Cả nước Mỹ đang chìm trong các cuộc biểu tình, cả ôn hòa và bạo lực, liên quan đến cái chết của George Floyd. Người đàn ông da màu thiệt mạng sau gần 10 phút bị cảnh sát chèn đầu gối vào cổ. Floyd cũng như phần lớn những người bất chấp dịch bệnh đổ ra đường biểu tình và cướp phá là nạn nhân lớn nhất không chỉ của nạn phân biệt chủng tộc mà còn của đại dịch Covid-19 đang hoành hành khắp nước Mỹ.
Tác động bất tương xứng mà những người Mỹ gốc Phi phải chịu sau khi đại dịch quét qua nước Mỹ là nguyên nhân chính khiến đám đông đổ xuống đường, cướp phá và tấn công cảnh sát. Tuy nhiên, khi cả nước Mỹ đang phải đối phó với các hành động quá khích, Newark, thành phố lớn nhất New Jersey, lại không ghi nhận bất cứ trường hợp nào bị bắt vì bạo lực.
Cuộc biểu tình cuối tuần ở Newark kết thúc ở một ngã tư, nơi từng xảy ra một trong những cuộc bạo loạn khốc liệt và chết chóc nhất, khiến cả nước Mỹ chấn động trong những năm 1960. Đến bây giờ, tấm biển kỷ niệm năm 1967 biến động vẫn còn nguyên vẹn. Nó gợi nhớ đến 26 người thiệt mạng sau 5 ngày cướp bóc, xả súng và hỏa hoạn.
Bãi đất trống nằm cạnh đó vẫn là nỗi ám ảnh với thành phố lớn nhất New Jersey. Nó nhắc nhở những người ở lại về cuộc di cư của các doanh nghiệp và tầng lớp trung lưu khỏi Newark trong suốt 5 thập kỷ sau đó. Tuy nhiên, cuộc biểu tình ngày 31/5 đang đóng một vai trò tích cực trong việc thay đổi cái nhìn của cả nước Mỹ về thành phố này.
Khi nhiều thành phố trên khắp nước Mỹ chìm trong cảnh khói lửa và bạo lực, hòa bình là khung cảnh hiện hữu ở Newark. Cuộc tuần hành của 12.000 hôm 30/5 trước cái chết của Floyd diễn ra trong hòa bình. Không ai bị bắt giữ vì quá khích. Lốp xe cũ bị ném vào những chiếc ô tô nhưng không chiếc xe nào bị đốt cháy. Không mặt tiền cửa hàng nào bị đập vỡ.
Trên tường tòa án của thành phố, dòng chữ "WE LOVE U GEORGE" đã được rửa sạch vào chiều ngày 31/5. Hậu quả của những hoạt động biểu tình ở Newark nhẹ nhàng hơn nhiều so với phần còn lại của nước Mỹ, nơi cảnh đập phá, cướp bóc, phóng hỏa diễn ra nhan nhản bên cạnh những cuộc tuần hành hòa bình.
"Chúng tôi rất căng thẳng và lo lắng. Tuy nhiên, cộng đồng đã không vượt quá giới hạn", Ras Baraka, thị trường Newark cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm cuối tuần.
Cách đó 15 dặm về phía đông, ở Thành phố New York, có hàng trăm vụ bắt giữ, hàng chục cảnh sát bị thương, 47 chiếc xe cảnh sát bị hư hại hoặc phá hủy. Các cuộc biểu tình hóa thành bạo động tương tự làm rung chuyển hàng chục thành phố lớn trên khắp nước Mỹ, bao gồm Washington, Chicago, Minneapolis và Atlanta, dẫn đến cái chết của ít nhất 5 người.
Ở Newark, một số người biểu tình nhảy múa khi họ diễu hành qua các trung tâm thương mại và trung tâm thành phố. Thị trường Baraka là người dẫn đầu các cuộc tuần hành vì hòa bình này. John Schreiber, người đứng đầu Trung tâm biểu diễn nghệ thuật New Jersey, chứng kiến cuộc tuần hành từ căn hộ nhà mình. Ông tỏ ra rất tự hào với những gì người dân Newark đã làm.
Một tín hiệu mừng là Newark không phải cộng đồng duy nhất diễn ra các cuộc tuần hành trong hòa bình ở Mỹ. Các thành phố khác như Camden của New Jersey hay Flint, Michigan cũng không ghi nhận bạo động liên quan đến các cuộc biểu tình. Tuy nhiên, thành tựu mà Newark đạt được không phải điều gì đó đến tự nhiên.
Hòa bình ở Newark là thành quả của những quyết định chiến thuật, tính lãnh đạo cộng đồng, chính trị cũng như những ký ức chưa phai nhòa của năm 1967. Thị trưởng Baraka, một cựu hiệu trưởng trường trung học, là người Mỹ gốc Phi. Cha ông, nhà thơ Amiri Baraka, bị cảnh sát đánh đập dã man trong tháng 7/1967. Viện dẫn quá khứ đen tối trong bài phát biểu trước đám đông, ông Baraka thúc giục một cuộc biểu tình ôn hòa.
Trong khi đó, người đứng đầu sở cảnh sát Newark, Anthony F. Ambrose - một người Mỹ da trắng, đã quyết định không đưa cảnh sát vũ trang và các thiết bị chống bạo động dọc tuyến đường người biểu tình đi qua. Thành viên nhóm Cộng đồng Newark, một nhóm được thành lập 6 năm trước nhằm giảm bạo lực trong thành phố và các nhóm cộng đồng khác, đã tự triển khai nhân lực vào đám đông để ngăn chặn những phần tử quá khích.
Tuy nhiên, trong các cuộc phỏng vấn, cả những người tuần hành và lãnh đạo thành phố đều cho rằng quyết tâm mạnh mẽ của các thành viên người Mỹ gốc Phi trong các cộng đồng ở Newark chính là sự ngăn chặn hiệu quả với bạo lực. Những kẻ cơ hội dường như không có "cửa" cướp phá trước cộng đồng đoàn kết này.
Không có cảnh sát chống bạo động hay lực lượng phản ứng nhanh xuất hiện trong các cuộc tuần hành ở Newark. Tuy nhiên, có xe cảnh sát tuần tra cùng đoàn người. Cảnh sát chìm có được huy động nhưng họ không gây ra sự cản trở nào với đám đông tuần hành hòa bình.
Newark là thành phố 282.000 người với khoảng một nửa là người Mỹ gốc Phi, 36% gốc Tây Ban Nhà và 10% là người da trắng. Lực lượng cảnh sát của thành phố này từng nhiều lần liên quan tới các cáo buộc lạm dụng vũ lực với người dân. Hiện nay, lực lượng cảnh sát ở đây có tới 84% là người Mỹ gốc Phi hoặc gốc Tây Ban Nha.