Theo đó, tháng 5/2015, Vinawaco xong cổ phần hóa và chính thức chuyển sang công ty cổ phần, với vốn điều lệ 300 tỷ đồng, nhà nước nắm 36,62% vốn điều lệ (hơn 109 tỷ đồng).
Tuy nhiên, trong các năm sau khi chuyển sang công ty cổ phần, Vinawaco thực hiện kiểm kê tài sản, đối chiếu công nợ, và bị chính các chủ nợ tới đòi, đã phát lộ khoảng 14 khoản nợ, lỗ khác nhau, với tổng số tiền lên tới hơn 137 tỷ đồng. Những khoản này trước đó không hề được đưa vào phần định giá doanh nghiệp khi cổ phần hóa, trong đó đáng kể là khoản nợ Vietcombank 53 tỷ đồng với vốn vay ban đầu 12 tỷ đồng kéo dài suốt 22 năm… Với số tiền 137 tỷ đồng trên, nếu được quyết toán sẽ được tính vào phần vốn nhà nước, khiến tài sản nhà nước tại Vinawaco sẽ bị âm hơn 30 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính năm 2017 của Vinawaco, tổng tài sản đơn vị này là hơn 1.200 tỷ đồng, nhưng nợ phải trả lên tới 900 tỷ đồng (trong đó nợ ngắn hạn chiếm đa số với hơn 804 tỷ đồng, nợ dài hạn hơn 96 tỷ đồng). Lợi nhuận trước thuế năm 2017 của doanh nghiệp này chỉ đạt 1,8 tỷ đồng (đạt 62% kế hoạch).
Vốn ảo
Báo cáo với cổ đông, Chủ tịch HĐQT Vinawaco Ngô Văn Tuấn cho biết, năm 2017, công ty tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Trong đó, ngoài các khó khăn kể trên, đa số vốn điều lệ của công ty nằm ở công ty con, công ty liên kết, nhưng phần này cũng không hiệu quả (hoặc hiệu quả thấp). Thậm chí, Vinawaco có khả năng mất vốn tại một công ty liên kết do làm ăn kém hiệu quả, như: Cty CP Công trình giao thông miền Trung; Cty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại - Vinawaco 25, 18; Cty CP Đầu tư và xây dựng đường thủy; Cty CP MCO Việt Nam; Cty CP Nạo vét và xây dựng đường biển II; Cty CP Đầu tư bê tông công nghệ cao.
Về khó khăn của Vinawaco, Ban Kiểm soát công ty cho rằng, tới nay một số vấn đề tồn tại từ trước cổ phần hóa vẫn chưa giải quyết được. Phần vốn nhà nước tại Vinawaco (109 tỷ đồng) cũng chỉ tồn tại trên sổ sách, tới nay thực tế bao nhiêu chưa quyết toán được. Khi chưa xác định được những vấn đề trên, khó khăn tài chính với công ty vẫn còn vì phải gánh chi phí tài chính cho phần vốn ảo.
Trên sổ sách Vinawaco có khoản nợ phải thu hơn 590 tỷ đồng (chiếm tới 73% giá trị tổng tài sản ngắn hạn), nhưng thực tế có nhiều khoản chưa đối chiếu xác nhận được. Thậm chí có những khoản ghi nhận từ nhiều năm trước cổ phần hóa, nhưng không đối chiếu xác nhận được, đây là những nguy cơ tiềm ẩn với công ty... Dù lãnh đạo công ty đã hàng chục lần có văn bản, hồ sơ, tài liệu đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo giải quyết dứt điểm việc quyết toán vốn sau cổ phần hóa, nhưng tới nay vẫn chưa được giải quyết.
Bộ GTVT xác nhận có tình trạng trên nhưng cũng lúng túng trong việc tìm ra phương án giải quyết, nên đã gửi công văn xin ý kiến của Bộ Tài chính. Hồi đáp, Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT với tư cách là cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án cổ phần hóa, khẩn trương kiểm tra, làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân để xảy ra tình trạng nợ đọng và các khoản lỗ để xử lý dứt điểm. Vinawaco còn kiến nghị Bộ GTVT điều lại những người từng làm lãnh đạo công ty trước cổ phần hóa để xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng. Nhưng tới nay, mọi việc chưa được giải quyết.
Theo một chuyên gia tài chính, với trường hợp của Vinawaco, nếu xác định đúng những khoản nợ trên và tính vào giá trị doanh nghiệp sẽ làm giảm giá trị doanh nghiệp xuống. Điều này nếu xảy ra, sẽ có cách giải quyết, hoặc nhà nước sẽ phải đàm phán với nhà đầu tư để không nắm giữ cổ phần nữa; hoặc nếu tiếp tục giữ cổ phần tại doanh nghiệp này sẽ phải đàm phán mua lại cổ phần với nhà đầu tư. Dù chọn phương án nào, ngân sách nhà nước sẽ bị ảnh hưởng và sẽ có người phải chịu trách nhiệm.
Nhiều doanh nghiệp đang nợ khủng
Như Tiền Phong đã phản ánh trong bài "Rã rời những ‘cánh chim’ Cienco" (số ra ngày 18/8/2018), sau cổ phần hóa, hầu hết các tổng công ty xây dựng công trình giao thông (Cienco) cũng rơi vào khó khăn, lợi nhuận giảm, chủ nợ bủa vây. Đỉnh điểm là sự kiện diễn ra hồi tháng 7 vừa qua, khi một nhóm người lao động của Cienco 8 kéo tới trụ sở Cienco 1 căng băng rôn, kê ghế chắn cửa để đòi nợ gói thầu thực hiện từ năm 2016 nhưng tới nay chưa được trả.
Theo báo cáo tài chính của các Cienco, hết năm tài chính 2017, hầu hết các đơn vị này đều rơi vào tình trạng nợ vượt vốn. Cụ thể, Cienco 1, hết năm qua nợ phải trả hơn 2.993 tỷ đồng (nợ ngắn hạn hơn 2.922 tỷ đồng); Cienco 4 đang nợ hơn 6.000 tỷ đồng (nợ ngắn hạn hơn 3.300 tỷ đồng); Cienco 5 nợ hơn 1.759 tỷ đồng ( nợ dài hạn hơn 1.109 tỷ đồng)...
Tập đoàn T& T xin thoái vốn
Liên quan tới việc cổ phần hóa Bệnh viện Giao thông Vận tải (Hà Nội), khi thực hiện cổ phần hóa, Tập đoàn T&T đã rót vốn để nắm giữ tỷ lệ cổ phiếu tương đương 30% vốn điều lệ và là nhà đầu tư chiến lược. Tuy nhiên, thời điểm cổ phần hóa, dự án tòa nhà bệnh viện bằng vốn ODA lại không được tính vào giá trị bệnh viện, dẫn tới, mới đây khi quyết toán dự án ODA tòa nhà bệnh viện, giá trị bệnh viện được xác định lại tăng thêm hơn 233,4 tỷ đồng (từ 168 tỷ đồng lên hơn 391,4 tỷ đồng). Sau khi xác định lại, Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT tiếp tục giữ lại phần vốn này, do đó tỷ lệ sở hữu của nhà nước sẽ tăng từ 70% lên 71,12%, trong khi T&T giảm từ 30% xuống còn 28,88%.
Được biết, mới đây Tập đoàn T&T đã có văn bản đề nghị các Bộ GTVT, Tài chính, Y tế cho thoái toàn bộ vốn đã đầu tư vào Bệnh viện Giao thông.