Đây là công cụ quan trọng, hợp pháp để “bảo vệ” các ngành sản xuất, các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt khi các hàng rào thuế quan được dỡ bỏ theo các cam kết quốc tế.
Trong bối cảnh Việt Nam tham gia sâu rộng vào rất nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) như ASEAN, ASEAN+ và gần đây nhất là EVFTA, các biện pháp phòng vệ thương mại đã và đang ngày càng đóng vai trò tích cực đối với nền kinh tế cũng như các ngành sản xuất, doanh nghiệp trong nước, góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao hiệu quả của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Với các Hiệp định FTA có mức độ cắt giảm thuế quan rất cao như EVFTA thì áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp Việt Nam hay thậm chí là các doanh nghiệp EU trong một số lĩnh vực cũng sẽ cao hơn, do vậy nhu cầu sử dụng các công cụ PVTM cũng sẽ tăng.
Theo Bộ Công Thương, khi Hiệp định Thương mại tự do EVFTA có hiệu lực, phòng vệ thương mại của Việt Nam sẽ gặp phải một số khó khăn.
Thương mại hàng hóa giữa hai nước sẽ gia tăng do đại đa số các dòng thuế nhập khẩu sẽ được đưa về mức 0%, từ đó, có thể dự đoán rằng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU sẽ tăng nhanh, dẫn tới khả năng tăng số lượng vụ việc phòng vệ thương mại giữa hai bên (để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước sự gia tăng hàng hóa nhập khẩu).
Việc thực thi Hiệp định EVFTA đòi hỏi các doanh nghiệp cần tìm hiểu, nắm vững các cam kết trong Hiệp định, kể cả các quy định về PVTM để có thể chuẩn bị, khai thác các lợi ích mà Hiệp định đem lại, đồng thời bảo vệ lợi ích chính đáng của mình.
Bên cạnh đó, việc gia tăng số lượng các vụ việc PVTM có thể tạo ra một số khó khăn nhất định cho cơ quan điều tra PVTM của Việt Nam do bị hạn chế về nguồn lực.
Ngoài ra, do các lợi ích mà Hiệp định EVFTA đem lại là rất lớn nên không loại trừ nguy cơ một số doanh nghiệp tìm cách gian lận xuất xứ hoặc lẩn tránh biện pháp PVTM mà EU đang áp với nước khác để hưởng lợi bất chính.
Trong bối cảnh đó, các hoạt động PVTM cần tập trung cảnh báo, ngăn chặn các hành vi bất hợp pháp này.
Bộ Công Thương cho biết, hiện Bộ đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp để tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài cũng như có khuyến cáo đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Xu thế bảo hộ, xung đột thương mại đang diễn biến rất phức tạp, đặc biệt trong quan hệ giữa các nền kinh tế lớn, tác động nhiều mặt tới nền kinh tế toàn cầu, khu vực và Việt Nam. Tính đến hết tháng 3 năm 2020, đã có gần 160 vụ việc PVTM do 19 quốc gia và vùng lãnh thổ khởi xướng điều tra với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Trong số đó, các nước khởi xướng điều tra nhiều nhất là Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, EU....
Trước tình hình này, Bộ Công Thương đã chủ động hỗ trợ doanh nghiệp thông qua nhiều hoạt động như:
Tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, cảnh báo đối với các biện pháp PVTM áp dụng lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, kể cả các vụ điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM; Hàng tuần có bản tin cảnh báo sớm để đăng tải công khai, đồng thời gửi các Hiệp hội doanh nghiệp để phổ biến cho các doanh nghiệp.
Trình Chính phủ ban hành Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về PVTM nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong việc chủ động sử dụng và ứng phó hiệu quả với các biện pháp PVTM để bảo vệ lợi ích hợp pháp và chính đáng của mình.
Đẩy mạnh phổ biến, hướng dẫn, tư vấn doanh nghiệp cách thức ứng phó với các vụ kiện do nước ngoài khởi xướng;
Chủ động làm việc, phối hợp, kể cả đấu tranh với các cơ quan điều tra nước ngoài ngay từ giai đoạn điều tra ban đầu để bảo vệ lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp Việt Nam, giảm thiểu tác động bất lợi của biện pháp.
Các nỗ lực nêu trên về PVTM đã góp phần bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất, xuất khẩu, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu do Quốc hội đề ra.