Hai năm sau khi đại dịch bùng phát, nền kinh thế thế giới đã dần hồi phục. Châu Á – Thái Bình Dương được dự báo vẫn sẽ là khu vực phát triển nhanh nhất trên thế giới. Mặc dù lạc quan về sự phục hồi của khu vực, Châu Á – Thái Bình Dương vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức như biến thể mới của Covid-19, gián đoạn chuỗi cung ứng, lạm phát gia tăng.
Trong bối cảnh đó, khảo sát CEO toàn cầu thường niên lần thứ 25 khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của PwC đã được tiến hành trong tháng 10 và tháng 11 năm 2021. 4.446 CEO từ 89 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tham gia chia sẻ trong cuộc khảo sát. Những cuộc phỏng vấn chuyên sâu đã được thực hiện với các CEO ở Bắc Mỹ, Mỹ Latinh, Tây Âu, Châu Á – Thái Bình Dương và Châu Phi.
Mức độ lạc quan của các CEO Châu Á – Thái Bình Dương đạt mức cao nhất trong 10 năm
Các CEO khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn chung gây ra bởi đại dịch Covid-19, lạm phát gia tăng, gián đoạn chuỗi cung ứng và cuộc "đại khủng hoảng lao động". Song, báo cáo từ cuộc khảo sát đã đưa ra phát hiện quan trọng khi 76% CEO kỳ vọng rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ được cải thiện, chỉ 17% cho rằng tình hình sẽ tiếp tục xấu đi.
Mức độ lạc quan của các quốc gia khu vực Châu Á – Thái Bình Dương
Mức độ lạc quan của các CEO trong báo cáo lần thứ 25 tăng nhẹ so với mức 73% trong năm 2021 và tăng đáng kể so với mức 48% của năm 2020. Trong đó, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Singapore là các quốc gia có mức lạc quan cao nhất, với khoảng 90% CEO kỳ vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022.
Ông Nguyễn Lương Hiền, Phó Tổng Giám đốc, Lãnh đạo Dịch vụ Tư vấn chiến lược/Tư vấn thương vụ tại PwC Việt Nam cho biết: "Mức độ lạc quan cao của các CEO cho thấy sức mạnh và khả năng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, cũng như khả năng kiểm soát của các CEO trước tình hình bất ổn".
Tại Việt Nam, ông dự đoán mức tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ trở lại mức 6% - 6,5%, một phần là do sự trở lại mạnh mẽ của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào thị trường.
Mối quan tâm hàng đầu của các CEO Châu Á – Thái Bình Dương
Mặc dù kỳ vọng cao về tăng trưởng kinh tế toàn cầu, các CEO đều nhận thức rõ những rủi ro tiềm tảng có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp trong năm tới. Các CEO Châu Á – Thái Bình Dương coi y tế, sức khoẻ là rủi ro quan trọng nhất đối với tăng trưởng. 58% CEO Châu Á – Thái Bình Dương xác định đây là mối đe doạ hàng đầu, cao hơn 10% so với các CEO toàn cầu.
Rủi ro an ninh mạng (44%) và biến động kinh tế vĩ mô (43%) lần lượt là hai mối đe doạ tiếp theo đối với các CEO khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Ngược lại, các CEO toàn cầu coi rủi ro an ninh mạng là điều cấp bách nhất với 49%.
Các CEO Châu Á - Thái Bình Dương xếp rủi ro sức khỏe lên hàng đầu
Vấn đề về y tế và sức khoẻ cũng là mối lo ngại đối với các CEO của Việt Nam. Sự xuất hiện của biến thể Omicron đã khiến cộng đồng doanh nghiệp càng thêm lo lắng. Bên cạnh đó, vấn đề an ninh mạng cũng đang đặt ra nhiều mối đe doạ cho các doanh nghiệp và tổ chức.
Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám đốc PwC Việt Nam, nhận xét: "Để đạt được đà tăng trưởng bền vững về môi trường và xã hội, Việt Nam cần có sự tham gia của tất cả các bên liên quan, bao gồm chính phủ, doanh nghiệp và cả cộng đồng xã hội. Đã đến lúc chúng ta cần xây dựng lòng tin giữa các bên nhằm tạo nên kết quả bền vững cho tất cả mọi người".
CEO khu vực Châu Á – Thái Bình Dương dẫn đầu về cam kết xanh
Các CEO khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đi trước các CEO toàn cầu về cam kết phát thải ròng bằng 0 và trung hoà carbon
Các CEO khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đi trước các CEO toàn cầu về cam kết phát thải ròng bằng 0 và trung hoà carbon. Khoảng 60-69% công ty trong khu vực đã và đang tiến tới các mục tiêu trên. Con số này cao hơn khoảng 9-13% so với các CEO toàn cầu.
Bên cạnh những CEO cam kết thực hiện phát thải ròng bằng 0, 11% CEO khu vực Châu Á – Thái Bình Dương khác có phương pháp tiếp cận được đánh giá và phê chuẩn độc lập. Tỷ lệ các CEO Châu Á – Thái Bình Dương đưa mục tiêu phát thải vào chiến lược của công ty cũng cao hơn so với các CEO toàn cầu (43% so với 37%).