Hàng loạt tỉ phú Thung lũng Silicon đang đổ tiền cho hầm trú ẩn tránh tận thế ở New Zealand trong 2 năm qua.
Điểm đến lý tưởng nhất
Lo sợ chiến tranh hạt nhân, các đại dịch hay biến loạn xã hội nhằm vào người giàu, giới doanh nhân công nghệ đã lên những kế hoạch tinh vi khó tưởng để tháo chạy khỏi nước Mỹ. Sự sốt sắng chuẩn bị một chỗ ẩn nấp trên hòn đảo tuyệt đẹp gần cực Nam địa cầu cho cái gọi là tận thế - vốn mới chỉ dừng lại là những đề tài béo bở cho phim viễn tưởng, khiến báo giới địa phương không khỏi thắc mắc: Những bộ óc kiếm tiền tỉ ở Thung lũng Silicon dường như là nhóm đang bị ám ảnh nhất với viễn cảnh "trời sập".
Hãng tin Bloomberg hồi đầu tháng này dẫn lời Tổng Giám đốc Gary Lynch của Công ty Rising S Co. - trụ sở ở Texas (Mỹ) cho biết hãng này đã lắp đặt hầm trú tận thế cho 7 doanh nhân Thung lũng Silicon ở New Zealand trong 2 năm qua. Mẫu hầm đắt giá nhất lên tới 11,5 triệu USD, nặng tới 150 tấn và nằm sâu 4 m dưới lòng đất để tránh trường hợp nổ hạt nhân. Theo ông Lynch, New Zealand là điểm đến lý tưởng nhất cho những người trốn chạy tận thế. "New Zealand không thù oán với ai. Nước này cũng không phải mục tiêu của hạt nhân hay chiến tranh. Đây là nơi con người tìm kiếm tị nạn" - ông giải thích.
Hầm trú tránh tận thế nặng tới 150 tấn có giá 11,5 triệu USD được chôn sâu dưới lòng đất 4 m của Công ty Rising S Co Ảnh: FACEBOOK
Trang Bloomberg cho biết 2 hầm trú ẩn tận thế, mỗi cái 92 m2, được vận chuyển từ Mỹ tới New Zealand. Một trong 2 cái đã được lắp đặt trong vùng Northland trong khi cái còn lại được đưa tới một địa điểm bí mật ở bờ biển phía Tây của Đảo Nam.
Trong khi có những tỉ phú muốn trú ẩn một mình, một số khác lại muốn được "trải nghiệm tận thế" mà vẫn gần gũi với cộng đồng. Đó chính là lý do để nhà kinh doanh bất động sản, Giám đốc điều hành (CEO) Robert Vicino của Công ty Xây dựng quản lý nhà cao cấp Vivos, theo đuổi xây dựng một loại hầm trú tận thế khổng lồ, đủ cho khoảng 300 người với chi phí 35.000 USD/người.
Theo CNN, các nhà phát triển loại hầm trú công cộng như vậy thường tận dụng boong-ke quân sự và silo tên lửa (khoang chứa nguyên liệu, thiết bị) của Mỹ hoặc Liên Xô. Công trình có thể tốn tới hàng trăm triệu USD để xây dựng lại từ đầu.
Những công trình kiên cố này được thiết kế để chống chịu các cuộc tấn công hạt nhân với trang bị tiên tiến từ hệ thống điện, nước sạch tới lọc khí phóng xạ - sinh học - hóa học và thậm chí cả vườn thủy sinh.
Bảo hiểm tận thế
Tiếng tăm "miễn dịch với tận thế" của đất nước kiwi nhanh chóng thu hút nhiều đại gia như tỉ phú Peter Thiel, nhà đồng sáng lập hệ thống chi trả qua mạng PayPal và là một trong những nhà đầu tư ban đầu của Facebook. "Ông bầu" mát tay của giới đầu tư mạo hiểm này năm 2015 đã chi tới 10 triệu USD để mua bất động sản rộng gần 200 ha sát vùng hồ thuộc rặng núi thơ mộng Southern Alps ở Wanaka thuộc Đảo Nam.
Tuy nhiên, mảnh đất tươi đẹp đã được lên nhiều bộ phim đình đám như "Chúa tể của những chiếc nhẫn" hay "Hobbit" vẫn chưa gây chú ý bằng ngôi nhà 4 phòng ngủ mà ông Thiel đã mua trước đó 4 năm ở Queenstown với giá hơn 3,2 triệu USD, sau khi nhập quốc tịch New Zealand. Bởi ngôi nhà này vừa được trang bị thêm một "phòng an toàn" hồi năm ngoái sau vụ hỏa hoạn lớn gây thiệt hại hơn 300.000 USD.
Theo truyền thông Mỹ, chuyện vạch kế hoạch bay tới New Zealand đang trở thành đề tài nóng bỏng trong các bữa tiệc tối ở Thung lũng Silicon, trong đó tỉ phú Thiel không ngại chia sẻ công khai "kế hoạch B" của mình. Một đại gia khác (giấu tên) trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm nói rằng ông đã chuẩn bị chiếc "túi cơ động", trong đó có cả súng ống, để trên chiếc mô tô chờ sẵn trong garage. Ngay khi có biến, ông sẽ nổ máy và "xé gió" tới chỗ trực thăng riêng để bay tới Nevada - nơi một chiếc máy bay khác đang chờ sẵn trong nhà kho sẽ đưa ông cùng 4 đại gia công nghệ khác tới New Zealand.
Chủ tịch quỹ Y Combinator Sam Altman - người cùng với tỉ phú Thiel đã "chấm" New Zealand là điểm đến trước tiên cho cuộc trốn chạy tận thế từ năm 2016, cũng có một cái túi tương tự, bao gồm 1 khẩu súng, mặt nạ phòng độc, lều bạt và thuốc kháng sinh.
Những nhân vật giàu có khác ở đất nước cờ hoa cũng đã mua đất ở New Zealand còn có đạo diễn nổi danh Hollywood James Cameron và tỉ phú Julian Robinson. Trong năm tài chính 2017, tổng cộng 17 người Mỹ tận dụng chương trình Visa đầu tư kinh doanh để định cư New Zealand - vốn đòi hỏi mỗi người nước ngoài phải đáp ứng một khoản đầu tư 10 triệu USD trong vòng 36 tháng. Riêng ở thị trấn nghỉ dưỡng Queenstown đã có 10 đại gia Mỹ mua dinh cơ trong 2 năm qua.
Tuy nhiên, cơn sốt hầm trú tận thế của giới siêu giàu Thung lũng Silicon được cho là đã góp phần thúc đẩy New Zealand thông qua luật cấm người nước ngoài mua nhà hồi tháng 8, trong nỗ lực kiềm chế giá nhà đất bị đẩy cao quá sức chịu đựng của người mua địa phương.
Cháy hàng
Dù không được đánh giá lý tưởng bằng ở đất nước châu Đại Dương nhưng những dự án hầm tránh thảm họa được xây dựng ngay tại Mỹ cũng luôn trong tình trạng cháy hàng.
Giá cho mỗi tầng hầm lên đến 3 triệu USD nhưng vẫn xây không kịp bán. Dự án hầm trú tận thế Survival Condo tọa lạc tại phía Bắc TP Wichita, bang Kansas, mới hoàn thiện căn đầu tiên với sức chứa tối đa 70 người hồi năm 2017 và lập tức phải tiến hành xây hầm thứ hai để giải quyết nhu cầu cho hàng loạt người siêu giàu đang xếp hàng chờ mua.
Đối với những khách hàng "tiền không thành vấn đề" này, các công ty xây dựng hầm trú tận thế không chỉ cố gắng đáp ứng về độ vững chãi chống chịu mọi hiểm họa, từ đại dịch toàn cầu, va chạm tiểu hành tinh, hay Chiến tranh Thế giới thứ 3 mà đi đôi với nó là các dịch vụ tiện nghi sang trọng.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 20-9
Kỳ tới: Đặt chỗ bay vào vũ trụ