Theo khảo sát nhanh của Tổng cục Thống kê, dịch Covid-19 tác động mạnh tới hoạt động của các doanh nghiệp làm cho 33,4% doanh nghiệp tham gia khảo sát phải thực hiện các biện pháp cắt giảm lao động 9 tháng năm 2020 so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến đến cuối năm 2020, tỷ lệ doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp cắt giảm lao động so với cùng kỳ năm trước là 36,4%.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa là những nhóm phải cắt giảm lao động nhiều nhất, với lao động bình quân 9 tháng giảm khoảng 10,0% so với cùng kỳ năm trước; trong khi đó, tỷ lệ cắt giảm lao động của nhóm doanh nghiệp lớn ở mức 4,5%.
Tính chung 9 tháng năm 2020, những ngành có số lao động sụt giảm đáng kể như: ngành vận tải hàng không và ngành du lịch giảm 14,1%.
Trong số lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp được khảo sát tính đến thời điểm 10/9/2020, có 7,8% lao động bị giảm lương, 5,0% lao động giãn việc/nghỉ luân phiên và 2,4% lao động tạm nghỉ việc. Tỷ lệ lao động bị giảm lương trong các doanh nghiệp thuộc ngành vận tải hàng không là cao nhất, 99,5%; ngành du lịch là 43,2%; ngành dịch vụ lưu trú là 27,8%.
Trong số các doanh nghiệp tham gia khảo sát, 66,6% doanh nghiệp đã và đang áp dụng các giải pháp để ứng phó với tác động của dịch Covid-19. Trong đó, giải pháp đào tạo nâng cao trình độ người lao động đã được 25,8% doanh nghiệp lựa chọn áp dụng, cao thứ hai chỉ sau giải pháp tìm thị trường tiêu thụ mới (41,4%).
Ngoài ra, khi được hỏi về các kỳ vọng đối với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ trong thời gian tới, khoảng 10% doanh nghiệp cho rằng "hỗ trợ về đào tạo nghề cho người lao động chuyển nghề do thay đổi hoặc mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19" là một trong ba giải pháp mà Chính phủ cần ưu tiên triển khai nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian tới.
Tính đến thời điểm khảo sát, tỷ lệ doanh nghiệp đã được nhận hỗ trợ trên tổng số doanh nghiệp tham gia khảo sát là 17,9%; trong đó, 4,0% doanh nghiệp nhận được các hỗ trợ liên quan đến chính sách lao động và bảo hiểm xã hội.
Từ đó, Tổng cục Thống kê khuyến nghị:
(1) Tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ, đảm bảo chi đúng đối tượng, kịp thời và hiệu quả. Tập trung hỗ trợ cho các nhóm lao động, bao gồm lao động phi chính thức và lao động chính thức trong các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh.
(2) Nghiên cứu để xây dựng các gói hỗ trợ đặc thù cho nhóm lao động yếu thế, bao gồm lao động nữ, lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật và lao động phi chính thức nhằm giúp họ tìm kiếm việc làm và đóng góp sức lao động trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.
(3) Đẩy nhanh việc thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để phục hồi hoạt động kinh tế của tất cả các ngành, đặc biệt là các ngành chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19. Trong đó, thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo cho người lao động tại các doanh nghiệp.