Chỉ số VN-Index có thể tăng lên 1.049 điểm vào cuối tháng 12, tương đương mức tăng 18% cho cả năm 2019, theo ước tính trung bình của 9 chuyên gia phân tích, nhà đầu tư và chiến lược gia tham gia khảo sát của Bloomberg News. Nhớ lại tháng 2/2018, giới quan sát thị trường cũng từng kỳ vọng chỉ số này sẽ tăng 23% cho cả năm ngoái, nhưng VN-Index lại chốt năm 2018 giảm 9,3%.
“Quan điểm của chúng tôi về triển vọng kinh tế và chứng khoán Việt Nam năm 2019 khá tích cực, với bối cảnh thị trường trong nước phát triển mạnh mẽ so với các quốc gia đang phát triển trong cùng khu vực”, ông Lawrence Brader, đồng quản lý danh mục đầu tư của Quỹ quản lý tài sản PXP Việt Nam (Quỹ này hiện quản lý 110 triệu USD tài sản tính đến tháng 11/2018).
“Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn khá rẻ so với một số đối thủ khác. Chúng tôi nhận thấy tiềm năng cả về giá trị và tăng trưởng ở một số lĩnh vực. Cơ hội để tăng nắm giữ cổ phần ở một mức giá vừa phải nhưng có triển vọng tăng trưởng thu nhập lớn là khá rõ ràng”, ông Brader nói.
Ông Brader dự đoán chỉ số VN-Index năm nay vượt kỷ lục của năm 2018 và có thể gấp đôi so với thời điểm hiện tại trong 3 – 5 năm tới. Vượt kỷ lục 1.204 điểm của năm 2018 đồng nghĩa VN-Index sẽ tăng hơn 35% trong năm nay.
Dự đoán về VN-Index của các tổ chức. Nguồn: Bloomberg.
Bloomberg cho biết giới phân tích lạc quan về chứng khoán Việt Nam bởi tăng trưởng kinh tế ổn định và định giá cổ phiếu vẫn rẻ. Tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam luôn đạt hơn 5%/năm kể từ năm 2000. Trong khi đó, P/E của VN-Index năm 2019 hiện vào khoảng 14, thấp hơn mức hơn 20 của tháng 4/2018.
Cũng theo giới phân tích, rủi ro của năm 2019 phần lớn sẽ đến từ bên ngoài, mà đặc biệt là cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm chạp và giá dầu phục hồi sẽ là hai rủi ro khác.
“Thế giới bên ngoài vẫn còn nhiều bất ổn. Chúng tôi dự đoán giới đầu tư trong và ngoài nước sẽ im ắng hơn. Họ sẽ tìm kiếm sự đa dạng; việc đầu tư vào cả chứng khoán và trái phiếu cũng không phải là một ý kiến tồi”, ông Michel Tosto, giám đốc phòng kinh doanh và môi giới tổ chức tại Công ty chứng khoán Viet Capital, cho biết.
Theo ông Tosto, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể giảm về 6,6% trong năm nay nhưng đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vẫn mạnh mẽ và tiền đồng sẽ tiếp tục vượt trội so với phần lớn đồng tiền ngang hàng.
Trong khi đó, ông Bernard Lapointe, giám đốc nghiên cứu tại Công ty chứng khoán Rồng Việt cho rằng: “Chỉ số VN-Index sẽ dao động hẹp trong khoảng 900 – 1.000 điểm. Tôi nghĩ có 70% cơ hội là như thế. Khả năng xuống thấp hơn hoặc lên cao hơn sẽ phụ thuộc vào rủi ro địa chính trị và kinh tế vĩ mô mà chúng ta đang hoặc có thể phải đối mặt trong tương lai.
Những rủi ro lớn nhất đối với VN-Index sẽ đến từ bên ngoài. Còn bên trong, tăng trưởng EPS khá ổn mặc dù chúng tôi vừa hạ triển vọng tăng trưởng nói chung. Tiền đồng cũng dần ổn định và Ngân hàng Nhà nước đang làm tốt công việc quản lý kỳ vọng về lạm phát”.
Nói về năm 2018, ông Shamoon Tariq, phó giám đốc đầu tư tại Quỹ quản lý tài sản Tundra Fonder, nhận định: “Chúng ta chứng kiến sự hỗn loạn của các thị trường mới nổi và cận biên năm 2018 do động thái tăng lãi suất tại Mỹ, USD tăng giá và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bùng nổ. Những yếu tố này khiến định giá cổ phiếu tại Việt Nam trở về mức hấp dẫn”.
Về triển vọng năm 2019, ông Tariq dự đoán tăng trưởng thu nhập bền vững trong những năm tới và cổ phiếu vẫn được định giá rẻ. “Chúng tôi đang đánh giá ảnh hưởng của yếu tố địa chính trị đến Việt Nam nhưng nhìn chung, chúng tôi có quan điểm lạc quan cho Việt Nam”.