Nhà đầu tư Nhật xưa nay vẫn được đánh giá là những người kỹ tính và vô cùng cẩn trọng. Tuy nhiên họ cũng là những nhà đầu tư rất có uy tín mà nhiều doanh nghiệp Việt mong muốn được trở thành đối tác, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Có thể kể đến những định chế tài chính của Nhật đang là đối tác chiến lược với các ngân hàng lớn của Việt Nam như Mizuho sở hữu 15% vốn ở Vietcombank, Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ sở hữu gần 20% ở VietinBank, Credit Saison liên doanh với HDBank ở công ty tài chính khi nắm 49% vốn HD Saison, Sumi Trust hợp tác với BIDV mua 49% cổ phần công ty cho thuê tài chính…và mới đây nhất là Shinsei liên kết với MB để sở hữu 49% ở công ty tài chính Mcredit.
Ngoài việc tìm đến nhau hợp tác lâu dài trong vai trò là nhà đầu tư chiến lược thì các nhà đầu tư Nhật cũng còn hiện diện trong lĩnh vực tài chính ngân hàng Việt Nam ở nhiều sản phẩm dịch vụ như bảo hiểm (với điển hình là Daichi-Life), thẻ ngân hàng, các thỏa thuận ghi nhớ (MOU)… Trong bối cảnh FDI từ Nhật ngày một tăng, doanh nghiệp Nhật sang Việt Nam làm ăn ngày càng nhiều thì làn sóng hợp tác dự đoán sẽ còn cao hơn nữa trong thời gian tới.
Dẫu vậy cũng cần nhìn nhận thẳng thắn rằng, dù làn sóng đầu tư Nhật vào Việt Nam khá mạnh suốt 30 năm qua nhưng trong lĩnh vực ngân hàng, bóng dáng của nhà đầu tư Nhật nhìn chung vẫn khá vắng vẻ. Một số liệu thống kê khác còn cho thấy, tài khoản của nhà đầu tư Nhật chiếm khoảng 30% tổng số tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam nhưng số tiền đầu tư vào lại thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ ấy…
Một số ý kiến cho rằng, dường như khẩu vị của nhà đầu tư với thị trường giờ đây đã khác nên rất khó để nhìn thấy những thương vụ làm ăn lớn mà nhiều ngân hàng Việt mong muốn.
Song chia sẻ với báo giới gần đây, ông Kagita Kiroyuki, Giám đốc khối chiến lược kinh doanh của Shinsei Bank cho biết, nhà đầu tư Nhật vẫn rất quan tâm tới thị trường Việt Nam. Thế nhưng, với bản chất của người Nhật là rất thận trọng trong mọi việc, ngay cả khi trong nội bộ cần đưa ra quyết định nào đó cũng phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ, nên họ đều cần phải có thời gian nhất định để tìm hiểu. Ông lấy ví dụ việc Shinsei hợp tác với MB cũng không phải bây giờ mới bắt đầu mà đã có đến 6 năm tìm hiểu.
“Nhiều doanh nghiệp Việt có lẽ nghĩ rằng chẳng biết anh có muốn làm việc, muốn hợp tác với chúng tôi không mà phải nghĩ lâu đến thế. Nhưng doanh nghiệp nào cũng vậy thôi và không loại trừ Nhật Bản, chúng tôi làm gì cũng phải tính đến lợi nhuận. Nếu như cả hai bên hợp tác có thể sinh lời, có những tương lai tươi sáng thì đều có thể hợp tác vui vẻ với nhau” – ông Kagita nói.
Cũng theo vị giám đốc khối của Shinsei, nhà đầu tư Nhật vẫn luôn muốn hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam. Ông Kagita tiết lộ, với một doanh nghiệp để trở thành đối tác của nhà đầu tư Nhật thì cần các yếu tố quan trọng như là sự am hiểu về nhau và có chung định hướng, mục tiêu phát triển (không chỉ riêng mục tiêu của bản thân doanh nghiệp mà còn cả mục tiêu phục vụ nền kinh tế).