Chánh Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ký ban hành văn bản số 12910/UBND-KGVX đính chính 4 lỗi chính tả tại văn bản số 12143/UBND-KGVX ngày 27/11/2018 về việc tăng cường công tác quản lý các dự án đầu tư ngoài ngân sách lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh.
Tại văn bản này, UBND tỉnh Khánh Hòa thừa nhận do sơ suất trong quá trình soạn thảo nên văn bản được ban hành trước đó có một số lỗi chính tả và xin đính chính nhiều nội dung.
“Tại trang 1, dòng thứ 9 (từ trên xuống): Bỏ cụm từ "xây dựng"; Tại trang 2, dòng thứ 7 (từ trên xuống): Sửa cụm từ "điều chình dự án" thành "điều chỉnh dự án"; Tại trang 2, dòng thứ 14 (từ dưới lên): Sửa cụm từ "chuyên chuyên" thành "chuyên môn"; Tại trang 2, dòng thứ 12 (từ dưới lên): Sửa cụm từ "cổ động sáng lập" thành "cổ đông sáng lập", văn bản đính chính của UBND tỉnh Khánh Hòa nêu rõ.
ban hành trước đó.
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh ký ban hành văn bản số 12143/UBND-KGVX nhằm “siết” chặt việc các doanh nghiệp chuyển nhượng dự án BĐS du lịch trên địa bàn. Trong đó có hoạt động về thay đổi đăng ký kinh doanh, tăng vốn cổ đông, thay đổi thành viên góp vốn, đều bị tạm dừng.
Điều đáng nói, văn bản này được UBND tỉnh Khánh Hòa đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh này. Thế nhưng, nhiều người cho rằng, một văn bản chỉ đạo được nhiều cơ quan chuyên môn tham mưu nghiên cứu kỹ trước khi trình lãnh đạo ký và đóng dấu lại xuất hiện nhiều lỗi chính tả là khó chấp nhận.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp (DN) cho rằng văn bản này cứng nhắc không sát với thực tế hoạt động của DN. Trong đó, có việc khi DN sẵn sàng rót vốn khai thông dự án chậm triển khai thì chính quyền tỉnh Khánh Hòa lại siết chặt là không hợp lý.
Tại buổi đối thoại mới đây, đại diện Tập đoàn Crystal Bay-DN trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng cho hay, vài năm trước, DN đã đầu tư vào một số dự án du lịch thông qua hình thức mua lại phần vốn góp của chủ sở hữu như dự án của công ty TNHH Trầm Hương, dự án khu du lịch Riviera Resort ở Bãi Dài, mua lại phần góp vốn công ty Nam Hùng Cam Ranh.
Theo DN này đó cũng là các dự án bị chậm tiến độ đầu tư. Các cơ quan chức năng cũng đã thanh tra, kiểm tra, phạt chậm tiến độ. Chúng tôi nộp phạt và đến nay, đã và đang triển khai thành công các dự án này. Thế nhưng, bây giờ câu chuyện lại hoàn toàn khác. Chẳng hạn, mới đây mua lại các dự án ở khu vực núi Cô Tiên khi DN kiểm tra, đối chiếu với định hướng quy hoạch của tỉnh thì thấy phù hợp. Thế nhưng, khi hồ sơ thiết kế cơ sở… của các dự án này gửi lên Sở Xây dựng lại đều bị trả về, không xem xét. Lý do được Sở này đưa ra là do các dự án trễ thời hạn đầu tư.
Văn bản mà UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành trước đó.
“Chúng tôi là DN bỏ tiền ra đầu tư, tỉnh nên thông qua chính sách chung thống nhất để giải phóng môi trường đầu tư, không để bị đình trệ, gián đoạn. Những DN đã được cơ cấu lại, tăng vốn, có vốn mới mà chứng minh được năng lực triển khai dự án thì cho phép được nộp phạt và triển khai tiếp”, DN kiến nghị.
Lý giải văn bản số 12143/UBND-KGVX của Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa mà một số DN cho rằng cứng nhắc, đại diện Sở KH&ĐT tỉnh này cho biết, công văn trên là chỉ đạo điều hành bình thường của UBND tỉnh. “Việc kiểm tra, lấy ý kiến các ngành liên quan đối với các dự án chậm tiến độ, vi phạm hoặc đang bị xử lý vi phạm quy định đầu tư, chứ tỉnh không đưa ra bất cứ quy định nào để cho rằng hạn chế quyền của DN hay cấm DN ”, vị cán bộ lý giải.
Về vấn đề này, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường trả lời báo chí cho rằng, việc tăng cường kiểm soát chuyển nhượng các dự án BĐS du lịch là cần thiết, nhưng phải phù hợp với đời sống kinh doanh và không nên cứng nhắc làm cho hoạt động đầu tư du lịch ở các địa phương bị ngưng trệ.