vùng nuôi cá hồi ở Thác Bạc có 3 khu riêng biệt, mỗi khu nuôi một thế hệ cá hồi khác nhau. Khu thứ nhất là nơi ươm và ấp trứng với 12 bể con đường kính 2-5 m và hai bể to dung tích 60 m3. Khu thứ hai là nơi nuôi cá trưởng thành, gồm 3 bể lớn. Khu thứ ba là nơi nuôi cá hồi chuẩn bị xuất chuồng với 5 bể dung tích 250 m3.
Ngoài ra, ở đây còn gần 1.000 m đường ống dẫn nước từ Thác Bạc về để đảm bảo nuôi sống cá hồi trong môi trường nước lạnh.
Với khí hậu quanh năm mát mẻ, chất lượng và màu sắc của cá hồi Sa Pa không thua kém so với bất cứ loại cá hồi nào được nhập khẩu vào Việt Nam.
Chị Mai chia sẻ: “Tôi cùng bạn từ Cần Thơ ra Sa Pa du lịch, được biết Sa Pa nổi tiếng với món cá hồi tươi sống nên sau khi tham quan đỉnh Fansipan xong tôi tới địa điểm du lịch Thác Bạc và tham quan, thưởng thức món cá hồi tươi sống này, thực sự chất lượng rất tuyệt vời”.
Gần như nhà hàng nào ở Sapa cũng có món cá hồi, không quá khó để chọn được nơi du khách tận mắt chứng kiến khâu đánh bắt tại bể và chế biến cá hồi thành các món ăn.
Cá có thịt chắc, thớ săn, không có mỡ, màu hồng tươi, mềm và béo ngọt rất thích hợp để chế biến thành nhiều món khác nhau như sashimi, chiên xù, hấp, nấu cari..., nhưng nổi bật nhất là các món lẩu cá hồi, gỏi cá hồi, cá hồi nướng…
Nếu du khách có nhu cầu mua về và phải vận chuyển đường dài, cá hồi sau khi sơ chế sẽ được xử lý hút chân không, ướp đá bảo đảm đúng quy trình bảo quản thực phẩm.
Theo tìm hiểu của phóng viên Dân Việt, trước kia bà con người dân tộc Mông, Dao cũng thử mang giống cá hồi này về bản nuôi, tuy nhiên do đặc điểm môi trường sống ở bản không được thuận lợi như khu vực Thác Bạc nên cá hồi không thể lớn.
Trước đó, dự án nuôi cá hồi Sa Pa khởi động từ năm 2005. Năm 2006, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1 thông báo: dự án nuôi cá hồi tại Việt Nam đã thành công. Những con cá được nuôi trong nguồn nước lấy từ đỉnh những ngọn núi cao nhất Việt Nam.