"Khởi đầu tốt đẹp" là lời nhận xét của ông Anthony Tan, Phó Chủ tịch, kiêm Giám đốc điều hành khu vực ASEAN Tập đoàn Underwriters Laboratories, bên lề APEC 2017, khi nói về sự chuẩn bị của Việt Nam trước cách mạng 4.0.
Ông Anthony nhìn nhận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tập trung vào phát triển nguồn nhân lực cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng trong nỗ lực đón nhận cuộc cách mạng công nghiệp này. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện đón xu thế, thông qua việc ứng dụng Chính phủ điện tử, cũng như tạo ra các nền tảng liên quan khác. Với cách tiếp cận của Chính phủ Việt Nam, ông Anthony Tan bình luận rằng cách mạng này bước đầu diễn ra ở Việt Nam thuận lợi.
Nhận định của ông Anthony không phải là cá biệt khi rất nhiều doanh nhân, chuyên gia quốc tế đều đánh giá cao sự chuẩn bị của Việt Nam trước làn sóng 4.0. Nhưng những lời ngợi khen này không tự dưng đạt được.
Thuật ngữ Industries 4.0 (công nghiệp 4.0) lần đầu tiên được đề cập vào năm 2011 tại Đức. Rất nhanh chóng, cụm từ này đã vượt khỏi biên giới nước Đức khi Thủ tướng nước này, bà Angela Merkel liên tục nhắc đến tại Diễn đàn kinh tế thế giới 2015 (WEF) tại Davos, Thuỵ Sĩ. WEF ở các năm tiếp theo, công nghiệp 4.0 đã trở thành chủ đề nóng, xuyên suốt, khi nó chứa đựng một sức mạnh có thể đảo lộn tất cả các trật tự truyền thống.
Tháng 1/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lần đầu tiên tham dự Diễn đàn Davos với tư cách Người đứng đầu Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2020 của Việt Nam. Ba ngày tại Thuỵ Sĩ, Thủ tướng Phúc đã có lịch làm việc kín đến từng phút với 40 hoạt động nối tiếp nhau. Trong đó, ông dành nhiều thời gian tham gia vào các phiên thảo luận về chủ đề nóng 4.0 cũng như gặp gỡ các doanh nghiệp lớn về công nghệ thông tin như Microsoft, Facebook, Alphabet (Google), Qualcom…
Chia sẻ ở WEF 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết sau 30 năm Đổi mới, Việt Nam từ nước nghèo, kém phát triển, vươn lên thành quốc gia thu nhập trung bình, có nền kinh tế thị trường, đang phát triển năng động và hội nhập sâu rộng.
Nhưng khi nhìn thẳng vào thực tế, Thủ tướng nói rằng Việt Nam không thể tiếp tục tăng trưởng dựa vào tài nguyên hay lao động giá rẻ, đặc biệt trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp thứ tư, chứa đựng những khả năng xoay chuyển tình thế bất ngờ.
Đất nước hơn 90 triệu dân đang được định hướng tập trung vào một số mục tiêu như đổi mới mô hình tăng trưởng trên cơ sở nâng cao chất lượng, năng suất lao động, phát triển các ngành có giá trị tăng cao, ứng dụng khoa học công nghệ…
Trong chuyến đi này của Thủ tướng, Việt Nam dù là nền kinh tế mới nổi, quy mô GDP hơn 200 tỷ USD với hơn 60% dân cư trong lĩnh vực nông nghiệp đã trở thành quốc gia đầu tiên bắt tay với WEF thoả thuận những bước đi đầu tiên chuẩn bị cho cuộc cách mạng lịch sử.
Điều này đã mở ra cơ hội mới cho Việt Nam trong một làn sóng mà nhiều dự báo chỉ ra rằng quốc gia giàu có sẽ được lợi nhiều hơn.
5 tháng sau khi trở về từ Davos, Thủ tướng Phúc đã ban hành Chỉ thị 16 (4/5/2017) về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để Việt Nam nắm bắt được cơ hội và vượt qua thách thức.
Theo đó, ông yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung thúc đẩy phát triển, tạo sự bứt phá hạ tầng, ứng dụng nhân lực và công nghệ thông tin, phát triển hạ tầng kết nối số và đảm bảo an toàn, an ninh mạng…
Mặt khác, Chỉ thị 16 tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp. Nhờ vậy, doanh nghiệp có thể nhanh chóng hấp thu và phát triển các công nghệ sản xuất mới.
Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị - Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, bên cạnh Văn kiện Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết số 5 Trung ương ngày 1/11/2016, Chỉ thị số 16 này chứa đựng những chủ trương, chính sách phát triển đất nước trong bối cảnh cách mạng 4.0.
Nếu quan sát lịch trình làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong gần 3 năm qua, có thể thấy ông dành nhiều thời gian, công sức cho nhóm các vấn đề liên quan đến công nghiệp 4.0.
Tương tự như lần tham dự tại Davos, Thủ tướng luôn tranh thủ lắng nghe các chuyên gia quốc tế về công nghệ mỗi khi có dịp. Đơn cử như chuyến thăm chính thức Singapore hồi tháng 4/2018, ông đã có một buổi chiều gặp gỡ với các nhà khoa học, trí thức nước này về kinh nghiệm ứng dụng công nghệ 4.0 trong xây dựng Chính phủ kiến tạo.
Đối với các sự kiện trong nước như Việt Nam ICT Summit (năm 2016, 2018), Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0…, Thủ tướng cũng thường xuyên xuất hiện, luôn chú tâm lắng nghe và đối thoại.
Phiên làm việc tại Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 hồi tháng 7 vừa qua là một điểm nhấn rõ nét trong bức tranh chung của Việt Nam xung quanh cuộc cách mạng này.
Bởi lẽ, nếu câu chuyện 4.0 thời gian trước chỉ là sự gợi mở, khai phá thì trong năm 2018 đã cụ thể hoá được thành chính sách cho từng ngành, nhóm ngành. Theo đó, các thông điệp rõ ràng của Thủ tướng Phúc chính thức được phát đi.
"Công nghiệp 4.0 là một cuộc chơi mà mỗi quốc gia sẽ phải mặc định một phần trong đó, Việt Nam cần nắm bắt cơ hội này", Thủ tướng Phúc phát biểu.
Việt Nam, theo ông đã chủ động trong chuyển giao ứng dụng và nghiên cứu công nghệ, đặc biệt là công nghệ mới của thế giới như kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, người máy,… và duy trì năng lực sản xuất có chiều sâu, nâng cao sức cạnh tranh, đổi mới sáng tạo.
Dù vậy, Thủ tướng nhấn mạnh điều này mới chỉ là kết quả tiềm năng, cơ hội ban đầu, trong khi thực tế, đất nước vẫn chưa bắt kịp với xu thế và bản chất của công nghiệp 4.0.
Ông yêu cầu cần có giải pháp triển khai nhanh, chủ động khai thác cơ hội 4.0 mang đến cũng như hạn chế tác động không mong muốn. Bốn vấn đề cần giải quyết được ông lần lượt đặt ra gồm: thay đổi nhận thức, đưa ra chính sách pháp luật hợp lý, phát triển công nghệ và nhân lực.
Với nhóm vấn đề nhân lực, chỉ hơn 1 tháng sau, ngày 19/8, Thủ tướng đã có hành động khi ông gặp 100 trí thức trẻ người Việt ở nước ngoài với lời đề nghị chung tay xây dựng đất nước bắt kịp cách mạng công nghiệp 4.0.
Nói với các nhà khoa học, Thủ tướng khẳng định Chính phủ luôn quan tâm thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, coi cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội lớn mà nếu không nắm bắt thì sẽ bị tiếp tục tụt hậu.
Tháng 9 này (từ 11-13/9), câu chuyện về cách mạng 4.0 sẽ tiếp tục được đất nước hình chữ S tham gia và thể hiện nhiều hơn nữa khi là nước đăng cai, phối hợp cùng WEF tổ chức Hội nghị WEF ASEAN 2018 với chủ đề ASEAN Thời đại 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.