Nếu bạn là một nhà đầu tư cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, bạn sẽ nghĩ rằng có hàng triệu nhà đầu tư xuất hiện sau bạn và sẵn sàng trả giá cao hơn để sở hữu cổ phiếu đó; hay bạn lạc quan rằng ngành thương mại điện tử sẽ còn phát triển như vũ bão với những nhà đầu tư đến từ sao Hoả, sao Mộc và sao Thổ?
Nortel – cổ phiếu từng đạt mức tăng trưởng lớn nhất trong lịch sử của Canada – chứng minh đó không phải là lựa chọn tuyệt vời với các nhà đầu tư. Câu chuyện của Nortel gợi nhắc về bong bóng dot.com khổng lồ những năm 90.
Vào thời điểm đó, Internet phát triển như vũ bão đã khiến nhiều doanh nghiệp nhanh chóng ra sức tận dụng thế mạnh của nó cho ra đời hàng loạt các công ty dựa vào Internet để tiến hành công việc kinh doanh của mình. Đó chính là các công ty dotcom.
Nhiều công ty chưa hề tạo ra một xu lợi nhuận mà cổ phiếu vẫn được nhà đầu tư lùng mua. Tuy nhiên, khi bong bóng dot-com vỡ vào tháng 3 năm 2000, hàng loạt công ty dot-com phá sản, nhiều nhà đầu tư trở nên trắng tay.
Những công ty kinh doanh viễn thông và Internet có uy tín trên thị trường cũng bị vạ lây, mà điển hình là trường hợp của Hãng Nortel Networks Corp – hãng khổng lồ viễn thông của Canada, nhà cung cấp các thiết bị viễn thông lớn thứ ba trên thế giới. Khi diễn ra cuộc khủng hoảng này, giá cổ phiếu của Nortel Network đã giảm từ 800 đô la xuống chỉ còn 200 đô la.
Nhiều nhà đầu tư cho rằng một cổ phiếu có giá bằng 25% giá ở thời điểm cao nhất của nó, sẽ là một vụ làm ăn lớn, chắc sẽ đem lại nhiều lợi nhuận. Nhưng sự thật, họ đã lầm. Cái giá 800 đô la/ cổ phiếu của Nortel Networks thời điểm trước khủng hoảng là một cái giá vượt quá giá trị thực của nó rất nhiều lần. Và khi nó xuống còn 200 đô la/ cổ phiếu, đấy cũng chưa phải là giá trị thực của nó.
Trong bối cảnh hiện tại, ở cuộc khủng hoảng dịch bệnh năm 2020, nhiều nhà đầu tư lo sợ câu chuyện tương tự sẽ lặp lại với Shopify – công ty có trụ sở chính đặt tại Ottawa (Canada). Hãy nhìn vào biểu đồ dưới đây.
Rõ ràng từ biểu đồ trên có thể thấy, vốn hoá thị trường của Shopify đã đạt top 120 tỷ USD và giá cổ phiếu đã vượt 1000 USD/ cổ phiếu.
"Hiếm có công ty nào ở quy mô như vậy lại có giá tăng đến mức "kì diệu" chỉ trong một vài tháng ngắn ngủi. Tuy nhiên, điều "kì diệu" đã xảy đến với Shopify", Josh Brown – nhà quản lý quỹ Ritholtz Wealth Management chia sẻ trên MarketWatch.
Trường hợp của Shopify gợi nhắc về "hiệu suất đám cháy" – ví dụ cực kì thành công của một công ty được hưởng lợi từ những thay đổi trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, Shopify là một công ty phần mềm chuyên cung cấp các dịch vụ trực tuyến, được nhiều nhà bán lẻ truyền thống tin dùng và đang trở thành đối thủ cạnh tranh lớn của Amazon.
"Đó là một câu chuyện khá thú vị với rất nhiều cơ hội lớn", Brown nói.
Tuy nhiên, cái gì đến quá nhanh cũng luôn kèm theo sự nguy hiểm. Và thành công của Shopify không phải là ngoại lệ bởi nó rất dễ bị nghiền nát khi được kì vọng quá cao.
Theo chuyên gia công nghệ Eric Savitz, Shopify đang được giao dịch với mức giá lớn gần 2.000 lần lợi nhuận ước tính của năm hiện tại và gấp 60 lần doanh thu của năm hiện tại. Điều này khiến nó trở công ty có vốn hoá thị trường lớn nhất sau lĩnh vực công nghệ sinh học.
"Shopify đang phát triển như vũ bão và cung cấp những dịch vụ hữu ích. Tuy nhiên, để nó trở thành cổ phiếu có giá trị lớn nhất hành tinh như nhiều người vẫn đang gọi, có lẽ còn nhiều điều phải bàn cãi", chuyên gia công nghệ Savitz cho biết.
"Nếu bạn là một nhà đầu tư cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, bạn sẽ nghĩ rằng có hàng triệu nhà đầu tư xuất hiện sau bạn và sẵn sàng trả giá cao hơn để sở hữu cổ phiếu đó; hay bạn lạc quan rằng ngành thương mại điện tử sẽ còn phát triển như vũ bão với những nhà đầu tư đến từ sao Hoả, sao Mộc và sao Thổ?", vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Kết thúc phiên giao dịch hôm thứ 2 tuần này, cổ phiếu Shopify ghi nhận mức giảm nhẹ trong khi chỉ số S&P, Nasdaq Composite và Dow Jones đều đạt mức tăng trưởng đáng kể.