Xếp hàng mua vé, xếp hàng để xuống thuyền hoặc lên tàu điện di chuyển tham quan… là tình trạng chung tại điểm du lịch tâm linh chùa Bãi Đính và chùa Tam Chúc.
Theo chia sẻ của ông M (nhân viên xe bus tại chùa Tam Chúc), lượng khách những ngày Tết đều quá tải, nhất là thời điểm 4 Tết- 9 Tết. Đặc biệt tại các điểm bán vé, tình trạng người xếp hàng dài diễn ra phổ biến. Khảo sát sơ bộ tại chùa Tam Chúc, có tới khoảng 8 điểm bán vé được bố trí tại nhiều khu vực nhưng đều trong tình trạng xếp hàng dài. Ngoài ra, điểm xếp hàng di chuyển ra du thuyền tham quan các khu vực chùa tâm linh hoặc khu vực trải nghiệm, du khách phải xếp hàng rất lâu.
Khách xếp hàng chen chân mua vé vào chùa Tam Chúc.
Khách tới chùa Tam Chúc trong ngày đầu xuân.
Chị Nguyễn Linh chia sẻ: “Tôi tới Tam Chúc du xuân vào mùng 7 Tết. Để xếp hàng mua vé, tôi phải mất 30 phút mới tới lượt. Để tới được điểm chờ vào du thuyền, tôi cũng phải đợi 1,5 tiếng. Người với người chen nhau chật cứng, xếp thành hàng dài. Nhân viên phục vụ cũng quá tải”.
Theo chia sẻ của chị Nguyễn Linh, vé vào Tam Chúc thấp nhất 200.000 đồng/vé dành cho người lớn bao gồm di chuyển bằng đò, xe bus tới quần thể khu tâm linh. Mức giá 270-290.000 đồng dành cho khách lựa chọn di chuyển bằng du thuyền và trở lại bằng xe bus. Ngoài ra còn mức giá 450.000 và hơn 600.000 đồng/vé dành cho khách có nhu cầu.
Tại điểm du lịch tâm linh chùa Bãi Đính, lượng khách đến du xuân cũng tăng mạnh. Anh Thanh Trường (Hải Dương) cho biết: “Tôi dẫn đoàn đến Bãi Đính vào ngày mùng 4 Tết. Lượng khách đến rất đông, đều phải xếp hàng mua vé và xếp hàng làm lễ”.
Ảnh du khách tới chùa Bãi Đính. (Ảnh: NVCC)
Anh Trường chia sẻ, đoàn anh có 40 người, vé để vào du xuân tại chùa Bãi Đính là 200.000 đồng/người. Đây chỉ là chi phí để vào tham quan, các chi phí khác như khoản tiền công đức, làm lễ, mua bùa bình an sẽ tuỳ tâm.
Theo một nhân viên dịch vụ tại chùa Bãi Đính, khu du lịch tâm này hiện có 200 xe điện nhưng vẫn quá tải hầu như cả ngày. Ban quản lý phải huy động thêm xe buýt để phục vụ khách nhưng vẫn không đủ. Du khách phải chờ đợi khá lâu mới có xe.
Theo báo cáo nhanh của Sở Du lịch Ninh Bình, trong 07 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 (từ ngày 29 đến mùng 5 Tết), khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính đón đến 162.340 du khách.
Cả 2 dự án tâm linh chùa Bãi Đính và Tam Chúc đến hiện tại vẫn chưa hoàn thiện các hạng mục. Theo đánh giá chung của du khách, dịch vụ du lịch của 2 công trình tâm linh này đều được cải thiện và chuyên nghiệp như dịch vụ tiếp đón, di chuyển bằng xe điện, du thuyền, tư vấn cho khách, khu vực ăn uống, gian hàng lưu niệm cũng như đảm bảo môi trường không gian tham quan sạch đẹp cho du khách tới.
Được biết, năm 2004, Xuân Trường khởi công xây dựng Khu Du lịch chùa Bái Đính (Ninh Bình) trên diện tích 700ha với 20 hạng mục. Ngôi chùa này đã lập nhiều kỷ lục như: Tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, tượng Phật Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á, chuông đồng lớn nhất Việt Nam 36 tấn, nhiều tượng La Hán nhất Việt Nam (500 vị bằng đá xanh cao khoảng 2m), giếng ngọc lớn nhất Việt Nam; có số cây bồ đề nhiều nhất Việt Nam…
Đến năm 2006, Xuân Trường tiếp tục xin xây siêu dự án về văn hóa tâm linh - nghỉ dưỡng sinh thái - vui chơi giải trí khác là Tam Chúc - Ba Sao với tổng mức đầu tư 11 nghìn tỷ đồng. Tổng diện tích của dự án lên tới 5.100ha, bao gồm các khu chức năng như khu lòng hồ Tam Chúc, khu văn hóa tâm linh chùa Ba Sao, khu trung tâm đón tiếp nghỉ dưỡng, khu sân golf 36 lỗ; khu cây xanh và dịch vụ ven hồ; khu bảo tồn di tích và cảnh quan thiên nhiên.
Ngoài ra, Công ty Xây dựng Xuân Trường còn đổ hàng chục nghìn tỷ đồng vào những đại tự như: khu tâm linh tổng hợp đảo Cái Tráp (Hải Phòng), Khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên)…
Thời điểm năm 2021, Công ty Xây dựng Xuân Trường của đại gia Xuân Trường cũng đã làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương và trình bày đề xuất quy hoạch khu du lịch sinh thái Hồ Thanh Long thành một khu du lịch tổng hợp tầm cỡ quốc gia.
Theo đó, toàn bộ khu vực nghiên cứu quy hoạch có tổng diện tích khoảng 1.502ha, với tâm điểm là 3 ngọn tháp ở hồ Tam Tôn, nối với nhau bằng hệ thống đường ngâm dưới lòng hồ. Ngoài ra, ngôi chùa Thanh Long sẽ được xây dựng trên các đảo nổi trong lòng hồ để thu hút khách du lịch. Doanh nghiệp cam kết đầu tư gần 10.000 tỷ đồng với thời gian 10 năm vào khu dịch này.