Dịch bệnh Covid-19 diễn biến nghiêm trọng nhưng số thu ngân sách vẫn tăng 14,3% so với cùng kỳ, trong đó một số ngành đạt mức tăng trưởng cao như: ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, sản xuất lắp ráp ô tô...
Thu ngân sách tăng
Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác thuế 6 tháng đầu năm 2021 ngày 9/7, Tổng cục Thuế cho biết: Thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2021 do cơ quan thuế quản lý ước đạt hơn 656 nghìn tỷ đồng, đạt 58,8% dự toán.
Như vậy, dù 6 tháng đầu năm nay, dịch bệnh Covid-19 nghiêm trọng tại nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, TP.HCM... số thu ngân sách vẫn tăng 14,3% so với cùng kỳ.
Trong đó, thu từ dầu thô tăng rất cao. thu từ dầu thô ước đạt 18.725 tỷ đồng, bằng 80,7% dự toán, bằng 87,8% cùng kỳ, trên cơ sở giá dầu thô bình quân khoảng 59,1 USD/thùng, cao hơn nhiều giá dự toán ban đầu.
Thu ngân sách tăng khá cao. |
Thu nội địa ước đạt 637.649 tỷ đồng, bằng 58,3% dự toán, bằng 115,3% cùng kỳ. Số thu không kể tiền sử dụng đất ước đạt 558.838 tỷ đồng, bằng 56,9% dự toán, bằng 114,5% cùng kỳ.
Nếu loại trừ các khoản thu đột biến trong 6 tháng đầu năm và yếu tố chính sách do thực hiện gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất thì tổng thu do cơ quan thuế quản lý 6 tháng tăng 4% so với cùng kỳ, thu nội địa trừ đất tăng 2,5%, thu nội địa từ thuế phí tăng 5,7%.
Nhiều lĩnh vực tăng "nóng"
Theo Tổng cục Thuế, thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt khá, được đánh giá chủ yếu do đà tăng trưởng kinh tế từ cuối năm 2020 và tăng thu từ một số nguồn thu do được hưởng lợi từ các chính sách tài khóa, tiền tệ của năm 2020, trong đó một số ngành đạt mức tăng trưởng cao, nóng như: ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, sản xuất lắp ráp ô tô... góp phần quan trọng vào số thu trong 6 tháng đầu năm.
Khối các ngân hàng thương mại có số thuế thu nhập DN (TNDN) quý IV/2020 và nộp sau quyết toán tăng 72,9% so với cùng kỳ, tương đương khoảng 6.000 tỷ đồng;
Tăng thu thuế TNDN từ chuyển nhượng bất động sản 61,7% so với cùng kỳ, tương đương khoảng 8.600 tỷ đồng . Bên cạnh đó, trong những tháng đầu năm 2021, sau đợt ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 năm 2020, hoạt động sáp nhập, hợp nhất, đánh giá lại tài sản khi góp vốn, chuyển nhượng vốn tăng gấp 2,6 lần cùng kỳ tương đương với tăng khoảng 3.500 tỷ đồng.
Bất động sản tăng "nóng" khiến khoản thu từ bất động sản tăng cao. |
Thu từ hoạt động kinh doanh chứng khoán tăng gấp 2,47 lần cùng kỳ, tương đương tăng khoảng 2.600 tỷ đồng.
Dù thực hiện giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/12/2020, dẫn đến lượng xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tiêu thụ trong tháng 12/2020 tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ (theo quy định sẽ kê khai, nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) trong tháng 01/2021), dẫn đến số thu ngân sách từ các DN sản xuất, lắp ráp ô tô tăng thu 47,1% so với cùng kỳ, tương đương khoảng 11.200 tỷ đồng...
Theo sắc thuế, một số sắc thuế chính đều đạt và vượt tiến độ thu so với dự toán, tăng mạnh so với cùng kỳ.
Cụ thể: thuế thu nhập doanh nghiệp ước đạt 137.069 tỷ đồng, bằng 61,2% dự toán, tăng 29,1% so với cùng kỳ; thuế tiêu thụ đặc biệt ước đạt 58.879 tỷ đồng, bằng 61% dự toán, tăng 38,6% cùng kỳ; thuế giá trị gia tăng (GTGT) ước đạt 121.910 tỷ đồng, bằng 51,4% dự toán, tăng 19,5% so với cùng kỳ;..
Đặc biệt thuế thu nhập cá nhân ước đạt 73.027 tỷ đồng, bằng 67,7% dự toán, tăng 12,8% so với cùng kỳ, mặc dù Nghị quyết số 954/UBTVQH14 ngày 2/6/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020 đã tăng mức giảm trừ gia cảnh từ 9 triệu lên 11 triệu đồng.
Tổng cục Thuế cho rằng việc tăng giảm trừ gia cảnh làm giảm thu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công (chỉ đạt khoảng 97% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, với việc thị trường chứng khoán, bất động sản sôi động trong những tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021 đã góp phần tăng thu thuế TNCN.
Cụ thể, thu thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng chứng khoán (gấp 2,91 lần), từ đầu tư vốn của cá nhân (tăng 78,2%) và từ chuyển nhượng bất động sản (tăng 68,8%), góp phần làm số thu thuế thu nhập cá nhân đạt tiến độ thu cao nhất trong 6 tháng đầu năm 2021.
Lương Bằng