Tuyên bố của Bộ trưởng Y tế Anh
Vừa qua, ông Patrick Vallance, trưởng cố vấn khoa học của Chính phủ Anh (GCSA), đưa ra đã đưa ra bình luận, cho rằng "một trong những điều then chốt cần làm là tạo ra miễn dịch cộng đồng để ngày càng nhiều người miễn dịch với COVID-19 và giảm được sự lây nhiễm".
Tuy nhiên, ngày hôm qua (15/3), Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock đã nhấn mạnh rằng đạt được miễn dịch cộng đồng không phải là chính sách của nước này. Thay vào đó, ông cho biết trong những tuần tới, các công dân trên 70 tuổi sẽ phải tự cách ly.
Tuy nhiên, việc này vẫn không tuân theo hướng dẫn của WHO về việc khuyến nghị tất cả mọi người - bất kể độ tuổi - nên thực hiện giữ khoảng cách trong cộng đồng.
"Chúng tôi sẽ lắng nghe ý kiến của tất cả các nhà khoa học uy tín và sẽ xem xét tất cả các bằng chứng. Miễn dịch cộng đồng không phải là mục tiêu hay chính sách của Anh, đó chỉ là một khái niệm khoa học."
Nước Anh đang bị nhiều chuyên gia hoài nghi về việc thực hiện các biện pháp giữ khoảng cách trong cộng đồng. Trong một cuộc họp báo mới đây, các quan chức chính phủ nước này - bao gồm Thủ tướng Anh Boris Johnson - chưa đưa ra quyết định về việc liệu các sự kiện đông người - bao gồm các trận đá bóng có bị hủy bỏ để chống dịch hay không.
Cũng như nhiều quốc gia khác, virus corona đang trở thành vấn đề lớn tại Anh. Hiện tại, tính tới ngày 15/3, hơn 1.100 người đã dương tính với virus và 21 người đã tử vong.
Chính phủ Anh đang đối diện với áp lực ngày càng lớn trong việc tuyên bố một chiến lược rõ ràng và nhất quán hơn trong việc đối phó với dịch bệnh.
Cuộc tranh cãi về miễn dịch cộng đồng
Vấn đề về miễn dịch cộng đồng được đưa ra với quan điểm cho rằng loại miễn dịch này sẽ giúp giảm nguy cơ dịch bùng phát trở lại, tương tự như điều đã xảy ra sau đợt cúm Tây Ban Nha lần thứ 2 vào năm 1918.
Trong viễn cảnh miễn dịch cộng đồng diễn ra thành công, dân số của cả quốc gia sẽ đều bị nhiễm virus, khỏi bệnh, có miễn dịch với nó và căn bệnh không thể quay trở lại trong tương lai.
Theo ông Vallance, để miễn dịch cộng đồng có hiệu quả, virus cần phải lây tới 60% dân số của Anh.
Với 66 triệu người Anh tại khắp các vùng, bao gồm Scotland, Wales và Bắc Ireland, chiến lược này có thể khiến tới 40 triệu người nhiễm bệnh. Với tỉ lệ tử vong - được ước tính là 1% trên toàn cầu - số lượng người sẽ tử vong để đạt được miễn dịch cộng đồng sẽ là từ 300.000 tới hơn 1 triệu người, và đây mới chỉ là con số thấp nhất theo dự kiến.
Thủ tướng Anh Boris Johnson (giữa) và ông Patrick Vallance (phải). Ảnh: Simon Dawson/POOL/AFP
Lời tuyên bố của ông Vallance đã khiến hơn 200 nhà khoa học và chuyên gia y tế phản ứng dữ dội. Những nhà khoa học này khẳng định miễn dịch cộng đồng không phải là giải pháp hợp lí bởi nó sẽ khiến hệ thống y tế nước này bị quá tải. Thay vào đó, họ kêu gọi thực hiện các biện pháp giữ khoảng cách trong cộng đồng chặt chẽ hơn những gì chính phủ đang khuyến nghị.
Các nhà khoa học nói trên - bao gồm chuyên gia sinh học, bác sĩ, nhà nghiên cứu gen - cho rằng tỉ lệ lây nhiễm ở Anh đang mô phỏng một số nước châu Âu với số lượng ca tăng đột biến trong những ngày gần đây. Nếu chính phủ Anh không nhanh chóng can thiệp và đưa ra biện pháp chặt chẽ, dịch bệnh "chắc chắn sẽ ảnh hưởng hàng triệu người trong những tuần tới".
"Việc nhiều người bị lây nhiễm sẽ khiến hệ thống y tế quá tải vì không thể chữa trị được cho những bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt. Số giường bệnh tại Anh không nhiều hơn các quốc gia láng giềng với dân số tương tự," nhóm các nhà khoa học viết.
Anh đang có phản ứng khá "mờ nhạt" so với các quốc gia khác có cùng mức độ lây nhiễm bệnh.
Tại Pháp, nơi có gần 4.500 ca nhiễm bệnh, tất cả các quán cafe, quán bar, nhà hàng cũng như các địa điểm đông người như hộp đêm, rạp phim đều đã được yêu cầu đóng cửa.
Tây Ban Nha, quốc gia với hơn 6.300 trường hợp xác nhận dương tính với COVID-19, đã áp dụng phong tỏa cả nước, người dân chỉ được phép rời nhà để mua thực phẩm, đi làm, chăm sóc những người bệnh hoặc đi khám bệnh.
Israel đã yêu cầu đóng cửa một phần các trung tâm mua sắm và nhà hàng. Australia và New Zealand đã yêu cầu bất kì ai nhập cảnh - bắt đầu từ đêm ngày 15/3 - sẽ phải tự cách ly trong vòng 14 ngày.
Trong khi đó, mới đây 60.000 người vẫn tập trung tại một cuộc đua ngựa ở Cheltenham ở tây nam nước Anh. Chưa có lệnh cấm chính thức nào trên toàn quốc đối với các hoạt động tập trung đông người mặc dù một số tổ chức đã tự hủy các sự kiện để phòng dịch. Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết đã kí văn bản thông qua lệnh cấm tập trung đông người vào tuần này, đồng nghĩa với việc tình hình tại Anh có thể sẽ giống các nước láng giềng trong thời gian tới.
Sự kiện marathon được tổ chức tại Anh với hơn 6.000 người tham gia ngày 15/3. Ảnh: Ben Birchall/PA Images