Dịch viêm phổi cấp virus corona (nCoV) từ Vũ Hán, Trung Quốc tính đến sáng 28/1 đã khiến 106 người thiệt mạng và số ca nhiễm bệnh vượt hơn 4.000 người. Tổ chức Y tế Thế giới WHO ban đầu cho rằng dịch bệnh này chỉ đang báo động tại Trung Quốc, chưa phải là một cuộc khủng hoảng sức khoẻ toàn cầu. Tuy nhiên sau đó WHO đã phải sửa lại đánh giá nguy cơ toàn cầu của chủng virus gây chết người corona từ mức "moderate" (vừa phải) ban đầu thành mức "high" (cao).
Chính phủ Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm người dân đi du lịch nước ngoài từ ngày 27/1 bên cạnh các biện pháp phong toả "nội bất xuất, ngoại bất nhập" tại một số tỉnh bùng phát dịch như Vũ Hán.
Tất cả các nước hiện nay đều nâng cảnh giác cao độ với dịch bệnh, sân bay, cửa khẩu đều trang bị máy kiểm tra thân nhiệt và bất cứ trường hợp nào nghi ngờ đều bị đưa vào khu vực cách ly.
Các bác sĩ tại Vũ Hán (ảnh: AFP)
Thị trường khẩu trang y tế cũng vì thế nóng lên từng ngày, một số loại khẩu trang 3 lớp đã tăng giá gấp rưỡi, có nơi bán 100.000 đồng/5 chiếc, có nơi bán 150.000 đồng/10 chiếc, tuỳ giá, tuỳ loại. Khẩu trang 3M 9001v có giá 250.000 đồng/chiếc có thể ngăn được bụi mịn. Tuy nhiên theo chia sẻ của bác sĩ Trần Văn Phúc, người dân hoàn toàn có thể sử dụng khẩu trang y tế thông dụng dùng 1 lần để ngăn ngừa chất tiết bắn ra từ người mang mầm bệnh. Thông thường loại khẩu trang này bán tại hiệu thuốc có giá 1.000 đồng/chiếc.
Khẩu trang 3M hiện có giá từ 176.000 - 200.000 đồng/chiếc
Mạng xã hội mấy ngày qua xôn xao thông tin công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không Taseco (Taseco Airs) bán khẩu trang với giá 35.000 đồng/chiếc tại cửa hàng kinh doanh tại sân bay và bị cho là "trục lợi" giữa tâm bão. Tuy nhiên ngay lập tức khi nhận được phản ánh, ông Lê Anh Quốc, Tổng giám đốc Taseco đã gọi điện cho phóng viên trần tình rằng ông đang ăn Tết ở quê, và sau khi nhận được phản ánh, góp ý từ dư luận, ông đã rút kinh nghiệm và khắc phục sai lầm bằng cách phát miễn phí 10.000 khẩu trang y tế cho người dân tại các điểm bán hàng của công ty. Nếu số lượng này không đủ công ty sẽ phát tiếp để cùng với cả nước chống dịch Corona.
Taseco Airs hiện nay đang kinh doanh cửa hàng bách hoá lưu niệm, cửa hàng miễn thuế tại sân bay Nội Bài, với thương hiệu Lucky và Jalux Taseco. Công ty con của công ty gồm Taseco Đà Nẵng, Taseco Oceanview Đà Nẵng (vận hành khách sạn Alacarte), Taseco Sài Gòn, Taseco Media, CTCP Suất ăn hàng không Việt Nam và công ty TNHH miễn thuế Jalux- Taseco. Nếu sân bay Tân Sơn Nhất là "sân nhà" của Sasco, công ty kinh doanh hàng miễn thuế của nhà Jonathan Hạnh Nguyễn thì Taseco Air hiện nay mới chỉ hiện diện tại sân bay Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh và Vân Đồn.
Cổ đông lớn nhất của Taseco Airs là CTCP Dịch vụ hàng không Thăng Long (nắm giữ 55%), hai cổ đông nước ngoài là quỹ PENM IV của Đức (nắm giữ 16,09%) và quỹ STIC của Hàn Quốc (nắm giữ 10%).
Nhờ sự phát triển của lĩnh vực hàng không, 5 năm qua Taseco Airs tăng trưởng không ngừng. Năm 2019, doanh thu ước đạt 1.137,3 tỷ đồng, tăng 31,5% so với năm 2018; Lợi nhuận trước thuế đạt 265,2 tỷ đồng, tăng 30,1% so với năm 2018. Tình hình tài chính của công ty khá lành mạnh với 830 tỷ tổng tài sản, tiền và tương đương tiền gần 190 tỷ, tiền gửi ngân hàng 83 tỷ, vốn chủ sở hữu 450 tỷ và gần như không vay nợ.
Đơn vị: Tỷ đồng