Các nhà tiếp thị ở Đông Nam Á (ĐNA) có quyền truy cập vào rất nhiều số liệu thống kê mô tả quy mô thị trường mục tiêu của họ. Ví dụ như Google, Temasek và Bain báo cáo rằng thị trường thương mại điện tử sẽ tăng từ 100 tỷ đô la vào năm 2020 lên 300 tỷ đô la vào năm 2025.
Những số liệu này không phải là yếu tố quyết định giúp các nhà tiếp thị lên kế hoạch phát triển thương hiệu trong khu vực. Thay vào đó, họ cần hiểu thái độ và hành vi của người tiêu dùng trong khu vực giúp thúc đẩy sự tăng trưởng này.
Ví dụ, làm thế nào để người tiêu dùng tìm hiểu về các mặt hàng? Những loại mặt hàng họ mua nhiều nhất là gì? Và họ mua từ các trang web mua sắm trực tuyến nào?
Để trả lời những câu hỏi này và nhiều câu hỏi khác, ClickInsights đã phối hợp với Adobe khảo sát hàng trăm người tiêu dùng tại các quốc gia Đông Nam Á (Indonesia, Malaysia, Philipines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam). Báo cáo tổng hợp câu trả lời của người từ 16 - 22 tuổi (thế hệ Z hay GenZ) và từ 23 – 27 tuổi (thế hệ Y hay Millennials).
Dưới đây là các thông tin chính từ báo cáo.
1/Tại Đông Nam Á, Millennials có nhiều khả năng mua sắm trực tuyến hàng tuần hơn GenZ
Khi được hỏi về tần suất mua sắm trực tuyến, hơn một phần ba (34%) Millennials đã trả lời "mỗi tuần", trong khi chỉ có 16% GenZ nói như vậy.
2/ Tại Đông Nam Á, Millennials thích Facebook còn GenZ thích Instagram
Trong khi Facebook đã phải đối mặt với các vấn đề gây tranh cãi với người dùng tại các khu vực khác thì đây vẫn là mạng xã hội phổ biến nhất với Millennials tại Đông Nam Á. Gần hai phần ba (63%) Millennials sử dụng Facebook khoảng 30 phút mỗi ngày. Tuy nhiên, GenZ lại thích Instagram hơn. Hơn một nửa (56%) GenZ dành hơn 30 phút mỗi ngày cho nền tảng này.
Tại Singapore, hơn một nửa Millennials (51%) online Facebook hàng ngày trong nửa giờ trong khi chỉ một phần tư (26%) GenZ sử dụng nó ở cùng mức độ. Tuy nhiên, tại Việt Nam, sự khác biệt trong cách sử dụng Facebook giữa các thế hệ không đáng kể.
Cả Facebook và Instagram đều phổ biến với cả hai thế hệ trong khu vực Đông Nam Á và vì vậy bất kỳ thương hiệu nào muốn tiếp cận những đối tượng này đều được khuyên nên tiếp tục ưu tiên sử dụng các nền tảng này cho quảng cáo và các tương tác truyền thông đến người dùng.
3/ TikTok vẫn lép vế Facebook, Twitter và Youtube tại Đông Nam Á
Bên cạnh các mạng xã hội lớn như Facebook, Twitter, Youtube với hàng triệu người sử dụng, nhiều mạng xã hội "ngách" khác đã xuất hiện với mục đích chính là xây dựng các cộng đồng nhỏ với nội dung tập trung xoanh quanh 1 chủ đề, sở thích, hoạt động hay ngành nghề nào đó.
TikTok, một loại nền tảng chia sẻ video dạng ngắn, đã có mức tăng trưởng cao trên toàn cầu vào năm 2019 và các nhà tiếp thị được khuyến khích thử nghiệm khả năng quảng cáo trên nền tảng này.
Mặc dù chưa rõ liệu đây có phải là một nền tảng tiếp thị hiệu quả hay không, nhưng kết quả của cuộc khảo sát này cho thấy rằng rất ít người tại Đông Nam Á dành nhiều thời gian cho nền tảng này hàng ngày.
Chỉ 18% GenZ dành hơn 30 phút mỗi ngày cho TikTok và Millennials còn ít hơn (14%). Do đó, có vẻ như TikTok có thể chưa phải là nền tảng lý tưởng để tiếp cận các đối tượng này.
4/Các Influencer có sức ảnh hưởng lớn đến hành vi mua sắm trực tuyến tại Đông Nam Á
Những người có tầm ảnh hưởng, hoặc những người nổi tiếng trên mạng xã hội có lượt theo dõi lớn ngày nay thường được các doanh nghiệp trả tiền để quảng bá sản phẩm.
Cách này thì chân thực hơn quảng cáo. Vì vậy, chọn Influencer để quảng bá sản phẩm là hình thức được ưa chuộng rộng rãi bởi các thương hiệu tại Đông Nam Á. Đáng ngạc nhiên, hơn một nửa số người được hỏi của cả hai thế hệ chỉ ra rằng cách truyền thông này cực kỳ hữu ích.
Tại Đông Nam Á, nhìn chung hầu hết GenZ (60%) thấy Influencer làm rất tốt trong việc thúc đẩy hành vi mua sắm các sản phẩm thời trang trong khi 54% Millennials cho thấy họ cũng có sức ảnh hưởng lớn khi quảng bá các sản phẩm làm đẹp và các địa điểm du lịch.
Tại Việt Nam, Millennials và GenZ cho rằng các Influencer làm tốt nhất khi quảng bá các sản phẩm như mặt hàng thời trang, giày và phụ kiện.
5/Hàng giả vẫn là mối quan tâm lớn đối với người mua hàng trực tuyến
Các đối tượng khảo sát được yêu cầu liệt kê những mối quan tâm của họ khi mua sắm trực tuyến thì chất lượng sản phẩm mối quan tâm lớn nhất (74% GenZ, 70% Millennials) và các sản phẩm giả mạo thì đứng thứ hai (67% GenZ, 62% Millennials).
Do đó, các nhà tiếp thị thương hiệu cần phải cực kỳ cảnh giác với những lo ngại này khi bán hàng qua các trang thương mại điện tử và phải thông báo thường xuyên cho người tiêu dùng rằng hàng hóa mua từ trang web chính thức của công ty sẽ luôn là sản phẩm chính hãng.
6/Thanh toán không dùng tiền mặt chưa phổ biến tại Việt Nam
Người tiêu dùng Việt Nam sử dụng nhiều phương thức thanh toán khác nhau, nhưng thanh toán bằng tiền mặt vẫn phổ biến nhất. 84% GenZ và 80% Millennials chọn thanh toán bằng tiền mặt.
Theo khảo sát, ví điện tử và chuyển khoản ngân hàng cũng tương đối phổ biến với Millennials tại Việt Nam, nhưng hiện tại, doanh nghiệp vẫn cần hỗ trợ tiền mặt khi giao hàng trong nước cho đến khi các phương thức thanh toán khác trở nên phổ biến hơn.