Khi bộ ngành, địa phương trả vốn ODA: Lo hay mừng?

19/10/2021 07:42
Sau 3 quý của năm 2021, nhiều bộ, ngành, địa phương gặp vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là nguồn vốn vay nước ngoài (ODA) nên xin trả lại vốn kế hoạch. Theo các chuyên gia, việc trả vốn sẽ tác động lớn tới nền kinh tế thời gian tới, đặc biệt là động lực cho phục hồi sau 4 đợt dịch COVID-19 bùng phát.

Trả hơn 8.054 tỷ đồng vốn kế hoạch

Theo Bộ Tài chính, trong 9 tháng đầu năm, vốn vay nước ngoài mới giải ngân được 6.539 tỷ đồng, đạt hơn 12% so với kế hoạch cả năm (chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước).

Tới ngày 6/10, có 9 bộ, ngành đề nghị trả 8.054 tỷ đồng vốn vay kế hoạch (khoảng 44% kế hoạch vốn cả năm). Số liệu thống kê cũng cho thấy, các địa phương mới giải ngân được 3.529 tỷ đồng vốn vay nước ngoài, tương đương 10% kế hoạch cả năm. Có 23 địa phương xin giảm vốn vay kế hoạch.

Tại hội nghị giải ngân vốn vay nước ngoài do Bộ Tài chính tổ chức mới đây, đại diện Bộ GTVT, NN&PTNT... dẫn nguyên nhân khiến giải ngân vốn vay chậm chủ yếu do dịch COVID-19.

Đại diện bên tài trợ vốn, chuyên gia, nhân sự nhà thầu khó sang để giải quyết thủ tục và triển khai dự án. Nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội cũng làm cho quá trình thi công dự án gặp khó khăn, thậm chí phải tạm dừng thi công...

Ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết, năm nay địa phương được giao kế hoạch vốn 7.800 tỷ đồng (vốn ODA). Tới hết tháng 9 mới giải ngân được 1.361 tỷ đồng (hơn 17% kế hoạch).

Theo ông Hải, ngoài ảnh hưởng của dịch COVID-19, các dự án còn vướng mặt bằng, giá vật liệu xây dựng tăng cao. Do đó, Hà Nội đã có văn bản gửi Bộ KH&ĐT đề nghị điều chỉnh giảm kế hoạch vốn khoảng 4.500 tỷ đồng của năm nay.

Tương tự, tới hết tháng 9, TPHCM mới giải ngân được hơn 12% vốn kế hoạch năm (vốn ODA), nên đề nghị giảm kế hoạch vốn hơn 14.800 tỷ đồng.

Chuyên gia kinh tế Đặng Đình Đào (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và phát triển) cho rằng, việc bộ, ngành, địa phương trả kế hoạch vốn ODA cũng là cơ hội tốt để xem xét lại từng dự án cụ thể, cũng như tổng thể về vay nước ngoài. Ngoài lý do ảnh hưởng của dịch bệnh, sẽ có dự án chưa thật sự cần thiết và hồ sơ, thủ tục chưa đầy đủ.

“Trước đây, các bộ, ngành, địa phương đua nhau xin dự án vốn ODA vì thấy rẻ, vốn trong nước ít, nay đầu tư công không dễ tiêu như trước nữa. Chính phủ giờ vay về cho địa phương vay lại, tự vay tự trả, nên chính quyền các địa phương cũng phải tự cân nhắc. Nhân cơ hội địa phương trả lại, các bộ, ngành nên rà soát lại toàn bộ dự án. Nếu dự án nào chưa khởi công mà thấy chưa cấp bách, chưa cần thiết có thể xem xét hủy vay, vì vốn ODA giờ không rẻ nữa”, ông Đào nói.

Theo Bộ Tài chính, hết 9 tháng đầu năm 2021, có 11 địa phương chưa giải ngân được đồng vốn vay nước ngoài nào, gồm: Lai Châu, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Kon Tum, Đồng Nai, Trà Vinh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Tiền Giang.

Theo Bộ KH&ĐT, tới ngày 27/9, bộ này đã nhận được đề xuất của 15 bộ, ngành, 23 địa phương trả lại vốn kế hoạch đầu tư công từ nguồn trung ương, với tổng số vốn trả lại hơn 21.700 tỷ đồng, trong đó vốn nước ngoài trả lại hơn 17.854 tỷ đồng.

Sẽ mất lực thúc đẩy kinh tế tăng trưởng?

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), cho biết, việc bộ, ngành, địa phương trả lại vốn ODA thực tế chỉ là trả vốn kế hoạch, không phải trả tiền. Lý do là theo Luật Đầu tư công, dự án muốn được giải ngân phải có trong hạn mức kế hoạch được giao.

“Về bản chất, tất cả vốn ODA đều dành cho từng dự án cụ thể, giải ngân theo tiến độ thực tế, không thể sử dụng tiền vay dự án A cho dự án B. Việc trả lại hay điều chuyển kế hoạch vốn chỉ thực hiện trên thủ tục trong nước, không ảnh hưởng tới hiệp định vay, vốn vay cho từng dự án. Dự án chỉ bị ảnh hưởng nếu không kịp tiến độ dẫn tới hết hạn giải ngân, phải đàm phán gia hạn hiệp định vay hoặc hủy vốn”, ông Long nói.

Theo ông Long, việc trả lại kế hoạch vốn vay cũng không ảnh hưởng tới nợ công. Nợ công chỉ tính khi giải ngân cho dự án, bên cho vay thông báo chuyển tiền và ghi nhận nợ của Chính phủ.

Lãnh đạo Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại nhìn nhận, việc giải ngân vốn ODA chậm tác động rất lớn đến nền kinh tế, tới cân bằng vĩ mô và tăng trưởng. “Không giải ngân sẽ không có tiền chảy vào nền kinh tế, không tạo được việc làm, không thúc đẩy được sản xuất, tiêu dùng”, ông Long nói.

Theo đại diện Bộ Tài chính, năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện vốn kế hoạch 5 năm (2021-2025), việc các bộ, ngành, địa phương phải trả vốn sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch các năm tiếp theo. Nếu năm nay giải ngân thấp sẽ dồn vốn sang các năm tiếp theo, áp lực giải ngân lớn hơn.

Về khả năng giảm vay ODA khi trong nước đang dư thừa vốn, theo ông Long, Bộ Tài chính cũng thường xuyên khuyến nghị các bộ ngành, địa phương khi xây dựng dự án sử dụng vốn ODA cần tính toán, cân nhắc do vốn vay ưu đãi thường đi kèm điều kiện như sử dụng nhà thầu, nguyên vật liệu, máy móc, nhân công... của bên cho vay.

“Hiện vay, vay ODA ngày càng khó, ưu đãi giảm dần nên phải xem dự án nào thật sự cần thiết mới vay. Vốn ODA thường có kỳ hạn vay 30-40 năm, thông qua vay vốn cơ hội tiếp nhận công nghệ mới, vấn đề đối ngoại được cải thiện. Trong khi vốn trong nước thường ngắn hạn, nếu Nhà nước vay sẽ mất phần đáng ra sẽ dành cho các thành phần kinh tế vay. Khi đàm phán vay vốn nước ngoài, chúng tôi cũng đấu tranh để có được các điều khoản có lợi mới vay, ODA không còn thuần túy như trước đây”, ông Long nói.

Đại diện Bộ Tài chính dẫn chứng, trước đây nhà thầu nước ngoài gần như làm toàn bộ các dự án ODA, nhưng nay hầu hết dự án nhà thầu nước ngoài phải liên danh, liên kết với nhà thầu trong nước. Điều này giúp nhà thầu trong nước có thể tiếp thu công nghệ, kỹ thuật nước ngoài tiến tới tự làm chủ.

Tin mới

Đâu là nguyên nhân đẩy giá cà phê lên cao?
9 giờ trước
Giá cà phê tăng cao ngay giữa vụ thu hoạch nhưng nhiều nông dân vẫn chưa vội bán ra vì hy vọng giá sẽ tiếp tục tăng
Central Retail Việt Nam và The Garden ký kết hợp tác chiến lược
9 giờ trước
Central Retail Việt Nam và Công ty TNHH MTV Đầu tư và Thương mại The Garden - thành viên của Bitexco Group, công bố hợp tác chiến lược cho giai đoạn 20 năm tiếp theo và mở rộng các thương hiệu lớn của Tập đoàn.
Ford Ranger, Everest đổi trang bị tại Việt Nam: Thêm tiếng Việt, bớt cảm biến, bỏ tính năng từng vượt trội đối thủ
3 giờ trước
Các dòng xe Ford Ranger và Everest tại Việt Nam từ tháng 12/2024 sẽ có giao diện tiếng Việt trên tất cả phiên bản. Bên cạnh đó, tính năng lùi chuồng tự động trên một số phiên bản của 2 dòng xe này sẽ không còn nữa.
Nga phá vỡ kỷ lục về dự trữ vàng, đạt hơn 2.300 tấn đứng thứ 5 thế giới
5 giờ trước
Nga đang đứng thứ 5 thế giới về dự trữ vàng, chỉ xếp sau Mỹ, Đức, Italy, Pháp và xếp trên Trung Quốc.
Đây là xe tay ga xịn nhất của Honda: Dùng công nghệ như ô tô, 'ăn đứt' SH, giá bán ở Việt Nam gây bất ngờ
5 giờ trước
Đây được xem là mẫu xe tay ga cao cấp nhất của Honda.

Tin cùng chuyên mục

App gọi xe nhỏ chật vật tìm đường sống
2 ngày trước
Dù nỗ lực bám trụ thị trường nhưng các ứng dụng gọi xe nhỏ lẻ vẫn khó có cơ hội bứt phá
Xe Trung Quốc ở Việt Nam lúc này: Dè dặt xe điện, chuyển hướng bán hybrid, xe xăng
3 ngày trước
Trước hàng loạt thách thức ở thị trường Việt Nam, xe điện Trung Quốc dường như đã không bùng nổ như kỳ vọng, thậm chí có xu hướng "dè dặt" hơn trong việc ra mắt. Thay vào đó, các hãng lại tỏ ra ưu ái xe đốt trong hơn khi đã và sắp ra những mẫu mới sử dụng động cơ xăng hoặc hybrid.
Giá USD hôm nay 23/11: Tăng không ngừng, tỷ giá "chợ đen" đảo chiều giảm
3 ngày trước
Giá USD hôm nay 23/11 trên thế giới tăng không ngừng, có thời điểm chạm mức 108. Trong nước, giá USD ngân hàng bán ra cộng thêm 5 đồng, trong khi tỷ giá "chợ đen" diễn biến lạ.
Bán 60.000 iPhone thu 2.000 tỷ đồng trong hơn 1 tháng, điều gì giúp TopZone 'on top' thị trường?
3 ngày trước
TopZone tiếp tục khẳng định vị thế nhà bán lẻ ủy quyền cao cấp nhất của Apple với doanh thu chuỗi chương trình mở bán iPhone 16 nhanh chóng đạt 2.000 tỷ đồng, phản ánh hiệu quả của chiến lược chú trọng vào trải nghiệm khách hàng của thương hiệu.