Trong cuộc họp ngày 24/9 theo giờ Mỹ, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Kelly Craft chỉ trích Trung Quốc về cái mà bà gọi là "quyết định che giấu nguồn gốc của virus corona, cố tình nói giảm sự nguy hiểm của nó và ngăn chặn hợp tác khoa học". Bà Craft tuyên bố hành động của Bắc Kinh đã biến một "dịch bệnh địa phương thành đại dịch toàn cầu".
Ngay lập tức, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Zhang Jun đã phản bác tất cả những cáo buộc của bà Craft. "Tôi phải nói điều này. Quá đủ rồi. Các người đã tạo ra cho thế giới đủ những rắc rối rồi. Thật đáng tiếc, một lần nữa, chúng ta lại phải nghe những ồn ã từ phía Mỹ, vốn rất trái ngược với bầu không khí cuộc họp", ông Zhang phản pháo đồng thời nói rằng Bắc Kinh bác bỏ những cáo buộc vô căn cứ.
Cuộc tranh cãi diễn ra 2 ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump sử dụng phần lớn video của mình để đổ lỗi cho Trung Quốc về đại dịch Covid-19 và che giấu thông tin. Hôm 22/9, ông Trump cáo buộc Bắc Kinh "cho phép những chuyến bay rời khỏi Trung Quốc và lây lan dịch bệnh ra thế giới". Ông Trump cũng gọi Covid-19 là "Virus Trung Quốc".
Tuy nhiên, hôm 24/9, ông Zhang nói rằng Mỹ nên tự chịu trách nhiệm với chính mình. Kể từ tháng 1 đến nay, Mỹ đã ghi nhận hơn 6 triệu ca mắc Covid-19 và 200.000 mất mạng vì dịch bệnh. Mỹ vẫn đang là ổ dịch Covid-19 lớn nhất thế giới.
Trung Quốc có một đồng minh ở cuộc họp vừa diễn ra. Theo đó, đại diện phía Nga cũng lên tiếng về những cáo buộc của bà Craft. Đại sứ Nga Vassily Nebenzia cho biết: "Chúng tôi lấy làm tiếc về việc Mỹ chọn cuộc họp này cũng như cương lĩnh của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để đưa ra cáo buộc không căn cứ đối với một thành viên của Hội đồng".
Đây không phải lần đầu tiên Covid-19 xuất hiện ở các cuộc họp quan trọng trong năm nay. Trong khi đó, nhiều hội nghị của Liên Hợp Quốc đã buộc phải tổ chức trực tuyến do dịch bệnh và quy định cách ly 14 ngày ở Thành phố New York.
Trong khi đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã nhiều lần khẩn thiết đề nghị các quốc gia thành viên thống nhất với nhau đồng thời cảnh báo rằng mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang đi theo "hướng rất nguy hiểm".
Ở thời điểm hiện tại, mối quan hệ giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ở mức tồi tệ nhất nhiều thập niên trở lại đây. Mỹ và Trung Quốc bất đồng với nhau về hàng loạt vấn đề, từ thương mại tới địa chính trị. Thậm chí, hai quốc gia còn liên tiếp thực hiện các biện pháp ăn miếng trả miếng nhằm vào lợi ích của nhau kể từ khi cuộc chiến thương mại bùng lên năm 2018.
Nhiều người bày tỏ những lo ngại về sự xấu đi trong mối quan hệ giữa 2 cường quốc lớn nhất thế giới sẽ tác động tới nhiều vấn đề toàn cầu, trong đó nổi bật nhất là vắc xin phòng Covid-19. Hiện tại, các quốc gia đều tự chạy đua phát triển vắc xin của riêng mình và việc hợp tác vẫn đang là yêu cầu cấp thiết chưa tìm được lời giải.