Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giảm lãi suất về 0 – 0,25% từ giữa tháng 3/2020 để tháo gỡ khó khăn trong ngắn hạn cho nền kinh tế Mỹ trước tác động của Covid-19. Lãi suất này được dùng để quyết định lãi suất cho vay mua nhà, thẻ tín dụng và nhiều khoản vay khác tại Mỹ. Đến 28/7/2021, FED thông báo sẽ tiếp tục để mức lãi suất cho vay ngắn hạn từ 0% - 0,25%, dự báo sẽ không tăng cho đến năm 2023 đồng thời tiếp tục chương trình mua 120 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng.
Từ 2020 tại Trung Quốc, lãi suất cơ bản cho vay thời hạn 1 năm giảm từ 4,05% xuống 3,85%, thời hạn 5 năm từ 4,75% xuống 4,65%, mức giảm tại các NHTM dao động từ 0,15% - 0,2%. Lãi suất tiền gửi tại quốc gia này trong khoảng 0,1% - 3%, đối với tiền gửi ngoại tệ, lãi suất bằng 0%. Trung Quốc đang đẩy mạnh việc nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua dịch Covid-19.
Trong khu vực Đông Nam Á, năm 2020, Thái Lan cũng có động thái cắt giảm lãi suất cho vay từ các ngân hàng thương mại sau khi Ngân hàng Trung ương Thái Lan hạ mức đóng góp bắt buộc của các ngân hàng thương mại vào Quỹ Phát triển thể chế tài chính. Nhưng mức giảm tại một số ngân hàng lớn tại Thái Lan chỉ dao động ở mức 0,4%, việc cắt giảm lãi suất cho vay nhằm giảm nhẹ gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp, lĩnh vực bán lẻ trong bối cảnh nền kinh tế tại Thái Lan đang đi xuống do tác động đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, các nước Âu – Mỹ, khu vực Đông Âu và các nền kinh tế phát triển đều có mức lãi suất tiền gửi nội tệ, ngoại tệ 0%/năm, thậm chí một số nước còn duy trì lãi suất âm để có thể hạ lãi suất cho vay xuống thấp (2% - 5% tùy thuộc vào đối tượng vay và thời hạn vay).
Ngân hàng Trung ương châu Âu đã quy định lãi suất cho vay ở mức 0,25% nhưng lãi suất tiền gửi là -0,5%.
Các nước trong khối ASEAN như Thái Lan, Philippines, Malaysia, Singapore cũng đang có mức lãi suất tiền gửi ngắn hạn cho đồng nội tệ ở mức 0%, lãi suất tiền gửi dài hạn trong khoảng từ 0,2% – 0,7%/năm. Điều đó tạo cơ sở cho các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, hầu hết Chính phủ hay Ngân hàng Trung ương các quốc gia không đưa ra các mệnh lệnh hành chính trực tiếp, yêu cầu các ngân hàng phải hạ lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp. Việc hạ lãi suất cho vay với nhóm khách hàng nào, mức độ bao nhiêu sẽ do các ngân hàng thương mại tự quyết định dựa trên chiến lược kinh doanh và đánh giá mức độ rủi ro của từng khoản vay.
Theo Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI), tiền gửi VND ở nước ta cho kỳ hạn ngắn và trung đang ở mức từ 3,5% - 6,2%/năm là rất cao so với các nước khác như Malaysia, Thái Lan,… và dẫn đến lãi suất cho vay cao gấp 2- 3 lần. Đây là bất lợi lớn cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng như đông đảo người tiêu dùng thuộc đối tượng thu nhập thấp, trung bình.
Tại Việt Nam, các ngân hàng thương mại nhiều lần cam kết giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, mỗi khi nền kinh tế rơi vào khó khăn, mức giảm dao động khoảng 1%. Tuy nhiên với đề xuất giảm 3% - 5% lãi suất từ Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa là một câu chuyện khác.
PGS.TS Ngô Trí Long – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, trong khi “miếng bánh” giảm lãi vay của ngân hàng có hạn nhưng doanh nghiệp nào cũng muốn “cắt miếng to” như thế là không được. Bản thân ngân hàng cũng là doanh nghiệp, huy động tiền gửi của dân về cho vay và giữa 2 lãi suất huy động – cho vay hiện chỉ chênh lệch khoảng 3%. Vậy doanh nghiệp đòi giảm 3% - 5% thì ngân hàng sống bằng gì.
Trước cam kết giảm 24.000 tỷ đồng lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại, ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, đối tượng nào khó khăn nhiều thì giảm lãi suất nhiều, đối tượng nào ít thì giảm ít, nhưng phải làm thật. Ngân hàng Nhà nước sẽ giám sát từ nay đến cuối năm việc cam kết giảm lãi suất của các ngân hàng thương mại. Bên cạnh việc yêu cầu giảm lãi suất cho vay, Ngân hàng Nhà nước cũng vừa công bố dự thảo thông tư tiếp tục cho phép các ngân hàng thương mại được cơ cấu nợ cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.