UBND tỉnh Khánh Hoà yêu cầu Ban Quản lý Dự án 85 và Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh khẩn trương quay phim toàn bộ hiện trạng đất đai, nhà cửa tại các địa bàn dự kiến làm đường bộ cao tốc để thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng trong thời gian tới;
Đồng thời tỉnh cũng yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố (Diên Khánh, Cam Lâm, Cam Ranh) có dự án đi qua giám sát thực tế, giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất, không cho phép người dân xây dựng các công trình trên tuyến.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, việc bàn giao mặt bằng cần có sự thỏa thuận của các ban quản lý dự án với địa phương.
Theo báo cáo của các đơn vị có liên quan, hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ cho dự án để phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi.
Đối với đoạn tuyến Nha Trang - Cam Lâm thuộc dự án, dự kiến sẽ thu hồi khoảng 188 ha đất với 205 hộ bị ảnh hưởng. Tổng chi phí giải phóng mặt bằng đoạn tuyến này hơn 418 tỷ đồng. Đoạn tuyến Cam Lâm - Vĩnh Hảo dự kiến thu hồi khoảng 235,5 ha đất, chi phí giải phóng mặt bằng gần 400 tỷ đồng.
Đến nay, đơn vị tư vấn đã hoàn thành hồ sơ thiết kế 6 làn xe và thiết kế cơ sở 4 làn xe đối với toàn bộ dự án. Trước đó, Bộ GTVT đề nghị tỉnh Khánh Hòa rà soát, quản lý quy hoạch và hiện trạng liên quan tuyến đường cao tốc, tránh phát sinh các vấn đề phức tạp trong quá trình thực hiện; đảm bảo cung ứng đủ vật liệu đáp ứng theo tiến độ triển khai dự án…
Theo đó, Dự án xây dựng đường bộ cao tốc đoạn Nha Trang – Cam Lâm có điểm đầu tại Km0 (Km12 + 700/DDT2), giao đường tỉnh số 2 và cũng là điểm cuối (theo quy hoạch) đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông, đoạn Quy Nhơn – Nha Trang, thuộc xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Điểm cuối của tuyến sẽ là Km29, trùng với điểm đầu Dự án Cam Lâm – Vĩnh Hảo, thuộc địa phận xã Cam Hiệp Bắc, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.
Dự án cao tốc đoạn Nha Trang – Cam Lâm đi qua 2 huyện Diên Khánh và Cam Lâm tỉnh Khánh Hòa có chiều dài 29km, quy mô 6 làn xe và tốc độ 120 km/giờ. Trong giai đoạn 1, nhà đầu tư sẽ triển khai xây dựng 4 làn xe, rộng 17m đồng thời sẽ triển khai giải phóng mặt bằng và cắm mốc 6 làn xe để khi có nhà đầu tư triển khai giai đoạn 2 chỉ việc bàn giao đất sạch. Dự án dự kiến khởi công vào năm 2019 và cơ bản hoàn thành vào năm 2021.
Được biết, theo đề xuất của đơn vị tư vấn lập dự án là liên danh Công ty Cổ phần Tư vấn Trường Sơn và Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng giao thông 8, dự án có tổng mức đầu tư là 4.059 tỷ đồng. Trong đó nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là 3.219 tỷ đồng, vốn đầu tư BOT là 774,5 tỷ đồng. Đáng chú ý, với chi phí xây dựng khoảng 2.203 tỷ đồng thì suất đầu tư bình quân dự án rơi vào khoảng 76 tỷ đồng/km.
Về phương án hoàn vốn, với mức giá dịch vụ là 1.500 đồng/km/PCU, nhà đầu tư có thể hoàn vốn trong vòng 23,8 năm.