Sau nhiều ngày úp mở, cuối cùng tỉ phú Elon Musk, nhà sáng lập Công ty Du lịch vũ trụ SpaceX, tuần rồi đã công bố danh tính chủ nhân đầu tiên của tấm vé bay tới mặt trăng cùng công ty này: Tỉ phú Nhật Bản Yusaku Maezawa.
"Rất nhiều tiền"
Vị tỉ phú 42 tuổi đứng vị trí thứ 18 trong những người giàu nhất Nhật Bản sẽ thực hiện chuyến bay vòng quanh mặt trăng trên tàu vũ trụ Big Falcon Rocket (BFR) của SpaceX. Khi chuyến thám hiểm diễn ra, dự kiến vào năm 2023, ông Maezawa sẽ trở thành hành khách tư nhân đầu tiên chinh phục hành trình mà đến nay mới chỉ có 24 nhà du hành vũ trụ thực hiện. Chuyến bay gần nhất lên mặt trăng là của tàu vũ trụ Apollo hồi năm 1972.
Trước khi tiết lộ "người được lựa chọn" tại sự kiện diễn ra vào tối 17-9 ở trụ sở của SpaceX tại Hawthorne, ngoại ô Los Angeles - Mỹ, tỉ phú Musk đã "nhá hàng" những hình ảnh đồ họa mới mô phỏng hệ thống phóng BFR bay thẳng vào giữa những tầng mây ở trên cùng của trái đất và hướng vào vũ trụ.
Hiện chưa rõ người sáng lập của hãng bán lẻ trực tuyến Zozo nổi tiếng Nhật Bản đã chi bao nhiêu tiền để có được chuyến bay vòng quanh mặt trăng khiến nhiều người ao ước này. Ông Musk chỉ tiết lộ vị tỉ phú đất nước mặt trời mọc sở hữu khối tài sản 2,9 tỉ USD đã chi "rất nhiều tiền" để mua toàn bộ số ghế của sứ mệnh mặt trăng đầu tiên của con người trên BFR.
Ông Maezawa cho biết sẽ mời 6-8 người, gồm nghệ sĩ, kiến trúc sư, nhà thiết kế và những người sáng tạo khác đồng hành trong chuyến thám hiểm dài cả tuần này.
Chạy đua
Cùng với SpaceX, Công ty Blue Origin của người sáng lập Amazon Jeff Bezos và Virgin Galactic của tỉ phú Anh Richard Branson cũng đang chạy đua phát triển tàu vũ trụ riêng.
Danh sách đặt chỗ trên những phi thuyền do các công ty này phát triển cũng không ngừng nối dài. Trong số những người đã đăng ký bay cùng Virgin Galactic có những cái tên nổi tiếng như diễn viên Mỹ Leonardo DiCaprio và ngôi sao nhạc pop Canada Justin Bieber. Chuyến bay trong khoảng 90 phút có giá 250.000 USD.
Trong khi đó, phía Công ty Blue Origin tuyên bố sẽ bắt đầu mở bán vé cho các chuyến du hành vào vũ trụ từ năm 2019. Giá vé trên tàu vũ trụ New Shepard của công ty thuộc sở hữu của tỉ phú giàu nhất hành tinh, chưa được công bố nhưng theo thông tin độc quyền đăng tải trên Reuters, Blue Origin sẽ tính phí khoảng 200.000 - 300.000 USD cho chuyến du hành đầu tiên.
Tàu New Shepard được thiết kế để chở theo 6 hành khách lên độ cao 100 km từ trái đất, đủ cao để trải nghiệm vài phút trạng thái không trọng lực và nhìn thấy đường cong của trái đất trước khi quay về.
Phía công ty vũ trụ được thành lập từ năm 2000 này của ông Bezob cho biết khoang hành khách có 6 cửa sổ quan sát với chiều cao gấp 3 lần cửa sổ của máy bay Boeing 747.
Cho tới nay, Blue Origin đã hoàn thành 8 chuyến bay thử nghiệm cất cánh thẳng đứng và hạ cánh với New Shepard từ bệ phóng ở bang Texas nhưng không có hành khách trên khoang. Trong đó có 2 chuyến thử nghiệm mang theo hình nộm.
Cũng đam mê khám phá vũ trụ chẳng kém gì nhà sáng lập của SpaceX, tỉ phú Bezos được cho là đang trong quá trình chạy nước rút để đưa Công ty Hàng không vũ trụ Blue Origin của mình ra khỏi chế độ khởi nghiệp và bước vào giai đoạn sản xuất. Nỗ lực cấp bách nhất đang dồn vào rốc-két New Glenn. Nhà sáng lập Amazon hứa hẹn rốc-két hạng nặng này có thể chở các vệ tinh và cuối cùng là con người lên quỹ đạo.
Động cơ đẩy tầng thứ nhất của New Glenn sẽ có thể tái sử dụng và trở thành phần chủ chốt trong chiến lược hạ thấp chi phí cũng như tăng tần suất phóng rốc-két của ông Bezos.
Ban lãnh đạo Blue Origin từng tuyên bố các chuyến bay thử nghiệm sẽ bắt đầu trong 2 năm nữa. Khung thời gian này được cho là quá gấp gáp nhưng giới phân tích cho rằng việc thử nghiệm thành công vào khoảng thời gian năm 2020 sẽ giúp Blue Origin có sự ra mắt tốt nhất, mở ra cơ hội cạnh tranh với rốc-két của các đối thủ dự kiến được tung ra thị trường trong vài năm tới.
Tỉ phú Bezos bán 1 tỉ USD giá trị cổ phiếu Amazon hằng năm để tài trợ giấc mơ không gian của mình. Tuy nhiên, sau 18 năm thành lập, Công ty Blue Origin của ông dường như vẫn đang chạy sau "hít khói" SpaceX.
Công ty khởi nghiệp hàng không vũ trụ của tỉ phú Musk đã tạo được chỗ đứng trong ngành công nghiệp không gian với loại rốc-két Falcon 9 có thể tái sử dụng và chi phí tương đối mềm. Công ty có trụ sở ở TP Hawthorne, bang California này đã hoàn tất hơn 50 lần phóng thành công Falcon và thu về các hợp đồng hàng tỉ USD, trong đó có các hợp đồng với Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) và Lầu Năm Góc.
Khơi gợi cảm hứng sáng tạo
Dấn thân vào những hành trình vũ trụ có thể ẩn chứa nhiều rủi ro nhưng không ít nhà giàu trên thế giới vẫn không ngại ngần chi mạnh tay. Đối với tỉ phú Maezawa, vị khách đầu tiên sẽ đi tới mặt trăng cùng SpaceX, chuyến đi đặc biệt này sẽ chạm tới ước mơ từ thuở nhỏ của mình. Ông bày tỏ mong muốn những người đồng hành của mình được khơi cảm hứng sáng tạo sau khi trở về trái đất và "truyền cảm hứng cho tất cả chúng ta".
Có vẻ như các công ty thám hiểm vũ trụ đang ngày càng đẩy xa giới hạn hơn nữa đối với sự nuông chiều cảm hứng sáng tạo, tất nhiên trước hết là cho những người có nhiều tiền. Công ty Thám hiểm vũ trụ Axiom Space đang gây nhiều sửng sốt khi tuyên bố kế hoạch khai thác du lịch tại trạm vũ trụ thương mại Axiom Station, thường được gọi là "khách sạn không gian" từ năm 2020, với chi phí 55 triệu USD/người cho chuyến thám hiểm 10 ngày. Trạm vũ trụ thương mại đầu tiên trên thế giới vốn do kiến trúc sư người Pháp nổi tiếng Philippe Starck thiết kế nội thất này lấy cảm hứng từ cảm giác không trọng lực của em bé khi ở trong bụng mẹ.