Theo PGS-TS Trần Đình Thiên - thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - Đắk Lắk có nhiều tiềm năng phát triển nhưng chưa phát triển đúng tầm. Là thủ phủ của Tây Nguyên nhưng GDP/người năm 2018 của người dân Đắk Lắk mới đạt 41,1 triệu đồng/người trong khi mức trung bình cả nước là 58,5 triệu đồng/người. "Về định hướng chung, Đắk Lắk cần từ bỏ cách tiếp cận lấy tài nguyên thiên nhiên làm động lực chính, coi khai thác tài nguyên thô làm phương thức chủ đạo của tăng trưởng. Chấm dứt triệt để xu hướng "tăng diện tích canh tác, diện tích gieo trồng" và coi đây là một thành tích. Ngược lại, phải có chế tài nghiêm khắc đối với hành vi phá rừng làm đất canh tác" - ông Thiên nhấn mạnh.
Đại diện UBND tỉnh Đắk Lắk và các bộ, ngành trung ương ký kết ghi nhớ đầu tư
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đánh giá hội nghị là cơ hội quý để nhìn lại tình hình, cơ hội, thách thức để Đắk Lắk tăng cường phát triển đầu tư. "Đắk Lắk cần thay đổi tư duy, tầm nhìn mới, nhiệt huyết vươn lên phải lan tỏa từ chính quyền đến đồng bào… không thể để tụt hậu so với cả nước. Song song đó là phát triển các tiềm năng lớn về điều kiện tự nhiên, văn hóa, lịch sử, con người...; khẳng định lại Đắk Lắk với tâm thế là điểm đến "Thủ phủ cà phê" của cả nước cũng như thế giới..." - Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Tại hội nghị, ông Eban Y Phu, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, đã trao quyết định chấp thuận đầu tư và biên bản ghi nhớ đầu tư cho 27 doanh nghiệp với tổng số tiền 71.900 tỉ đồng. Công ty Cổ phần Đầu tư TNG Holdings Việt Nam đã ký kết hợp tác vào tỉnh Đắk Lắk với tổng giá trị đầu tư dự kiến hơn 1.700 tỉ đồng vào lĩnh vực phát triển du lịch.