Cùng với chuột Mickey, Disneyland cũng là một biểu tưởng rất nổi tiếng của tập đoàn khổng lồ Disney. Công viên là một phần của phức hợp Disney World, được xem là thiên đường giải trí cực kỳ lành mạnh phù hợp cho mọi độ tuổi, là địa điểm "nhất định phải ghé thăm" ở những nơi nó tồn tại.
Tuy nhiên, "thiên đường" ấy không để dành cho trẻ em bình thường. Để đặt chân vào Disneyland, bạn sẽ phải trả một cái giá không hề rẻ, bởi trên thực tế thì vé vào cửa của các công viên giải trí thuộc Disney đang ngày càng đắt thêm qua mỗi năm.
Như năm 2018, Disney World trải qua 2 lần tăng giá. Lấy ví dụ như loại vé hạng bạch kim (platinum) - vốn là lựa chọn tiêu chuẩn cho phép khách hàng được thăm cả 4 công viên của Disney trong suốt 1 năm. Tháng 2/2018, giá vé tăng từ 779 thành 849 USD (19,5 triệu đồng tiền Việt). Đến tháng 10, giá lại tăng tiếp thành 894 USD (hơn 20 triệu đồng). Tổng cộng, giá vé tăng 15% trong năm ấy. Và ở thời điểm hiện tại, vé platinum của Disney World đã lên tới gần 1200 USD cả thuế (27,6 triệu đồng) - mức giá đắt đỏ bậc nhất trong số các loại hình công viên giải trí trên thế giới.
Đó là lần thứ 4 trong lịch sử Disney World tiến hành tăng giá 2 lần trong cùng 1 năm. Lần đầu tiên là vào năm 1997, trước khi khu Animal Kingdom chuẩn bị khai trương vào năm 1998. Năm 2018, chuyện tương tự lại diễn ra khi Disney World và Disneyland mở khu chủ đề "Star Wars" - Galaxy's Edge rộng gần 60.000m2.
Và sự mở rộng của Disney vẫn chưa dừng lại. Disneyland tại Hong Kong đã bỏ ra hơn 1,4 tỉ USD cho 2 khu chủ đề về "Avengers" và Frozen. Khu DisneySea của Tokyo cũng mở rộng hơn, khu Epcot và Disney Studio tại Disneyland Paris cũng vậy. Tất cả trở thành lý do để Disney tăng giá vé - khi bạn được hưởng nhiều tiện ích hơn, bạn phải đóng nhiều tiền hơn, vậy thôi.
Bất chấp những khoản đầu tư khổng lồ, Disneyland vẫn thu lại lợi nhuận khổng lồ lên tới 4,5 tỉ USD trong năm tài khoá 2018 - tăng 100% so với năm 2013. Nhưng nếu vốn đã đang thu lại lợi nhuận nhiều như vậy, tại sao họ phải tăng giá tiếp làm gì? Chẳng lẽ họ... tham đến thế?
Từ giữa thập niên 1980 đến đầu những năm 2000, các công viên của Disney đã tỏ ra vượt trội so với các đối thủ cùng mảng. Năm 2002, chỉ riêng Magic Kingdom của Disney đã có doanh thu cao hơn gấp đôi so với đối thủ cạnh tranh mạnh nhất là MGM Studios. Nhưng đến năm 2010, mọi chuyện bắt đầu thay đổi mạnh sau khi Universal mở khu chủ đề liên quan đến thế giới phép thuật của J.K Rowling: Wizarding World of Harry Potter.
"Thương trường là chiến trường. Tự nhiên Disney lại có đối thủ cạnh tranh mới, mà họ thì không thích thua. Không chỉ vậy, Disney thậm chí còn không muốn phải cạnh tranh. Họ muốn nghiền nát mọi đối thủ," - Robert Niles, nhà thiết kế các chủ đề cho Insider chia sẻ.
Kể từ thời điểm ấy, Disney bắt đầu tập trung mọi nguồn lực để vùi dập đổi thủ của mình. Năm 2011, họ mở khu chủ đề "Avatar" ở Animal Kingdom. 6 năm sau, những khu chủ đề mới được thiết lập ở 4 công viên giải trí lớn nhất. Và đến năm 2017, khách hàng đến với Disney chiếm tới 55% tổng lượng khách trên các công viên giải trí trên thế giới.
Những khu chủ đề của Disney là thứ hút khách đến thăm
Đó là một chiến dịch thực sự thành công. Tất cả mọi người đều muốn đến Disney World vào kỳ nghỉ hè và lễ Giáng sinh (thời điểm trẻ em được nghỉ học). Vấn đề nằm ở chỗ số tiền bỏ ra đầu tư lên tới cả tỉ USD, họ mở cửa 365 ngày trong năm mà chỉ có thể kín chỗ trong khoảng 4 - 6 tuần. Vậy là để cân bằng, họ buộc phải sử dụng chính sách về giá tiền và các ưu đãi.
Năm 2018 với lần tăng giá thứ 2, Disney World đẩy giá vé của mình lên rất cao, nhưng đi kèm là chính sách linh động. Giá vé cho mùa cao điểm (hè và kỳ nghỉ đông) sẽ cao hơn, nhằm giãn bớt khách cho các thời điểm khác trong năm.
"Disney hiểu rằng kinh tế nước Mỹ đang như thế nào. Họ biết về cái gọi là "chênh lệch giàu nghèo". Họ nhìn thấy tiền chủ yêu nằm ở những người có thu nhập cao - thuộc top 10%, thậm chí là 1%. Vậy nên họ tạo ra một loạt các sản phẩm mới nhằm hút được nhiều tiền hơn từ những người dư giả và sẵn sàng chi tiêu." - Niles cho biết.
Disney đã đưa ra một số lựa chọn mới cho những khách hàng có tiền, như ăn tối cùng công chúa Disney, dịch vụ trang điểm, làm tóc, thậm chí cả tour dành cho các VIP. Và dĩ nhiên, các offer "xịn" như vậy sẽ đi kèm mức giá khác. Như năm 2014, khu resort Orlando được mở trong đất cảu Disney với mức giá $449/đêm. Hay như khu nghỉ dưỡng Bora Bora Bungalows chỉ tốn khoảng $29 khi công viên mới khai trương, thì giờ đã có giá 3.400 USD (gần 80 triệu đồng).
Vấn đề duy nhất của chiến dịch này, đó là nếu bạn thuộc tầng lớp trung lưu không thể kiếm được nhiều tiền hơn, bạn sẽ khó mà đáp ứng mức giá Disney đưa ra.
Từ thập niên 2000, Disney World bắt đầu tăng giá theo từng năm, trong khi thu nhập trung bình lại giảm đi 5,4%. Đến năm 2018, bình quân chi tiêu trên từng đầu khách của họ tăng 5%, trong khi doanh thu phòng nghỉ cũng tăng 8%.
"Disney đã làm rất tốt khi trở thành một biểu tượng văn hóa của nước Mỹ. Họ làm tốt đến nỗi biến Disneyland trở thành một thương hiệu thân thuộc, và giờ những người theo từ đầu đang cảm thấy áp lực vì sự tăng trưởng của họ. Đa số các khách hàng trước kia đều thuộc tầng lớp trung lưu cũ, và họ khó mà theo đuổi được hệ thống kinh tế hiện đại ngày nay." - Niles nhận xét.
"Nhiều khách hàng có lẽ sẽ cảm thấy thất vọng, vì họ đặt cả trái tim vào hãng, vào công ti và giờ họ thì thật mệt mỏi khi phải cố bám theo. Nhưng sự thật thì khi Disney tăng trưởng, họ phải bám theo những nơi có khả năng sinh lời. Họ phải theo con đường tối đa lợi nhuận, và nếu cố gắng chiều ý những khách hàng trung thành chỉ là sự kìm hãm mà thôi."
Tham khảo: Business Insider