Thương mại điện tử (TMĐT) từ lâu đã "ăn sâu" vào thói quen sinh hoạt của nhiều người, nhưng đối với các đơn vị quản lý tòa nhà, đặc biệt là tòa chung cư, số lượng kiện hàng "gửi nhờ" đang ngày càng trở thành "vấn nạn".
Không những thế, với nhịp sống tấp nập ngày nay, người dùng còn sử dụng TMĐT như là một hình thức "đi chợ", từ sản phẩm tươi sống tới nội thất ngoại cỡ, các gói hàng cần phải có sự quan tâm đặc biệt để không bị hư hỏng do nắng mưa hoặc nguy hiểm hơn là mất trộm.
Hộp thư thông minh – Một giải pháp "hoàn hảo"?
Để gỡ bỏ "quan ngại" này và giúp khách hàng thoải mái mua sắm, các tập đoàn thương mại điện tử lớn như Amazon đã bắt tay với UPS, FedEx nhằm giao hàng đến những tủ hàng thông minh được bố trí ở nhiều siêu thị khác nhau.
Để rút ngắn hơn khoảng cách lấy hàng cho khách, các doanh nghiệp kinh doanh "tủ thông minh" cũng bắt đầu xuất hiện như Apartment Locker hay Luxer One, bố trí trực tiếp tủ hàng ngay trong khu sinh hoạt của tòa nhà với nhiều kích cỡ lớn nhỏ khác nhau.
Tủ Luxer One tại một cao ốc văn phòng
Một đại diện của Luxer One cho hay: "Chúng tôi bắt đầu cung cấp hộp thư thông minh từ vài năm trước khi một vài tòa nhà liên lạc nhờ "giúp đỡ" với đống kiện hàng được giao. Kể từ lúc thành lập vào năm 2013, chúng tôi hiện đang cung cấp tủ thông minh cho hơn 3.500 địa điểm".
Không chỉ ở các quốc gia châu Mỹ, hàng loạt startup "tủ thông minh" đã nổi lên khắp Đông Nam Á, từ PopBox của Indonesia, Box24 của Thailand, đến POPStation của Singapore… Tất cả đang dần "khai tử" thói quen đi siêu thị của giới trẻ.
Theo hãng Nomura International, thị trường giao nhận thương mại điện tử tại 6 thành phố Đông Nam Á lớn nhất sẽ tăng gấp đôi so với năm 2015 và vượt ngưỡng 7,5 tỷ USD vào 2020.
Trong đó, tủ thông minh được dự đoán là một xu hướng sẽ định nghĩa lại quy trình giao nhận tại khu vực đông dân nhất nhì thế giới này, hứa hẹn gia tăng tỷ lệ giao thành công, tăng độ linh hoạt cho khách hàng và giảm mạnh chi phí giao hàng chặng cuối (hiện chiếm đến 30% chi phí giao nhận TMĐT).
Tủ PopBox của Indonesia
Quy trình giao nhận sử dụng "tủ thông minh":
Đối với công ty giao nhận:
- Đăng nhập tài khoản công ty.
- Chọn đơn hàng/ khách hàng được giao.
- Chọn một ngăn tủ trống bất kỳ.
- Quét mã đơn hàng.
- Bỏ hàng cần giao vào trong tủ, khóa lại và xác nhận đã giao thành công trên app.
Đối với khách hàng:
- Lựa chọn "tủ hàng thông minh" trong bước thanh toán.
- Theo dõi tình trạng đơn hàng.
- Nhận thông báo qua email, ứng dụng hoặc SMS bao gồm mã nhận hàng, địa chỉ nhận hàng …
- Tại tủ thông minh, khách hàng sẽ quét mã thanh toán (nếu có) hoặc nhập mã nhận hàng đã được gửi.
- Tủ hàng sẽ tự động mở ra, khách hàng nhận hàng và đóng lại như cũ.
Vì số lượng ngăn có giới hạn, đối với những đơn hàng đã lâu không được nhận, đơn vị giao nhận sẽ bố trí đem hàng về kho và báo cho khách đến nhận.
Mô hình trên còn linh hoạt "thích ứng" với môi trường Đông Nam Á, như tại Indonesia, PopBoxAsia còn hỗ trợ nhận thanh toán và trả hàng do thói quen người dùng.
Còn tại Thái Lan, chuỗi Box24 hỗ trợ thêm gửi - nhận đồ giặt ủi và phối hợp với siêu thị Tesco Lotus để giao đồ tươi sống đến tận nhà khách hàng.
Quy mô như Trung Quốc
Nhân viên giao nhận phải sử dụng "xe ba gác" mới đủ sức chứa
Hàng loạt tập đoàn giao nhận lớn như SF, Yunda, STO, ZTO đã kết hợp với nền tảng logistics GLP để thành lập liên doanh Hive Technology, thúc đẩy sự tăng trưởng của hệ thống tủ thông minh Hive Box đang dẫn đầu thị trường Trung Quốc.
Theo SF Express, chỉ tính riêng Thượng Hải đã có hơn 5.000 tủ được đưa vào sử dụng, đưa tổng số lượng trên toàn quốc vượt mốc 60.000.
Hệ thống này nhanh chóng phát huy sức mạnh khi ngành TMĐT Trung Quốc tiếp tục lập kỷ lục vào năm 2018 với 50,7 tỷ đơn hàng giao dịch thành công. Rất nhiều ban quản lý chung cư đã từ chối tiếp nhận hàng mua qua mạng, tạo điều kiện cho hệ thống Hive tiếp nhận và giao tận tay hơn 2,5 tỷ đơn khắp 100 thành phố lớn nhỏ.
Một nhân viên văn phòng tên Nancy Liu khẳng định rằng mô hình này đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống: "Lấy hàng tại tủ thông minh khiến tôi cảm thấy an tâm hơn là mở cửa cho người lạ, nhất là vào ban đêm."
Tủ thông minh có mặt ở khắp mọi nơi tại Trung Quốc
Không chỉ được khách hàng ưa thích, hệ thống tủ thông minh cũng được các nhân viên giao hàng đánh giá rất cao: "Tôi không phải leo lên, leo xuống lầu nữa", Chen Deping, một nhân viên giao hàng tại Thượng Hải cho hay. "Nó còn giải quyết được tình trạng nhiều khách hàng không muốn mở cửa cho người lạ."
Một nhân viên giao hàng tên Jiang bổ sung: "Chúng tôi cũng không còn phải chịu trách nhiệm khi hàng hóa để trước cửa bị mất trộm."
Không chỉ tận nhà mà còn tận… tủ lạnh?
Trung Quốc dẫn đầu về quy mô, nhưng các thương hiệu tại Mỹ lại dẫn đầu về mức độ phục vụ "tận răng" cho khách. Cả Walmart và Amazon đều đã áp dụng hệ thống ổ khóa và camera thông minh, giúp hàng hóa có thể "yên vị" ngay trong nhà khách hàng.
Dịch vụ giao hàng … tận tủ lạnh
Nhưng Walmart còn đi xa hơn khi chuẩn bị tung ra dịch vụ giao hàng… tận tủ lạnh trên cả website Walmart.com và ứng dụng Walmart. Trong quá trình đặt hàng, khách hàng có thể lựa chọn ngày, giờ, và địa điểm cụ thể giao hàng, từ nhà để xe cho đến tủ lạnh trong phòng bếp.
Walmart cũng trấn an người dùng rằng nhân viên của họ chỉ có thể mở cửa duy nhất một lần thông qua thông tin được mã hóa. Không những thế, toàn bộ nhân viên giao hàng trong nhà còn được gắn thiết bị "camera hành trình", thu lại toàn bộ diễn biến giao nhận để đảm bảo sự an toàn cho tài sản của khách.
Đây là một bước đi có phần táo bạo của Walmart, vì mô hình thành công cũng sẽ "triệt tiêu" luôn nhu cầu mua sắm tại siêu thị Walmart. Nhưng với việc Amazon đang ngày càng thống trị và tạo ra "địa ngục" cho đối thủ, "ông hoàng bán lẻ" Walmart buộc phải thay đổi trước khi quá muộn.